Tỉnh Sơn La là một trong những địa phương đề xuất khung giá viện phí thuộc diện cao nhất (113% so với khung giá do liên bộ Y tế – Tài chính ban hành, cao hơn cả mức giá mà nhiều bệnh viện hạng đặc biệt ở Hà Nội và TP HCM đề xuất).
Ngay sau khi mức giá này được đưa ra, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Sơn La đã “can thiệp” và có ý kiến. Tính tới thời điểm này, lãnh đạo Sở Y tế Sơn La cho biết Sở vẫn đang làm việc với BHXH tỉnh và còn một số điểm vướng mắc chưa được thống nhất.
“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hài hòa các quan điểm để đạt được sự đồng thuận cao”, Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La Nguyễn Thị Ban Mai cho hay.
Do chưa đạt được sự thống nhất với phía BHXH tỉnh nên tính đến thời điểm này, đề xuất khung giá viện phí của Sơn La có thể sẽ không sửa đổi kịp để trình lên HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp diễn ra.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, dự kiến vấn đề về khung giá viện phí sẽ được hoàn thiện và trình HĐND tỉnh trong kỳ họp chuyên đề diễn ra vào tháng 9 tới. Do đó, Sơn La chưa thể áp giá viện phí mới trong tháng 8 như kỳ vọng.
Bên cạnh Sơn La, nhiều địa phương khác như Lào Cai, Sóc Trăng, Đắk Lắk, … cũng đang bị phía BHXH đề nghị xem xét lại giá viện phí mà Sở Y tế đề xuất (ở mức cao nhất của khung) bởi mức này là không phù hợp. Tỉnh Lào Cai dù đang họp HĐND nhưng trước động thái của phía BHXH đã yêu cầu tính toán lại giá viện phí, vì vậy tỉnh này cũng chưa thể áp giá mới trong tháng 8.
Trước đó, một số địa phương như Nam Định, Bắc Ninh, Bình Định, Thanh Hóa, … đã phải hạ giá viện phí so với mức đề xuất ban đầu sau khi có ý kiến của phía BHXH. Theo đó, tỉnh Bắc Ninh cũng từng đề xuất áp giá viện phí ở mức 100% nhưng sau đó đã hạ xuống còn 84% (so với khung giá được liên bộ ban hành).
Tỉnh Bình Định đã hạ giá viện phí 2 lần, từ mức đề xuất ban đầu là 91% xuống còn 70% và hiện là 54.
Khó đưa về được mức giá thấp?
Về khía cạnh này, ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó chủ tịch Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam, cho biết đúng là xét về Luật giá và Luật Khám chữa bệnh thì không thể phân chia các địa phương theo nhóm để áp mức tăng viện phí nhưng trong các văn bản hướng dẫn thì vẫn có thể thực hiện được điều này.
Sẽ khó hạ giá viện phí về mức hợp lý? |
“Điều này cho thấy vẫn còn những điểm bất hợp lý. Tuy nhiên, nếu trong hướng dẫn không có nội dung nào liên quan đến vấn đề này thì có thể vẫn phải chấp nhận mức giá mà các địa phương đưa ra”, ông Kính đánh giá.
Về khả năng tác động của phía BHXH đối với việc hạ mức viện phí do Sở Y tế các địa phương đưa ra, ông Kính cho rằng một khi giá đã được HĐND các tỉnh phê duyệt thì HĐND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm trước người dân của mình. Và như vậy, nếu đã phê duyệt thì phía bảo hiểm không thể không thanh toán cho họ.
Ngoài ra, ông Kính còn cho rằng phía Sở Y tế đưa ra các mức giá cao như vậy là có cơ sở của họ. Cơ sở đó là: Hiện nay giá viện phí chưa tính đúng tính đủ mà mới chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành giá, do đó, họ đề xuất mức này vẫn chưa phản ánh hết các yếu tố đầu vào (trong khi ngân sách thì giảm). Với lý giải này, có thể họ sẽ thuyết phục được HĐND để thông qua giá viện phí ở mức họ mong muốn.
“Tất nhiên, khi có ý kiến và ý kiến đó hợp lý thì có lẽ ít nhiều khung giá đề xuất cũng sẽ có thay đổi”, ông Kính kỳ vọng.