Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 12/7/2012

Điểm báo ngày 12/7/2012

Ngăn chặn bệnh tay, chân, miệng ở An Giang
Tuy không phải là địa phương có số ca mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) cao nhất cả nước, thế nhưng An Giang đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về số ca tử vong với chín trường hợp. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
Tính đến giữa tháng 7, An Giang đã ghi nhận 1.478 ca mắc TCM, tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ năm 2011 (hơn 200 ca trên toàn tỉnh). Tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố đều ghi nhận các trường hợp mắc bệnh. Các địa phương có trẻ mắc và tử vong cao như: TP Long Xuyên 206 ca (một ca chết); Châu Phú 222 ca (một ca chết), An Phú 189 ca (ba ca chết), Phú Tân 162 ca (một ca chết), Tri Tôn 122 ca (một ca chết)… Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tất cả các ca tử vong đều rơi vào nhóm trẻ dưới ba tuổi và gia đình thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhất là kiến thức về chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh cá nhân cho trẻ rất hạn chế. Trung bình mỗi ngày, An Giang có thêm từ hai trẻ mắc TCM nâng tỷ lệ mắc TCM hằng tuần tại An Giang từ 50 đến 70 ca… Nhiều tuần tăng hơn 100 ca nhập viện. Trong khi đó, một vấn đề đáng báo động là có đến 68% mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm rơi vào nhóm khuẩn EV71. Với tỷ lệ trên khiến số trẻ tử vong do dịch bệnh tại An Giang cao bất thường so các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo các bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh TCM Khoa nhi – Bệnh viện Ða khoa trung tâm An Giang nhìn nhận, phần lớn bệnh nhi được đưa đến bệnh viện muộn, có trường hợp đã ở độ bốn. Bên cạnh sự chậm trễ của người bệnh, còn sự chậm trễ của thầy thuốc (nhất là tuyến cơ sở) trong chẩn đoán và điều trị. Ðiểm đáng lưu ý là những trường hợp bệnh TCM, nhất là khuẩn EV71 lây qua đường tiêu hóa và hô hấp, tuy nhiên, ý thức giữ vệ sinh cá nhân của chính các bậc cha mẹ trẻ chưa cao, khi vào viện, nhiều bệnh nhi tuy được điều trị tiến triển tốt lại tiếp tục tái bệnh và nặng hơn do nhiễm khuẩn bệnh viện. Mặt khác, theo bác sĩ Võ Huy Danh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng An Giang, trong chẩn đoán bệnh TCM ở tuyến y tế cơ sở do điều kiện tiếp cận và kiến thức bệnh lý còn yếu nên nhiều trường hợp đã bỏ sót những vị trí hồng ban, do có những trường hợp bệnh không điển hình như: Không loét miệng, không hồng ban, biểu hiện bệnh lý giống như viêm họng cấp…, nhưng lại diễn biến bệnh nhanh, biến chứng rất nặng như viêm màng não, phù phổi cấp…, nhất là ở trẻ nhỏ dưới một tuổi, khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.
Ðứng trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, nhất là số ca tử vong ngày một tăng, tỉnh An Giang đang gấp rút triển khai hàng loạt biện pháp cấp thiết ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống bệnh TCM và phát động chiến dịch nhằm khống chế không để bệnh lan rộng, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc bệnh, tử vong. Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư hơn mười tỷ đồng mua trang thiết bị y tế… Ðồng thời, tăng cường vệ sinh và khử khuẩn môi trường; giám sát và xử lý ổ dịch triệt để, theo dõi chặt chẽ ca bệnh, nâng cao năng lực chuyên môn tuyến chuyên khoa, phối hợp tốt công tác chuyển tuyến điều trị.
Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang Phan Vân Ðiền Phương nhận định: Tại An Giang, hơn 70% số người bệnh có nguy cơ lây từ người mang mầm bệnh ở cộng đồng, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm tuýp vi-rút EV71 cao nên nguy cơ diễn biến bệnh nặng, dễ gây tử vong… Do đó biện pháp duy nhất là tuyên truyền và tăng cường tập huấn điều trị cho tuyến huyện, xã và tận khóm, ấp. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp cho rằng, dịch bệnh TCM ở An Giang có tỷ lệ tử vong cao chủ yếu do đường lây nhiễm trong cộng đồng đã đến mức báo động. Ðiều đó cho thấy, một số giải pháp mà ngành y tế lẫn chính quyền địa phương triển khai chưa đạt hiệu quả cao, chưa thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, công tác truyền thông chưa tới cộng đồng, chỉ dừng lại ở trường học và bệnh viện. Vì vậy, ngành y tế cần gấp rút xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch TCM; giám sát, kiểm tra, xử lý triệt để ổ dịch; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao chất lượng điều trị, đầu tư cơ sở vật chất và thay đổi hành vi. Trong đó quan trọng nhất là truyền thông cho trẻ em và gia đình trẻ em dưới ba tuổi nhằm nâng cao nhận thức của cha mẹ, chủ động tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống. Ðồng thời, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sĩ, cập nhật phác đồ để nâng chất lượng điều trị, phân tuyến điều trị, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phòng điều trị, trang thiết bị, v.v.
Theo bác sĩ Võ Huy Danh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng An Giang, nhiều biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai. Tuy nhiên, gốc rễ của công tác phòng, chống dịch TCM vẫn ở cộng đồng. Khi vấn đề trên vẫn còn là bài toán gây đau đầu cả ngành y tế lẫn chính quyền các cấp ở An Giang do trình độ nhận thức của người dân lẫn điều kiện sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe nhân dân nhất là ở vùng nông thôn còn quá nhiều bất cập cần được đầu tư dài hạn. (Nhân dân 12/7 – trang 8+5)
 
