Khi van tim bị hỏng mà các biện pháp dùng thuốc không thể hồi phục được thì phẫu thuật thay van là giải pháp quan trọng giúp cho quả tim người bệnh duy trì được hoạt động sống cho cơ thể. Đây là một phẫu thuật quan trọng. Việc bảo quản van tim đóng vai trò quan trọng đến sự sống còn của bệnh nhân.
Tim có 4 buồng: 2 buồng tim ở phía trên và 2 buồng tim ở phía dưới. Các van tim kiểm soát hướng đi của dòng máu giữa 4 buồng tim. Các buồng tim ở phía trên gọi là tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái; các buồng tim ở phía dưới gọi là tâm thất phải và tâm thất trái. Các tâm nhĩ nhận máu từ các tĩnh mạch trở về tim và bơm máu xuống các tâm thất. Các tâm thất bơm máu ra khỏi tim vào các động mạch.
Các van tim giống như các cánh cửa chỉ mở một chiều. Ví dụ như van động mạch chủ và van động mạch phổi sẽ giúp cho dòng máu từ động mạch chủ và động mạch phổi không thể chảy ngược lại các buồng tâm thất tương ứng. Bình thường tim có 4 van:
Van 3 lá: ở bên tim phải, cho phép dòng máu chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải.
Van 2 lá: ở bên tim trái, kiểm soát dòng máu chảy từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái.
Van động mạch phổi: giúp cho máu chỉ đi theo một chiều từ tâm thất phải lên động mạch phổi và từ đó máu được trao đổi oxy ở phổi.
Van động mạch chủ: giúp cho máu chỉ đi theo một chiều từ tâm thất trái lên động mạch chủ (là động mạch chính đưa máu từ tim đi nuôi cơ thể).
Van 3 lá và van 2 lá được gắn với tâm thất bởi các cột cơ và dây chằng đặc biệt. Các cột cơ và dây chằng này kiểm soát sự hoạt động của van tim.
Khi nào thì van tim bị bệnh?
Những nguyên nhân gây bệnh van tim: bệnh tim bẩm sinh, bệnh van hậu thấp, nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc, bệnh van do thoái hóa. Nguyên nhân thường gặp nhất là thấp tim. Thấp tim có thể làm van tim bị viêm, xơ hóa và dày lên theo thời gian làm cho các van tim không thể mở ra hoặc đóng lại một cách bình thường. Các van tim có thể bị tổn thương do nhiễm khuẩn (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn) hay những bệnh lý khác như vữa xơ động mạch, nhồi máu cơ tim… Van tim bị tổn thương làm hạn chế dòng máu chảy qua van gọi là hẹp van tim. Van tim đóng không kín, làm cho dòng máu chảy ngược lại các buồng tim gọi là hở van tim. Cả hai tổn thương trên thường hay kết hợp với nhau.
Khi van tim bị tổn thương, tim sẽ bơm máu kém hiệu quả hơn, do vậy tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu giàu oxy đi nuôi cơ thể. Khi tim phải làm việc quá nhiều có thể dẫn đến bị suy, gây khó thở, đau ngực, mệt mỏi và giữ nước lại trong cơ thể gây phù. Nếu các triệu chứng trên xuất hiện, có thể cần nong van, sửa van hay thay van tim.
Các biện pháp điều trị khi van tim có vấn đề?
– Nong van tim bằng bóng qua da: Khi van hai lá, van động mạch phổi và một số trường hợp van động mạch chủ bị hẹp khít đơn thuần (không kèm theo hở van hay chỉ hở van ở mức độ nhẹ), không có huyết khối ở trong các buồng tim thì các bác sĩ có thể tách các van bị hẹp này bằng bóng qua da. Bác sĩ sẽ luồn một ống thông có gắn quả bóng ở đầu qua da theo đường động mạch hoặc tĩnh mạch đùi vào tới vị trí van tim bị hẹp. Bóng sẽ được bơm căng lên với kích thước đã được lựa chọn trước làm cho van tim bị hẹp được tách rộng ra. Sau đó các dụng cụ sẽ được rút ra ngoài.
