Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 18/7/2012

Điểm báo ngày 18/7/2012

Dịch cúm H5N1 xuất hiện tại Quảng Bình
Ngày 16.7, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn vịt chết tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh cho thấy đã nhiễm cúm H5N1. Trước đó, vịt nuôi ở các xã Sơn Thủy, Lộc Thủy (H.Lệ Thủy), An Ninh (H.Quảng Ninh) chết bất thường với số lượng lớn.
Chi cục Thú y Quảng Bình đang phối hợp với các địa phương tiêu hủy số vịt chết, phun hóa chất khử trùng vùng có dịch và địa bàn lân cận; ngăn chặn không cho người, phương tiện vận chuyển gia cầm vào ra vùng có dịch; đồng thời gửi văn bản đề nghị Cục Thú y cấp vắc xin để tiêm phòng cho số vịt còn lại ở Lệ Thủy và Quảng Ninh. (Gia đình & Xã hội, Thanh niên, Phụ nữ Việt Nam 18/7 (trang 11))
Vụ tử vong tại phòng khám Maria: Gia đình nạn nhân 
“tố” phòng khám tẩu tán chứng cứ

Ngoài việc khẳng định không ký vào biên bản tử vong, người nhà nữ bệnh nhân thiệt mạng tại phòng khám đa khoa Maria tối 14-7 còn cho rằng, cơ sở khám chữa bệnh này đã cố tình “dọn sạch” hiện trường sau khi xảy ra sự việc.
Không khí tang thương vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ nằm ở khu phố 7 phường La Khê, quận Hà Đông, kể từ khi chị Nguyễn Thị Thu Phong ra đi đột ngột. Nỗi đau càng đè nặng tâm trí người ở lại khi nguyên nhân sự việc còn chưa được làm sáng tỏ. 
Với thái độ vô cùng bức xúc, ông Nguyễn Văn Nhất (bố chồng nạn nhân) khẳng định không ký vào biên bản tử vong được cán bộ trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội lập tại phòng khám. Gia đình nạn nhân chỉ biết về biên bản này vào sáng 15-7, khi lực lượng pháp y Quân đội trưng cầu. “Một bác sỹ cầm vali hỏi tên tôi rồi tự điền vào tờ khai. Thấy dòng chữ Biên bản tử vong, tôi vội vã chạy vào phòng điều trị thì thấy thi thể con dâu đã lạnh buốt, chắc chắn đã chết từ rất lâu…” – người đàn ông cố giấu ánh mắt đỏ hoe kể lại sự việc. Thời điểm tiếp xúc với nạn nhân, ông Nhất đi cùng con gái út.
Quá bất ngờ và phẫn nộ trước sự việc, em chồng nạn nhân đã gào thét, tra hỏi lý do nhưng không ai trả lời. Đặc biệt, gia đình nạn nhân còn cho rằng, một số y tá mặc áo blouse màu hồng đã vào phòng điều trị thu dọn các lọ thuốc, bình dịch đã sử dụng. “Chúng tôi yêu cầu 2 nữ y tá giữ nguyên hiện trường, không tháo các bình dịch để chờ cơ quan chức năng đến giải quyết nhưng lúc này vẫn có một y tá khác đang cất giấu thuốc ở góc phòng. Sau đó khá lâu, Phó Giám đốc phòng khám xuất hiện nhưng không trả lời bất cứ điều gì mà chỉ đi lại nhiều vòng ở khu vực điều trị” – đại diện gia đình nạn nhân cho biết.
Chiều 17-7, PV Báo ANTĐ đã trao đổi với y sỹ Nguyễn Đăng Cương – cán bộ trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội được điều động đến phòng khám. Theo nhật ký công tác được ghi lại thì khoảng 21h32 ngày 14-7, phòng khám Maria báo tin có bệnh nhân bị dị ứng, cần được cấp cứu. Khi vào phòng khám, phát hiện bệnh nhân đã chết, y sỹ Cương và cộng sự đi cùng đã cố gắng hô hấp nhưng không có kết quả. Lúc này, chị Nguyễn Thị Thu Phong đang được truyền chai dung dịch muối 0,9% (đã hết 1/3), cạnh đó là bình dung dịch đường 5% đã truyền hết một nửa.
 “Theo trách nhiệm, tôi gọi các bên liên quan đến lập biên bản nhưng đại diện gia đình và các bác sỹ trực ca người Việt Nam nhất quyết không ký. Tôi phải yêu cầu mới có một nam bác sỹ người Trung Quốc ký vào mục đại diện gia đình hoặc cơ quan nhưng không ghi rõ họ tên, rồi vội vã bỏ đi” – y sỹ Cương cho biết. Cũng theo xác nhận của cán bộ trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thì một số y tá, giúp việc đã cố gắng dọn dẹp phòng khám, trong khi các bác sỹ nước ngoài đã mau chóng rời khỏi hiện trường. Sau đó, việc báo tin lên các cơ quan chức năng cũng do phía gia đình nạn nhân thực hiện.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an quận Đống Đa đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định trách nhiệm cá nhân liên quan.