Phối hợp quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh
Bộ Y tế vừa có kiến nghị với một số bộ, ngành liên quan trong việc quản lý các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) nói chung và các cơ sở hành nghề KCB có yếu tố người nước ngoài nói riêng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc đăng tin quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng và KCB; chỉ đạo các cơ quan báo chí, chỉ đăng tải những nội dung đã được ngành y tế tiếp nhận và đồng ý. Bộ Công an quản lý chặt chẽ việc xuất nhập cảnh và cư trú, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam hành nghề KCB không phép. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo ngành dọc phối hợp với ngành y tế trong việc cấp giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề KCB.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra tại Đắk Lắk, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và phát hiện nhiều vi phạm như: thầy thuốc người nước ngoài hành nghề không phép; không niêm yết giá hoặc thu tiền KCB cao hơn giá niêm yết; hành nghề quá phạm vi chuyên môn, có thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không bảo đảm chất lượng; quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn, không đúng nội dung đã được phê duyệt; đơn thuốc không được dịch ra tiếng Việt… (Hà Nội mới 12/7 – trang 7)
 
Ghi nhận 3 trường hợp mắc cúm A/H5N1
Trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế Hà Nội đã luôn chủ động giám sát tại cộng đồng và các bệnh viện nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, khống chế kịp thời nên không có dịch bệnh bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 2.317 bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng, 145 ca sốt xuất huyết, 3 trường hợp mắc cúm A/H5N1, không có trường hợp tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả; không có tử vong. Riêng bệnh viêm màng não do não mô cầu có 5 bệnh nhân, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Bên cạnh phòng chống dịch, các đơn vị trong toàn ngành đã khám cho 2.468.359 lượt bệnh nhân, trong đó số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 1.285.299 lượt. Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện đạt 113%. Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cũng đã đáp ứng được 17.227 lượt/ 17.230 lượt yêu cầu. (Hà Nội mới 12/7- trang 7)
 