– Phẫu thuật sửa van tim: khi lá van bị tổn thương, bờ các lá van bị dày lên, co kéo hay khi bị sa lá van làm cho van đóng không kín, hậu quả là làm cho dòng máu có thể phụt ngược trở lại buồng tim. Van 2 lá có thể được sửa bằng cách lấy đi phần lá van thừa và khâu phần còn lại với nhau, hoặc bằng cách tạo hình lại các dây chằng. Các phẫu thuật viên có thể đặt thêm một vòng đặc biệt gọi là vòng tạo hình vòng van để làm thu nhỏ lại vòng van bị giãn. Một ưu điểm của phẫu thuật sửa van tim là bệnh nhân vẫn tiếp tục được sử dụng van tim của chính mình.
– Phẫu thuật thay van tim: khi một trong 4 van tim của bệnh nhân bị hỏng, cần thay van tim.
Người bị bệnh van tim hay sau phẫu thuật van tim có nguy cơ bị một nhiễm khuẩn đặc biệt gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn xuất hiện khi vi khuẩn xâm nhập vào trong dòng máu và làm loét sùi van tim. Điều đó có thể gây nhiều biến chứng trầm trọng. Bệnh nhân hãy dùng thuốc kháng sinh trước và sau một số thủ thuật như:
Tất cả các thủ thuật có liên quan đến răng miệng, bao gồm lấy cao răng, đánh bóng răng. Để làm giảm vi khuẩn trong miệng, hãy đánh răng và sát khuẩn miệng hàng ngày, kiểm tra răng miệng định kỳ 6 – 12 tháng một lần.
Bất cứ một phẫu thuật lớn nào; các tiểu phẫu và trong một số trường hợp khác như sinh con; các thủ thuật có gây tổn thương cho tổ chức của cơ thể như soi bàng quang, thăm trực tràng…
Nguy cơ bị nhiễm khuẩn trong các tình huống này rất ít nếu người bệnh được dùng thuốc kháng sinh. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu nào như sốt, vã mồ hôi, ăn không ngon, sụt cân hay mệt mỏi kéo dài.
Có mấy loại van tim? Nên sử dụng loại van nào?
Có 2 loại van tim: cơ học và sinh học.
– Van tim cơ học là một thiết bị chế tạo từ một loại kim loại tổng hợp, được cấy ghép vào tim của bệnh nhân thông qua phẫu thuật tim mở. Van cơ học có thể sử dụng rất lâu, từ 30 – 40 năm nếu biết cách bảo quản.
– Van sinh học lấy màng tim của bò, heo hoặc người chết. Với van sinh học, bệnh nhân cần thay van sau 10 – 15 năm.
Sau khi thay van sinh học bệnh nhân chỉ phải uống thuốc kháng đông 3 tháng nhưng với van cơ học phải uống suốt đời để phòng ngừa sự tạo cục máu đông trên bề mặt van.
Loại van được sử dụng phổ biến hiện nay là van cơ học. 75% biến chứng sau mổ thay van cơ học là chảy máu hoặc kẹt van. Biến chứng này thường xảy ra trong 6 tháng đầu sau mổ. Nguy cơ biến chứng tăng theo mức độ dao động INR (chỉ số để đảm bảo máu không quá đặc hoặc quá loãng khi sử dụng thuốc kháng đông) ngoài ngưỡng điều trị. Thuốc kháng đông nếu dùng quá liều sẽ có nguy cơ xuất huyết nội, đáng sợ nhất là xuất huyết nội sọ, có thể tử vong, ngược lại nếu quá thấp sẽ có nguy cơ bị cục máu đông, có thể dẫn đến đột quỵ.
Sử dụng loại van nào tùy thuộc vào sự lựa chọn giữa bệnh nhân và bác sĩ theo tuổi, tình trạng sức khỏe…
Trang chủ » Phòng Mạch » Tư vấn » Khi nào cần thay van tim?