Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương lần này, bàn về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, TBT Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm rõ các câu hỏi như: Vì sao lúc này phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ? Phạm vi, mục tiêu, yêu cầu của mỗi Đề án thế nào? Đổi mới căn bản là gì, toàn diện là gì?…”.
Không dừng ở đó, ngoài việc khẳng định những thành tựu, Tổng bí thư còn đặt vấn đề: “… làm rõ vì sao giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến nay vẫn chưa thực sự trở thành nền tảng và động lực cho phát triển? Vướng mắc chính ở chỗ nào?…”.
Có thể nói, trước những yêu cầu và thách thức trong sự nghiệp phát triển đất nước, chắc chắn Hội nghị Trung ương 6 sẽ mở ra “cuộc cách mạng” trong giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ nhưng muốn vậy, điều quan trọng là phải đủ bản lĩnh để đổi mới căn bản và toàn diện.
Xin bàn về một lĩnh vực, đó là giáo dục.
Nền giáo dục Việt Nam đang vận hành với một nguyên lý cổ xưa, học trò là người có “chữ nghĩa thánh hiền”, tức là thuộc giai cấp có học trong xã hội. Người thầy luôn luôn là tấm gương, là mục đích để trò phấn đấu noi theo. Nguyên lý ở đây là thầy dạy – trò học. Thầy dạy những gì mình biết. Trò học những gì thầy biết với sự phục tùng đến tôn kính. Thầy là chân lý, bất biến…
Tư duy đó hợp với thuyết nhân trị, đạo lý nhưng lại phản khoa học vì kết quả, trò giỏi đến mấy thì cũng chỉ “xấp xỉ” bằng thầy (hoặc là hơn kém chút đỉnh). Và với kết quả đó thì con rất khó mà bằng cha chứ đừng nói là hơn cha để “nhà có phúc”. Điều đó sẽ càng chẳng là gì trong sự phát triển mạnh mẽ của thế giới hiện tại bởi nhân loại đâu cần cái “bằng cũ, như cũ”?
Nền giáo dục Việt Nam hiện nay cũ kỹ và “lạc đường” đến mức tại buổi góp ý về giáo dục, đào tạo cho Hội nghị Trung ương 6, GS. Hoàng Tụy đã thẳng thắn: “Giáo dục của Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn nguy hiểm hơn là nó đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh… Có thể nói cái khuyết tật cấu trúc, lỗi hệ thống của giáo dục, cái nguyên nhân sâu xa mà từ đó đẻ ra mọi khó khăn, vấp váp chính là sự lạc điệu, lạc hướng không giống ai”.
TS. Chu Hảo cũng cho rằng “Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường”.
Nguyên Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình cũng bày tỏ: “Thật sự tôi muốn một cuộc “cải cách”, chứ không chỉ dừng ở “đổi mới” trong giáo dục”.
Với cách dạy và học theo nguyên lý hiện nay, chúng ta không và không bao giờ có được những tài năng như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn hay Đàm Thanh Sơn và rất nhiều nhà khoa học Việt Nam thành đạt nhờ du học ở nước ngoài khác. Xin đừng lấy vài ba cái huy chương Olimpic làm mãn nguyện.
Do đó, điều cần thiết hiện nay là phải thay đổi nguyên lý giáo dục. Cái nguyên lý của kinh nghiệm cộng với phương pháp “cày sâu cuốc bẫm” không thể là mảnh đất nuôi dưỡng của tài năng.
Hãy tìm một nguyên lý mới cho giáo dục và dũng cảm làm một cuộc “cách mạng” giáo dục bởi chỉ có cách đó, chúng ta mới có thể tiến kịp các nước văn minh, hiện đại. Còn sự thay đổi, dù quyết liệt đến đâu cũng chỉ là phát triển trên nền tảng cái cũ.
Muốn đất nước phát triển, không còn cách nào khác ngoài việc có một cuộc cách mạng cho giáo dục. Hay nói cách khác, hãy bắt đầu bằng việc thay đổi nguyên lý cho giáo dục.
Xin kết bài viết này bằng lời GS Hoàng Tụy: “Hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy – thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển?”.
Bạn nghĩ gì về ý kiến này của GS. Tụy?