Cẩn trọng với “thuốc nam” dạo
Thời gian gần đây, tại TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam xuất hiện nhiều phụ nữ tự xưng là “cô” chuyên đi bán thuốc dạo trên các tuyến phố. Gặp ai, những phụ nữ này cũng đều phán họ đang mắc bệnh, không bị đau đầu, đau lưng thì cũng thấp khớp, viêm xoang…
Điều đáng nói là, mặc dù chỉ với một toa thuốc bao gồm nhiều thứ rễ cây hợp lại, nhưng các “cô” cam đoan là có thể chữa khỏi ít nhất 15 bệnh khác nhau.
Chúng tôi liên lạc theo số điện thoại 0917.648.xxx và được gặp một người phụ nữ tự xưng tên là Xuân (tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận). Sau khi tiếp xúc hỏi han giá cả, người phụ nữ này cho biết, trị giá mỗi thang thuốc là 20.000 đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ uống thuốc theo từng thang một và ngắt quãng thì sẽ không bao giờ có hiệu quả. Muốn bệnh lành hẳn, người bệnh phải mua đến 27 thang, tổng số tiền là 540 ngàn đồng.
Khách không thuận mua, “cô” Xuân liền thuyết phục: “Không phải ai cũng gặp được cô đâu, đó là cái duyên đó. Con cứ mua thuốc của cô đi, rồi con sẽ lành bệnh”. Nói rồi, người phụ nữ này lẩm bẩm vài câu trong miệng, sau đó dùng tay mình đập mạnh vào tay khách. Theo bà Xuân, bà làm như vậy là để cầu nguyện sức khỏe cho người bệnh. Nếu uống thuốc do bà bán thì lại càng hiệu quả.
Toa thuốc do “cô” Xuân kê ghi rõ các loại thảo dược trong thành phần thang thuốc có nguồn gốc thuốc nam gia truyền dân tộc Chăm; chuyên trị các bệnh như: thần kinh tọa, dạ dày, gan, thận, phong thấp, kém ăn, mất ngủ, viêm xoang, huyết trắng…
Một người dân sống tại khối 1, P.Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ cho biết, khoảng 1 tuần vừa qua, không riêng gì “cô” Xuân đi bán “thuốc nam” mà còn có nhiều người phụ nữ khác. Mỗi nhóm có 5-7 người, họ chủ động tìm đến các khu vực dân cư đông đúc, sau đó nhanh chóng tỏa ra từng hộ dân để bán thuốc.
Chúng tôi mang một thang thuốc “gia truyền” đến gặp dược sĩ Nguyễn Thị Sáu, Trưởng khoa Dược, Bệnh viên Y học cổ truyền Quảng Nam, và được biết các loại thảo dược này đều rất dễ kiếm và không có tác dụng gì đặc biệt.
Các loại thảo mộc bao gồm: mộc thông, đỗ trọng, huỳnh kỳ, kỷ tử, lạc tiên, cát căn và huyền sâm. Trong số các loại đã nêu, có 3 loại thuộc nhóm thuốc bắc, còn lại là thuốc nam. Theo dược sĩ Sáu, không có chuyện một bài thuốc như vậy mà có thể chữa trị 15 thứ bệnh khác nhau. (Thanh niên 12/7 – trang 12)
 
