Ngày nay do việc sử dụng tràn lan các loại hoá chất trong nông nghiệp khiến tồn tại dư lượng hoá chất độc hại trên nhiều rau quả thiết yếu cho tiêu dùng, các cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi. Những loại thực phẩm độc hại này gây ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ con người về trước mắt cũng như lâu dài.
Nhóm thuốc bảo vệ thực vật có chứa Clo khi phun cho rau quả sẽ tạo thành hợp chất Perexit rất độc hại cho người sử dụng nhưng nó không có mùi, không vị nên rất khó phát hiện. Ngoài ra, các hợp chất thuốc bảo vệ thực vật có chứa phospho (hợp chất lân hữu cơ) gây độc hại với hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng.
Khi ăn phải các loại rau quả có chứa hoá chất độc hại, cơ thể con người không có khả năng đào thải ra ngoài qua đường tiêu hoá, các hoá chất này sẽ được tích luỹ dần trong các mô mỡ, gan và tuỷ sống… gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm như đãng trí, giảm thị lực, giảm sức đề kháng. Những hoá chất này khi tích luỹ trong cơ thể đến một liều lượng nhất định có thể gây đột biến gen ở một số bộ phận trong cơ thể làm cho một số tế bào phát triển bất thường, đây là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư.
Vì vậy, để hạn chế tác hại của các loại hoá chất bảo vệ thực vật trong rau quả, người tiêu dùng cần tuân thủ các yêu cầu như: chỉ nên mua rau quả ở những nơi bán có uy tín; rau quả phải còn tươi ngon, không bị dập nát, hư thối. Khi dùng, sau khi loại bỏ rễ và lá vàng úa cần ngâm rau quả trong nước sạch, nước muối loãng hoặc dung dịch thuốc tím 1%, nước rửa rau quả trong vòng 25 – 30 phút sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch.
Khi xào nấu nên mở vung cho các loại hoá chất bảo vệ thực vật bay bớt ra ngoài vì đa số các loại thuốc trừ sâu, bệnh, thuốc trừ cỏ… bị phân huỷ một phần ở nhiệt độ cao. Nên nấu kỹ rau quả nhằm tăng độ an toàn, hạn chế và không nên sử dụng các loại rau quả trái mùa, hạn chế mua các loại rau quả có bề mặt bóng mượt, cần rửa sạch cuống quả vì đây là nơi tích trữ vi khuẩn và hoá chất độc hại.
Các loại nước rửa rau quả có bán trên thị trường hiện nay, nước muối, dung dịch thuốc tím loãng chỉ loại bỏ được một phần các vi khuẩn gây bệnh và nấm mốc có bám trên bề mặt rau quả mà không thể loại bỏ được các loại thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, đạm nitorat.
Vì theo nguyên lý các loại thuốc bảo vệ thực vật bám trên bề mặt rau quả chỉ tan và bị rửa trôi trong một số dung môi còn khi thuốc đã ngấm vào trong tế bào rau quả sẽ tạo nên một liên kết bền vững không có phương pháp nào loại bỏ được triệt để (kể cả phương pháp chiếu xạ).