Nghi ngờ phòng khám Maria vẫn hoạt động?
Theo phản ánh của nhiều người dân, ngày 17-7, phòng khám Maria vẫn mở cửa, có dấu hiệu hoạt động chui dù đã bị tạm đình chỉ. Trước thông tin trên, chiều cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại phòng khám này. Qua kiểm tra, phòng khám vẫn mở cửa chính, trong phòng khám có 2 nhân viên lễ tân đang làm trực điện thoại tại bàn tư vấn, khoảng hơn 10 nhân viên khác và một bác sĩ của phòng khám cũng có mặt nhưng không phát hiện hoạt động khám chữa bệnh. Bác sĩ có mặt là ông Nguyễn Quang Cừ, phụ trách phòng khám ngoại của phòng khám Maria lý giải việc ông đến phòng khám là để tư vấn cho những bệnh nhân đang điều trị chuyển sang cơ sở y tế khác cho phù hợp. 
“Không hiểu tại sao…”
Như ANTĐ đã đưa tin, Sở Y tế xác nhận không hề cấp phép cho bác sĩ nào người Trung Quốc khám chữa bệnh tại phòng khám Maria, nhưng mới đây cơ quan điều tra lại phát hiện tại phòng khám này có tất cả 6 bác sĩ người Trung Quốc làm việc. Ngày 17-7, bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (ảnh) đã trả lời phỏng vấn ANTĐ về vấn đề này.
– PV: Sau vụ bệnh nhân tử vong tại phòng khám Maria vừa qua, Sở có ý định đóng cửa hẳn phòng khám này?
– Bà Lưu Thị Liên: Vụ tử vong của chị Nguyễn Thị Thu Phong xảy ra tại phòng khám Maria chiều 14-7, chúng tôi rất lấy làm tiếc vì đây là phòng khám tư nhân đã được Sở Y tế cấp phép. Trước mắt, chúng tôi đã tạm đình chỉ phòng khám để cơ quan điều tra làm việc, khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, tùy theo mức sai phạm của phòng khám Sở Y tế mới đưa ra quyết định đối với phòng khám này. 
– Sở Y tế cấp phép cho bao nhiêu bác sĩ người Trung Quốc làm việc ở phòng khám Maria?
– Với phòng khám Maria, cho tới giờ này, Sở Y tế vẫn chưa cấp phép cho bất cứ bác sĩ người Trung Quốc nào hành nghề khám chữa bệnh mà chỉ cấp phép cho 2 người giúp việc là người Trung Quốc. 2 bác sĩ người Trung Quốc được cấp phép này có trình độ cao đẳng, không phải người trực tiếp tham gia điều trị mà chỉ làm giúp việc bác sĩ như vào sổ sách, thay băng, tiêm, đo huyết áp…
– Nhưng theo cơ quan điều tra, có tất cả 4 bác sĩ người Trung Quốc hoạt động khám chữa bệnh tại phòng khám Maria?
– Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi nhận được thông tin này, không hiểu 4 bác sĩ người Trung Quốc đó ở đâu ra và làm việc ở đây bao lâu rồi vì sự thật là chúng tôi không cấp phép cho bác sĩ nào. Năm nào Sở Y tế cũng có kế hoạch phân công các đơn vị chức năng kiểm tra định kỳ các phòng khám trên địa bàn nhưng chưa có báo cáo nào về việc này. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ cơ quan điều tra kết luận cụ thể, nếu có như thế thì sẽ không cho phòng khám tiếp tục hoạt động.
– Tại sao ngành y tế kiểm tra thường xuyên, liên tục mà lại không phát hiện vi phạm nghiêm trọng như vậy?
– Đây là vấn đề Sở Y tế đang quan tâm. Trước mắt, chúng tôi chỉ có cách tăng cường kiểm tra đột xuất, tương lai sẽ có biện pháp khác để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh kiểm tra.(Cùng chủ đề bàn luận: Hà Nội mới (18/7/2012, trang 2): Không thể coi thường tính mạng người dân). (An ninh Thủ đô 18/7 (trang 9))
Thêm một bác sĩ Trung Quốc bị đình chỉ hoạt động
Ngày 17-7, đoàn công tác của Sở Y tế do TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra đột xuất hoạt động khám, chữa bệnh của Phòng khám 59 Khương Trung – quận Thanh Xuân phát hiện một người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc đang khám, kê đơn, chẩn bệnh nhưng không có giấy chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và chưa được phép của Sở Y tế tham gia khám, chữa bệnh tại phòng khám.