Bệnh “lạ” ở Campuchia: có thể tay chân miệng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết như thế dựa vào những triệu chứng đọc trên báo chí về bệnh “lạ” ở Campuchia.
Hơn một năm trước, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận những trẻ em ở Campuchia mắc bệnh này đến điều trị.
Vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây tử vong nhanh
Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục nhận những trẻ Campuchia mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh nhi được người nhà đưa đến trực tiếp hoặc được Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, Bệnh viện Củ Chi chuyển lên. Mới đây nhất, ngày 10-7, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có hai bệnh nhi người Campuchia mắc bệnh tay chân miệng được xuất viện.
Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, với những thông tin mà báo chí đăng tải ông cho rằng bệnh “lạ” ở Campuchia là bệnh tay chân miệng. Đến nay Bệnh viện Nhi Đồng 2 chưa tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh “lạ” ở Campuchia đến điều trị.
Dịp này, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi các trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, trung tâm y tế dự phòng có hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, thông báo từ tháng 4 đến 8-7-2012, đã có 74 trường hợp mắc bệnh “lạ” tại Campuchia, bệnh nhân đều là trẻ em từ 3 tháng -11 tuổi. Trong số này có 59 trường hợp (56 trong số này đã tử vong) có triệu chứng chung gồm suy hô hấp, sốt cao, triệu chứng thần kinh và nhanh chóng tử vong.
Để chủ động chống dịch, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các tỉnh có đường biên giới chung với Campuchia giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tăng cường kiểm tra và xử lý y tế với phương tiện nhập cảnh, các trường hợp nghi ngờ cần được cách ly và kiểm tra. Phối hợp với lực lượng chức năng cửa khẩu kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu động vật, sản phẩm từ động vật qua biên giới và tăng cường phòng chống dịch mùa hè.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết thông báo cập nhật mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh “lạ” tại Campuchia, ngoài một số mẫu bệnh phẩm dương tính với virút gây bệnh tay chân miệng EV71, một số mẫu dương tính với liên cầu lợn và sốt xuất huyết, nhưng lý do vì sao bệnh nhi tử vong nhanh vẫn chưa được tìm ra.
Ông Bình cho rằng lo ngại nhất là các loại bệnh có thể lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, nhưng rất may là không tìm thấy các loại virút cúm, trong đó có cúm A H5N1, SARS và Nipah ở bệnh nhi mắc bệnh tại Campuchia.
Số ca mắc tay chân miệng ở VN giảm
Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 11-7, ông Nguyễn Văn Bình cho hay số mắc tay chân miệng ở VN đã giảm dần trong khoảng tám tuần qua, tỉ lệ giảm khoảng 7-10%/tuần.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tính đến tuần thứ 27 (thống kê ngày 6-7), cả nước có 63.000 ca mắc tay chân miệng, 34 ca tử vong, trong đó tuần gần nhất có 1.900 trường hợp mắc mới. So với cao điểm là tháng 3 đến tháng 5 vừa qua, số mắc tay chân miệng mới đã giảm khoảng 40% (từ tháng 3 đến tháng 5 có khoảng 3.000 ca mắc tay chân miệng mới/tuần).
Tuy nhiên ông Bình cho rằng đỉnh dịch tay chân miệng năm 2011 là tháng 9, nếu giữ được mức độ như hiện nay qua tháng 9 thì có thể tạm yên tâm, hiện tại vẫn còn rất nhiều nguy cơ do số mắc hằng tuần vẫn ở mức cao. Ông Bình cho biết trong tháng 7 sẽ có bốn đoàn kiểm tra chống dịch của Cục Y tế dự phòng đi kiểm tra hoạt động tại địa phương. (Tuổi trẻ 12/7 – trang 9):
 
Virút gây bệnh “lạ” không lạ ở Philippines
Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 11-7 cho biết dòng Enterovirus 71 (EV71) bị nghi gây ra căn bệnh “lạ” chết người ở Campuchia không mới ở nước này. Bộ trưởng Y tế Enrique giải thích dòng virút này có thể gây ra nhiều loại bệnh khác nhau ở người, như tay chân miệng, bệnh hô hấp, viêm não… Viêm não được cho là gây ra cái chết của khoảng 60 trẻ em Campuchia.
Cùng ngày, CNN dẫn lời các bác sĩ thân cận với cuộc điều tra của Tổ chức Y tế thế giới cho biết tổ chức này chuẩn bị đưa ra kết luận căn bệnh lạ ở Campuchia gây ra bởi nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau gồm EV71, liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) và sốt xuất huyết. Ngoài ra, việc sử dụng không đúng thuốc steroid, một loại thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, đã làm trầm trọng thêm tình trạng của các bệnh nhân. (Tuổi trẻ 12/7- trang 9)
 
