Gia đình bệnh nhân yêu cầu BV làm rõ những bất thường trong chai thuốc và trách nhiệm của BV với sức khỏe bệnh nhân, nhưng sau gần 3 tháng phía BV vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Dịch truyền có dị vật vẫn truyền cho người bệnh?
Chị Nguyễn Thúy Mai phản ánh, ngày 6/7/2012, con trai chị là cháu Hoàng Hưng (16 tuổi) mổ dây chằng chéo sau tại BV Thể thao VN. Khoảng 8h ngày 8/7, sau khi truyền hết một chai thuốc kháng sinh, y tá Phùng Văn Bảy đã đến cắm truyền sang chai dịch có nhãn bên ngoài ghi Perfalgan, lọ 100ml, số lô 1J68188, hạn dùng 30/9/2013, nhà sản suất Bristol Myers Squibb S.r.l – Italy.
Lúc này, máu đã chảy ngược từ tĩnh mạch lên kim và dây truyền, nên y tá đã lấy đầy một bơm tiêm chất dịch trong chai Perfalgan vừa cắm truyền và truyền trực tiếp vào tĩnh mạch bệnh nhân, tại điểm đầu của ống truyền và lý giải "để khỏi đông máu gây tắc kim".
Sau đó, y tá Bảy tiếp tục lấy đầy 1 bơm tiêm chất dịch trong chai Perfalgan vừa cắm truyền để đuổi khí ngược từ ống dẫn truyền, bầu truyền. Đến lúc này, gia đình bỗng phát hiện có nhiều dị vật lởn vởn trong chai truyền, nên đã yêu cầu y tá rút dây truyền, niêm phong chai thuốc để giải quyết. "Rất nhiều dị vật di chuyển trong chai thuốc, dị vật nổi cũng có, dị vật chìm cũng có, nhưng y tá không hề kiểm tra mà vẫn tiêm, truyền cho người bệnh" – người nhà bệnh nhân cho biết.
Đến ngày 19/7, cháu Hoàng Hưng xuất viện, song phía BV vẫn chưa có bất kỳ câu trả lời thỏa đáng nào cho gia đình về dị vật có trong chai dịch truyền. "Sau nhiều lần gia đình yêu cầu làm rõ, ngày 19/7, nhà phân phối thuốc là Cty dược phẩm – thiết bị y tế Hà Nội (Hapharco) có đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư kiểm nghiệm lọ thuốc Perfalgan nói trên, nhưng Viện Kiểm nghiệm đã gửi văn bản đề nghị Cty "tiến hành lấy mẫu theo hướng dẫn của thông tư 04/2010/TT-BYT và thông tư 09/2010/TT-BYT và gửi đến viện để kiểm tra chất lượng". Tuy nhiên, không hiểu tại sao, đến nay phía BV và nhà phân phối thuốc vẫn không tiến hành kiểm nghiệm để tìm hiểu sự bất thường trong chai dịch truyền nói trên?"- chị Mai băn khoăn.
Làm sai lệch biên bản sự việc?
Trong biên bản kíp trực (gồm BS trực Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng kíp trực BS Nguyễn Văn Biển và BS trực lãnh đạo Phan Thị Chính) ngày 8/7 có ghi: "Sau khi cắm dây truyền, bóp thuốc vào bầu dây truyền thì phát hiện thấy có dị vật màu xám trong chai dịch truyền, y tá Bảy đã khóa dây truyền, báo cáo kíp trực và niêm phong chai dịch". Căn cứ theo biên bản này thì có thể hiểu là thuốc chưa được truyền vào cơ thể người bệnh và y tá đã rất có "trách nhiệm" khóa dây truyền dịch kịp thời khi phát hiện trong chai thuốc có dị vật(!?).
Tuy nhiên, theo lời của chị Mai: "Chai thuốc có dị vật nói trên đã được y tá Bảy truyền trực tiếp vào tĩnh mạch con trai tôi và chính y tá này còn nói với người nhà bệnh nhân là "để khỏi đông máu gây tắc kim". Sau đó, chính y tá Bảy cũng thừa nhận đã truyền thuốc vào người con tôi. Thế nhưng không hiểu tại sao trong biên bản của kíp trực lại ghi sai sự thật".
Tại buổi làm việc giữa gia đình với BV Thể thao VN ngày 23/7, ông Nguyễn Văn Quang – Giám đốc BV Thể thao – thừa nhận: "Ngoài chai thuốc "có vấn đề", chúng tôi đã kiểm kê lại và niêm phong toàn bộ số thuốc cùng lô, thông báo cho nhà sản xuất và nhà phân phối biết. Còn việc y tá và kíp trực có hay không làm sai lệch sự việc thì kíp trực phải chịu trách nhiệm".
Thế nhưng, đến nay, đã gần 3 tháng trôi qua, sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ, chưa có ai chịu trách nhiệm và những bất thường trong chai dịch truyền nói trên gây ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào của người bệnh vẫn còn là câu hỏi lớn đầy bí ẩn.