Giấy phép đăng ký hoạt động của phòng khám chỉ có 6 bác sĩ và 10 y tá, nhân viên phục vụ đều là người Việt Nam. Đặc biệt, tại phòng điều trị II có bàn tiểu phẫu, có thuốc của Trung Quốc nhưng không có hóa đơn nhập, không có nguồn gốc xuất xứ…
Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị chủ cơ sở phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động khám, chữa bệnh. Các bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh tại phòng khám được Sở Y tế cấp phép phải có mặt thường xuyên. Sở Y tế đã lập biên bản đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của người nước ngoài, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở phòng khám về Sở Y tế làm việc vào ngày 25-7 tới.
Trong khi đó, như Hànộimới đã thông tin, ngày 16-7, Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động với Phòng khám đa khoa (PKĐK) Maria sau khi tại đây xảy ra một trường hợp tử vong. Sở Y tế cũng yêu cầu phòng khám này phải có trách nhiệm liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh có chức năng để chuyển bệnh nhân cũ của mình sang điều trị phù hợp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân, ngày 17-7, PKĐK Maria vẫn mở cửa, có dấu hiệu hoạt động chui. Vì thế, chiều cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với lực lượng công an đã kiểm tra đột xuất phòng khám. Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám vẫn mở cửa chính, một số phòng đóng cửa; trong phòng khám có 2 nhân viên lễ tân đang trực điện thoại tại bàn tư vấn, khoảng hơn 10 nhân viên khác và một bác sĩ của phòng khám có mặt nhưng không hoạt động khám, chữa bệnh. Bác sĩ có mặt lúc đó là Nguyễn Quang Cừ, phụ trách phòng khám ngoại cho biết ông đến phòng khám để tư vấn cho những bệnh nhân đang điều trị chuyển sang cơ sở y tế khác phù hợp theo yêu cầu của Sở Y tế.
Theo bà Trần Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), đến thời điểm này toàn thành phố chỉ có 4 bác sĩ người Trung Quốc được Bộ Y tế cấp phép cho hành nghề khám, chữa bệnh. (Cùng chủ đề bàn luận: Tiền phong (18/7/2012, trang 4): Bác sĩ chui cao chạy xa bay). (Tuổi trẻ, Hà Nội mới 18/7 (trang 2))
Bị ong đốt đến suy gan, suy thận
Ngày 17.7, các bác sĩ khoa Thận – Lọc máu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định) cho biết bệnh nhân Trần Văn Nhựt (29 tuổi, ở thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa, H.Hoài Ân) đã qua cơn nguy kịch, gan và thận đang phục hồi.
Trước đó, ngày 23.6, anh Nhựt đi ngang qua vườn bưởi của một người hàng xóm thì bất ngờ bị ong vò vẽ đốt gần 100 mũi dẫn đến ngất xỉu tại chỗ. Các bác sĩ xác định anh Nhựt bị nhiễm tiết độc tố từ nọc ong dẫn đến suy đa tạng (gan, thận…), nên phải điều trị suy gan và chạy thận nhân tạo.
Hiện vợ chồng anh Nhựt và đứa con 9 tháng tuổi ở với cha mẹ già (cùng 69 tuổi), gia đình thuộc diện hộ cận nghèo. (Thanh niên 18/7 (trang 2))
Phòng khám Maria bất chấp lệnh đình chỉ
Bị đình chỉ hoạt động để phục vụ điều tra từ ngày 16-7 sau khi có bệnh nhân tử vong, nhưng đến ngày 17-7 phòng khám Trung Quốc Maria vẫn tiếp tục nhận tư vấn cho bệnh nhân.
Khoảng 17g ngày 17-7, phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Đặng Thị Hòa dẫn đoàn thanh tra sở và hai cán bộ Công an phường Thịnh Quang (Q.Đống Đa) đến phòng khám Maria. Khi đoàn đến thang máy của phòng khám, một đoàn bà bầu, thanh niên mặc quần đùi… từ thang máy đi ra.
Theo ông Nguyễn Quang Cừ – bác sĩ trực phòng khám, tất cả số người này đều là nhân viên đến lấy đồ cá nhân. Tuy nhiên, sau đó có hai người xin phép ra về, một người cho biết chỉ vào phòng khám để đi vệ sinh. Đây là một phụ nữ có thai, chồng đang chờ ở cửa và anh chồng cho biết đưa vợ đến khám.