Bác sĩ về làm việc ở Đồng Nai được hỗ trợ tới 150 triệu đồng
Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Đồng Nai khoá VIII đang diễn ra, các đại biểu đã thông qua một số tờ trình về chế độ thu hút đối với viên chức ngành y tế và mức giá một số dịch vụ khám chữa bệnh.
Theo đó, bác sĩ, dược sĩ nơi khác về làm việc tại Đồng Nai sẽ được hỗ trợ 30 – 150 triệu đồng/người cùng một số quyền lợi đi kèm. Về mức giá một số dịch vụ khám chữa bệnh, các trường hợp nằm ghép giường điều trị chỉ được thu tối đa 50% với trường hợp 2 người/giường, 30% với trường hợp 3 người/giường. (Tiền phong 12/7 – trang 2)
 
Các tỉnh của Việt Nam ngăn ngừa bệnh “lạ”
ở Campuchia: Hỗ trợ điều trị bệnh nhân
và cung cấp phác đồ

Ngày 11.7, ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, sở đã triển khai tăng cường kiểm tra dọc tuyến biên giới của tỉnh và nước bạn Campuchia ngay sau khi nhận công văn của Bộ Y tế chỉ đạo đối phó nguy cơ lây truyền bệnh lạ từ Campuchia (xem NTNN số 165/2012). Theo yêu cầu của sở, các phòng khám dọc biên giới, nếu phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh phải báo cáo ngay với ngành chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp… (xem thêm Nông thôn ngày nay 12/7 -trang 3).
 
