"Đêm tân hôn, sau khi cả hai cùng "thỏa mãn", em thấy anh ấy không nói gì, chỉ lặng lẽ hút thuốc. Em hỏi mãi thì anh ấy mới nói: "Tại sao em không chảy máu nhỉ?". Câu nói của anh làm em sực tỉnh. Em cũng không rõ tại sao mình không chảy máu nhưng chắc chắn với em, đây là 'lần đầu tiên'. Em giải thích rằng em không rõ, có thể do em không có màng trinh hoặc màng trinh đã chẳng may bị rách mà em không biết. Nhưng chồng em có vẻ không bị thuyết phục lắm. Em không biết phải làm sao để giải thích cho chồng em hiểu bây giờ…"
Đó là tâm sự của một bạn gái mới kết hôn gửi tới cho chúng tôi. Có thể nói bạn gái này không phải là người duy nhất rơi vào tình trạng "tình ngay lý gian", không biết giải thích thế nào cho chồng hiểu về sự trong trắng của mình. Không ít chị em đã phải ngậm ngùi mang tiếng oan và phải chịu cảnh "giường lạnh" chỉ vì chồng mình nhất nhất một điều: "Không thấy em có dấu hiệu còn trinh".
Chẳng thế mà đã từng có trường hợp cô dâu 17 tuổi mất trinh và bị nhà chồng trả về. Cô dâu này có thể đã mất trinh nhưng cũng có thể chỉ là nạn nhân của sự kém hiểu biết trong việc đánh giá người phụ nữ mất trinh chỉ qua những nhận định bên ngoài.
Dưới đây là một số hiểu lầm trầm trọng về chuyện có những dấu hiệu chứng tỏ người phụ nữ đã không còn trinh tiết.
– “Núi đôi” không đều nhau chứng tỏ trinh tiết đã mất
Tiêu chí đánh giá này thực sự buồn cười vì nó không hề có căn cứ nào. Thực tế, hầu hết chị em vẫn có núi đôi lệch nhau, bên to bên nhỏ, và đó là do cấu tạo cơ thể, hoàn toàn bình thường, không liên quan gì đến chuyện trinh tiết có còn hay không.
– Không còn trinh thì đầu ngực thâm đen
Màu sắc của "nhũ hoa" thế nào là tùy thuộc vào sắc tố da của mỗi người, có người màu hồng nhạt, có người màu hồng sẫm hoặc có người màu nâu, có người lại màu thâm đen… Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến "nhũ hoa" bị thâm đen là: mang thai, do ánh mặt trời, mặc áo ngực quá chật, bó sát và cứng…
– Vùng da đùi bị thâm tức là cô ấy đã không còn là "con gái"
Vùng da này cũng giống với các cơ quan sinh dục bị ảnh hưởng bởi hormone, nó có nhiều khả năng chuyển màu đen. Ngoài ra, có thể do mặc đồ nội y quá chặt chẽ, khiến mạch máu chịu áp lực, lưu thông không dễ dàng. Điều này cũng khiến màu da trở nên đậm hơn. Để tránh hiện tượng này, chị em có thể mặc đồ lót rộng và thoải mái hơn để giảm bớt áp lực cho vùng da này.
– Không còn trinh thì "cô bé" cũng sậm màu hơn
Chuyện "cô bé" bị sậm màu có thể được giải thích là do người phụ nữ đi bộ nhiều, môi âm hộ bị cọ xát nhiều dẫn tới chuyển màu, vệ sinh không tốt, di truyền… chứ không hoàn toàn là do mất trinh.
– Nếu còn trinh, "lần đầu tiên" phải chảy máu và đau đớn
Thực tế, có người phụ nữ chưa quan hệ nhưng trong lần đầu tiên không ra máu, có người lại chảy máu dữ dội. Có người trong lần đầu vô cùng khó khăn vì âm đạo hẹp, nhưng có người lại thấy dễ dàng như đã trải qua nhiều lần.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y tế Thái Hà), về mặt sinh học, màng trinh chỉ là một màng mỏng chắn ở cửa âm đạo với một hay nhiều lỗ để kinh nguyệt thoát ra. Lỗ này có thể to, có thể nhỏ, tùy từng cấu tạo cơ thể mỗi người.
Màng trinh của mỗi người có độ dày mỏng, rộng hẹp và co giãn rất khác nhau, có người sinh ra đã không có màng trinh hoặc bịt kín (phải mổ)… Một số cô gái có thể bị rách do chơi thể thao, chạy nhảy, đi xe đạp, bị tai nạn, thủ dâm…
Có những bạn gái lại có màng trinh với sự co giãn rất lớn, không bị rách hoặc chảy máu trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Hoặc khi màng trinh bị phá vỡ, nhiều chị em cũng không đau đớn đến mức biểu hiện ra nét mặt như một số người lầm tưởng.
Nếu âm đạo được bôi trơn, hai người có đầy đủ hưng phấn, thì dù là lần quan hệ đầu tiên, cũng thấy rất dễ dàng và không gây đau. Màng trinh khi bị rách, cũng không chảy máu nhiều, chỉ là một chút máu hòa với dịch giao hợp, thành chất dịch có màu hồng nhạt.
Tóm lại, không thể dựa trên những dấu hiệu mà mắt thường quan sát được để làm căn cứ kết luận sự mất – còn "cái ngàn vàng" của chị em. Việc xác định bạn gái còn trinh tiết hay không phải dựa trên sự thăm khám của bác sĩ.