Khi công an và thanh tra phong tỏa khu tầng 1 phòng khám Maria, PV Tuổi Trẻ đã lên tầng 7 phòng khám. Tại đây vẫn còn rất đông người mặc thường phục. Trong lúc bối rối, nhân viên phòng khám đã gọi điện thoại nhắc nhân viên tầng 7: “Hủy hết hồ sơ bệnh nhân đi, nó đến kiểm tra”. Trong lúc đó, bác sĩ Nguyễn Quang Cừ luôn tỏ thái độ hùng hổ, quát nạt PV Tuổi Trẻ và cho rằng việc mình có mặt tại phòng khám là chứng tỏ “tấm lòng thầy thuốc với bệnh nhân”.
Trước đó, chúng tôi gọi điện đến đường dây của phòng khám Maria ở số 04.397155… để đề nghị được đến khám nam khoa, nhân viên ở đây đề nghị “đến ngay đi”, tại đây đang có bác sĩ Cừ. Trước đó nữa, nhiều người gọi đến số điện thoại này và đều được thông báo tiếp nhận bệnh nhân cũ bình thường.
Người dân xung quanh phòng khám Maria cho hay ngày 16-7, ngày phòng khám bắt đầu bị đình chỉ hoạt động, có tới hơn 10 bệnh nhân đến truyền dịch và làm các dịch vụ. Trước tình hình này, bà Đặng Thị Hòa khẳng định kể từ ngày 17-7, Sở Y tế sẽ xử phạt nghiêm nếu phát hiện phòng khám Maria tiếp tục tư vấn và tiếp nhận bệnh nhân dưới mọi hình thức.
Trao đổi với Tuổi Trẻ cùng ngày, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết kể từ đầu năm đến nay, cục này có cấp chứng chỉ hành nghề cho 12 bác sĩ Trung Quốc, trong đó có hai người làm việc tại TP.HCM, một ở Kon Tum và chín ở Hà Nội, không có ai trong số này làm việc tại phòng khám Maria.
Trước đó Sở Y tế Hà Nội cho biết phòng khám này chỉ có hai người Trung Quốc được cấp phép làm giúp việc, trong khi nạn nhân N.T.T.P. được tới ba người Trung Quốc điều trị. Như vậy, cộng với một người Trung Quốc quản lý phòng sản phụ khoa và một người đã về nghỉ phép ở Trung Quốc, thì Maria có tới năm người Trung Quốc làm việc. Ai cấp phép hành nghề cho những người này, đó còn là một câu hỏi.
* Chiều cùng ngày, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền và thanh tra Sở Y tế cũng kiểm tra đột xuất phòng khám 59 Khương Trung. Đây là một trong số 13 phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc làm việc và tổ chức quảng cáo rầm rộ thời gian qua.
Tại phòng khám này, đoàn kiểm tra phát hiện một nhân viên người Trung Quốc làm việc ở vị trí bác sĩ nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tại VN. Đoàn kiểm tra còn phát hiện một số loại thuốc có chữ Trung Quốc ngoài bao bì nhưng không có nguồn gốc xuất xứ. Đoàn đã đình chỉ lưu hành các thuốc này và đình chỉ hành nghề với nhân viên người Trung Quốc.
Theo đăng ký tại Sở Y tế Hà Nội, phòng khám 59 Khương Trung có sáu bác sĩ, 10 y tá và nhân viên, tất cả đều là người VN. (Tuổi trẻ 18/7 (trang 5))
Thi sáng tác áp phích về an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngày 17-7, Bộ Y tế tổ chức phát động cuộc thi sáng tác áp phích về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dành cho công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Nội dung sáng tác tập trung vào chủ đề bảo đảm ATVSTP trong chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm… Tác phẩm thể hiện trên khổ giấy A4 (vẽ tay, ảnh chụp hoặc thiết kế bằng phần mềm máy tính), không khống chế màu sắc, có thể dùng làm áp phích hoặc pano tấm lớn. Tác phẩm dự thi gửi về Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương (số 366 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) từ nay đến ngày 15-10-2012 (theo dấu bưu điện).
BTC sẽ xét trao 1 giải nhất (10 triệu đồng), 3 giải nhì (5 triệu đồng/giải), 6 giải ba (3 triệu đồng/giải), 20 giải khuyến khích (1 triệu đồng/giải). (Gia đinh & Xã hội, Hà Nội mới, 18/7 (trang 7))
Tổng LĐLĐVN và Bộ Y tế: Xây dựng môi trường
làm việc không khói thuố
c
Ngày 17.7, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN và Bộ Y tế tổ chức tập huấn xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá trong CNVCLĐ ngành ngân hàng.
Đội ngũ CBCĐ cấp trên cơ sở, CĐCS của ngành ngân hàng được thông tin, trao đổi về hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại VN; triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; phương hướng, nhiệm vụ xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá trong CNVCLĐ… (Lao động 18/7 (trang 4))

Gửi thảo luận