Người bị cắt hai thận ở Cần Thơ đã được ghép thận
Chiều 11/7, GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin tới báo SK&ĐS về ca mổ ghép thận cho chị Hứa Cẩm Tú ở Cần Thơ bước đầu đã cho kết quả tốt đẹp.
Thành công…
Ca mổ được thực hiện từ 7h30 ngày 10/7/2012 tại Trung tâm Tim mạch – BVTW Huế. Kíp mổ dưới sự chỉ đạo của GS.TS. Bùi Đức Phú và Hội đồng ghép tạng BVTW Huế. Ca mổ diễn ra thuận lợi, nước tiểu có ngay sau khi ghép xong, các mạch máu: tĩnh mạch thận – tĩnh mạch chậu ngoài (kiểu tận – bên) và động mạch thận – động mạch chậu trong (kiểu tận – tận). Cuộc mổ kết thúc lúc 11giờ 30 cùng ngày.
Tuy nhiên, sau mổ 2 giờ nước tiểu ít dần, đến 13g30 cùng ngày, kíp mổ quyết định mổ lại vì chưa xác định được nguyên nhân do thải ghép tối cấp hay do lưu lượng máu qua thận ghép không đầy đủ. Khi mổ lại thấy thận vẫn hồng, động mạch thận vẫn đập nhưng hơi bị co thắt, nên kíp mổ quyết định cắt hệ giao cảm quanh động mạch thận và cắm lại động mạch thận với động mạch chậu ngoài kiểu tận – bên, đồng thời cho áp dụng phác đồ chống thải ghép tích cực. Sau hơn 7 tiếng “đấu trí” căng thẳng, đến 17giờ 30, bệnh nhân (BN) bắt đầu có tiểu và tiểu nhiều. Đến 7g sáng 11/7 đã ra 5 lít nước tiểu, các thông số xét nghiệm bình thường, BN tự thở và bắt đầu ăn nhẹ.
Hành trình ghép thận
Như các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin, trước đó, chị Tú cắt 2 thận ngày 6/12/2011 tại BVĐK Cần Thơ, do sỏi thận trái làm mất chức năng thận, trên BN có thận móng ngựa (thận phải và thận trái dính với nhau không được phát hiện trước mổ). Sau đó BN được chạy thận nhân tạo tại BVĐK Cần Thơ và từ ngày 4/1/2012 được chuyển ra BVTW Huế tiếp tục điều trị và theo dõi chuẩn bị ghép thận. Ngày 2/12/2011, được sự chỉ đạo của PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn chuyên gia của BVTW Huế do GS.TS. Bùi Đức Phú  làm Trưởng đoàn đã hội chẩn với  Ban Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, lãnh đạo BVĐK Cần Thơ, sau hội chẩn, các bác sĩ  thống nhất phương án điều trị và ghép thận cho BN Tú. Đến ngày 4/1/2012, BN được chuyển đến điều trị tại BVTW Huế.
Ra đến Huế, BN Tú và chồng được BVTW Huế  bố trí một phòng đặc biệt và được ăn uống theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý. Mọi chi phí trong khi chờ ghép được BVTW Huế miễn phí hoàn toàn. Tại đây, chị Tú được lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần, cách nhật (tổng số 71 lần) và điều trị bảo tồn nội khoa như điều trị tăng huyết áp, điều trị thiếu máu, rối loạn nước, điện giải, vitamin và các điều trị khác.
Sau thời gian điều trị và ổn định sức khỏe, huyết áp của BN Tú tạm ổn định, dao động từ 120/80mmHg đến 150/100mmHg, mạch từ 80 – 90 lần/phút, tình trạng thiếu máu được cải thiện tốt với Hb đạt mục tiêu từ 11 – 12g/dL. Các chỉ số sinh hóa đều ổn định. Không có tình trạng thừa dịch. Không có tình trạng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên khi đã có người hiến thận thì các bác sĩ chưa thể tiến hành ghép vì yếu tố miễn dịch. Trong thời gian này, BN Tú  nhớ nhà nên xin về thăm nhà 2 tuần từ ngày 20/4, trong thời gian về lại Cần Thơ, BN Tú tiếp tục chạy thận tại BVĐK Cần Thơ.
Thời gian ghép thận của chị Tú buộc phải chờ lâu vì kết quả xét nghiệm miễn dịch chưa cho phép ghép thận. Trong quá trình chờ đợi, dù được các bác sĩ và trực tiếp là GS. TS. Bùi Đức Phú liên tục động viên nhưng tinh thần của chị Tú luôn không ổn định. Một sự việc mà các thầy thuốc của BVTW Huế luôn nhớ đó là vào ngày 30/6/2012, sau khi nhận được điện thoại từ gia đình ở Cần Thơ điện ra báo cơn lốc mạnh đến bất ngờ đã gây thiệt hại đáng kể cho gia đình, chị Tú đột ngột lên cơn phù phổi cấp. Rất may mắn, kíp bác sĩ trực của BVTW Huế đã nhanh chóng tiến hành hồi sức kịp thời, thở máy áp lực dương, hạ huyết áp chỉ huy, chạy thận nhân tạo cấp cứu… Sau đúng 1 tuần xảy ra tình huống “bất khả kháng”,  sức khỏe của BN Tú đã nhanh chóng đi vào ổn định.
Lựa chọn người hiến thận
Có 2 người tình nguyện hiến thận cho chị Tú được BVĐK Cần Thơ giới thiệu ra BVTW Huế để làm xét nghiệm miễn dịch đánh giá mức độ tương hợp về miễn dịch và sàng lọc để lựa chọn người thích hợp nhất. Sau quá trình chọn lựa nghiêm ngặt, chị Tú và người hiến thận được làm các xét nghiệm theo quy trình chuẩn bị ghép thận của Hội đồng ghép tạng quốc gia. Riêng về phương diện miễn dịch, phản ứng tiền mẫn cảm của BN Tú có kết quả dương tính nhiều lần (xét nghiệm tiền mẫn cảm đã được thực hiện 1lần/tháng, tổng cộng 7 lần) vì BN được truyền 1.050ml máu trong mổ cắt thận tại BVĐK Cần Thơ nên không ghép được do nguy cơ thải ghép sau mổ rất cao.
Thời gian gần đây mức độ dương tính của tiền mẫn cảm giảm dần theo thời gian và đến ngày dự định mổ thì thì giảm nhiều. Qua phân tích các chỉ số về miễn dịch (tương hợp HLA giữa người cho và người nhận, phản ứng đọ chéo âm tính, không tồn tại kháng thể kháng HLA của người cho thận…), Hội đồng ghép tạng BVTW Huế đi đến thống nhất xét chọn người cho thận phù hợp và hoàn tất đầy đủ các xét nghiệm theo đúng quy trình ghép thận quốc gia, lên kế hoạch ghép thận cho BN vào ngày 10/7/2012.
GS.TS. Bùi Đức Phú nhận xét, sự cố y khoa như trường hợp của BN Tú là lần thứ 2 ở nước ta. Đây là sự cố y khoa hiếm gặp. Ca đầu tiên cách đây 30 năm, BN có một thận bị cắt bỏ do chẩn đoán nhầm sau đó chuyển ra nước ngoài ghép thận nhưng không thành công. Thành công của ca ghép thận cho chị Tú thể hiện sự quan tâm đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế, khẳng định năng lực của các thầy thuốc Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng đã phát triển. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự phối hợp nhịp nhàng giữa BVTW Huế và BVĐK Cần Thơ trong quá trình điều trị và tiến hành ghép thận cho BN Tú  nên đã  cứu sống được BN. “Trước mắt ca mổ có diễn biến thuận lợi, tuy vậy đây mới chỉ là kết quả ban đầu còn phải tiếp tục tích cực theo dõi điều trị sau mổ”, GS. Phú nói. (Sức khỏe & Đời sống 12/7 – trang 6; Nông thôn ngày nay 12/7 – trang 2; Tuổi trẻ 12/7 – trang 9)
 
