Trang chủ » Phòng Mạch » Tư vấn » Hen suyễn – có chữa hết?

Hen suyễn – có chữa hết?

Suyễn có chữa hết không?
Rất tiếc là không. Tuy nhiên, tất cả những người bị suyễn có thể có một cuộc sống bình thường. Điều trị nhằm kiểm soát bệnh hoàn toàn, nghĩa là hoàn toàn không có triệu chứng hoặc rất ít. Muốn kiểm soát tốt bệnh cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hiện nay suyễn được điều trị như thế nào?
Bạn phải thực hiện cùng lúc các biện pháp sau:
– Tránh các yếu tố gây kích phát cơn suyễn như khói thuốc lá, bụi, mùi lạ, mạt nhà, mèo…
– Chích ngừa cúm mỗi năm 1 lần.
– Dùng thuốc ngừa cơn và cắt cơn.
Thuốc điều trị suyễn có gì mới?
Suyễn có thể được kiểm soát chỉ bằng các dạng thuốc sử dụng qua đường hít:
– Thuốc ngừa cơn: gồm các thuốc corticosteroid dạng hít và các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Tùy theo độ nặng của bệnh suyễn mà bác sĩ sẽ dùng đơn thuần corticosteroid hay phối hợp cả 2 thứ và dùng liều tương ứng. Thuốc này phải dùng hàng ngày, ngay cả khi bạn không có biểu hiện của bệnh suyễn. Bạn chỉ được giảm liều hay ngưng dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ. Các thuốc hiện có thể mua được là Seretid, Symbicort, Flixotid, Pulmicort…
– Thuốc cắt cơn: gồm các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh và ngắn. Chỉ dùng thuốc này khi có các biểu hiện của cơn suyễn như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực. Nếu không có các biểu hiện này thì không cần dùng thuốc cắt cơn. Các thuốc cắt cơn là Ventolin, Bricanyl…
Dùng corticosteroid hít hay tránh các yếu tố gây bệnh suyễn, biện pháp nào tốt hơn?
Tránh các yếu tố kích phát là một lựa chọn trong điều trị bệnh suyễn. Để thành công, các yếu tố cần phải được nhận diện và sau đó phải loại trừ mọi tiếp xúc với chúng. Không may thay, cả 2 việc này đều rất khó, nếu không muốn nói là không thể khả thi cho hầu hết người bị suyễn. Hầu như tất cả người bị suyễn có vài yếu tố kích phát và đôi khi một yếu tố kích phát trở nên quan trọng chỉ khi nó hiện diện cùng với một yếu tố kích phát khác, ví dụ như kết hợp giữa lạnh và gắng sức. Hiện không có xét nghiệm nào hoàn chỉnh, chính xác và bảo đảm để phát hiện yếu tố kích phát và dị nguyên. Một số ít người có thể loại bỏ hoàn toàn tất cả các yếu tố kích phát nếu họ biết tất cả, nhưng vài yếu tố kích phát như gắng sức là một phần của cuộc sống bình thường và không thể tránh hoàn toàn được; những yếu tố khác là thú giải trí như là thú nuôi.
Để kiểm soát suyễn hiệu quả, việc dùng các corticosteroid được đánh giá cao vì dung nạp tốt và an toàn với liều thường dùng. Chúng ta biết rằng nếu viêm trong phổi (nguyên nhân căn bản của suyễn) được kiểm soát với điều trị lâu dài thì bệnh suyễn của người đó có khả năng vẫn được kiểm soát tốt và phổi của họ sẽ được bảo vệ.
Corticosteroid dạng hít có an toàn ở trẻ em hoặc nếu được dùng lâu dài không?
Corticosteroid là một chất nội tiết tự nhiên được tạo ra bởi cơ thể. Các corticosteroid dạng hít hoặc uống là thuốc kháng viêm tốt nhất hiện đang có. Suyễn là do viêm trong phổi. Do đó chúng ta thấy thật là hợp lý để dùng các thuốc có sẵn tốt nhất để trị suyễn. Corticosteroid hít được dùng với liều rất thấp và được đưa trực tiếp vào phổi nên có rất ít thuốc vào máu. Vì vậy với liều thường được dùng, corticosteroid hít quả thực rất an toàn. Đã có hàng ngàn nghiên cứu tìm kiếm tác dụng phụ lâu dài của việc dùng corticosteroid hít và tất cả đều đi đến kết luận rằng corticosteroid hít, với liều thường được dùng, là rất an toàn trong thời gian dài. Nó không gây bất kỳ sự ức chế tăng trưởng nào.
Có vấn đề gì không nếu thỉnh thoảng quên dùng thuốc hít hàng ngày?
Mặc dù có rất ít nguy hại xảy ra nếu bạn thỉnh thoảng quên một liều nhưng không nên như vậy. Cố gắng tạo thói quen dùng thuốc ngừa cơn mỗi ngày dù đang khỏe mạnh và đã khỏe trong một thời gian dài. Thuốc ngừa cơn được thiết kế để giữ cho bạn dễ chịu, khỏe mạnh và để kiểm soát bệnh suyễn, cũng như giảm nguy cơ cơn suyễn xảy ra.
Liệu có bị nghiện với loại thuốc nào trong điều trị suyễn khi phải điều trị lâu dài không?
Không. Không có thuốc nào được dùng điều trị suyễn có tác dụng gây nghiện. Nhiều người lo lắng rằng càng dùng thuốc lâu thì càng cần điều trị nhiều hơn, hoặc việc điều trị sẽ giảm hiệu quả hơn theo thời gian và cần tăng liều thuốc. Bạn sẽ không bị lệ thuộc vào điều trị và cũng không trở nên lờn với thuốc điều trị, cần tiếp tục dùng thuốc.
Khi nào đưa bệnh nhân đi cấp cứu?
Cơn hen có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Khi thuốc cắt cơn trở nên không có tác dụng, thở nhanh, thở khó, nói năng khó nhọc; tím tái môi, móng tay, đầu ngón tay; cánh mũi phập phồng; co kéo cơ và da xung quanh sườn khi thở; nhịp tim nhanh trên 110 lần/phút, đi lại khó khăn.
Khi cấp cứu, phải sử dụng phương tiện chuyên dùng hoặc nhanh.

Gửi thảo luận