Thêm kỹ thuật mổ ít sẹo
Các bác sĩ khoa ngoại niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM kết hợp với ThS.BS Ngô Đại Hải, khoa niệu B Bệnh viện Bình Dân, vừa mổ thành công một trường hợp thận nước do hẹp khúc nối bể thận – niệu quản nặng ở bé trai 11 tuổi bằng phẫu thuật nội soi với các dụng cụ siêu nhỏ.
Bệnh nhi L.N.H., nhà ở Đắk Nông, nhập viện vì đau vùng hông lưng trái tái đi tái lại. Trước nhập viện, bé thường bị những cơn đau âm ỉ vùng hông trái hành hạ, tiểu đau, đi đứng khó khăn. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện thận trái của bé bị ứ nước nặng và giảm chức năng do hẹp khúc nối bể thận niệu quản nên bé được lên lịch mổ tạo hình lại hệ thống này. Điểm mới ở ca mổ là các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật mổ nội soi sau phúc mạc (vùng hông lưng) thay cho mổ nội soi bằng đường ổ bụng và sử dụng các dụng cụ mới, rất nhỏ (dụng cụ với đường kính vào chỉ 3mm).
Theo ThS.BS Phạm Ngọc Thạch – khoa thận niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 – lợi điểm của phương pháp nội soi là không gây ảnh hưởng đến các tạng trong ổ bụng, mất ít máu, bệnh nhi ít đau và hồi phục sớm, thời gian hậu phẫu gần bằng một phần ba so với cách mổ mở thông thường. Sẹo mổ ở trường hợp này rất nhỏ, chỉ như hạt lúa, đảm bảo tính thẩm mỹ rất cao.
Bác sĩ Thạch cho biết thêm ở trẻ em hầu hết trường hợp thận nước là bẩm sinh mà nguyên nhân phần lớn do bệnh lý hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, thường gặp ở bé trai hơn bé gái, có thể bị một hoặc cả hai bên, gặp trong 1/1.500 trẻ sinh sống. Trong trường hợp thận ứ nước nhẹ, thường trẻ không biểu hiện triệu chứng gì, chỉ tình cờ phát hiện qua siêu âm. Đối với các trường hợp thận nước nặng thường biểu hiện dưới dạng khối u ở bụng, đau bụng, nhiễm trùng tiểu, tiểu máu. (Tuổi trẻ 12/7 – trang 9)

Gửi thảo luận