Bệnh nhiệt đới bị lãng quên là gánh nặng bệnh tật
Nằm trong khu vực các nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều loại bệnh như bệnh giun chỉ bạch huyết, mắt hột và các bệnh giun sán ký sinh. Mắt hột được xác định là một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu tại Việt Nam. Theo ước tính của Bộ Y tế, có khoảng 265.000 người trên toàn quốc trong độ tuổi từ 50 trở lên có nhu cầu phẫu thuật quặm (lông quặm).
Bệnh giun chỉ bạch huyết được điều tra phát hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước. Gần đây, loài muỗi Mansonia Mansonioides indiana cũng có khả năng truyền bệnh giun chỉ bạch huyết. Ước tính có khoảng 67 triệu người dân Việt Nam ở 53/63 tỉnh, thành sống trong vùng dịch tễ của bệnh. Các bệnh do sán gây ra ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh, gây viêm gan, áp xe gan, xơ gan, sỏi tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy, ung thư gan. Bệnh liên quan chặt chẽ với tập quán ăn uống và các phương thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, các yếu tố về sinh thái và vệ sinh môi trường khó thay đổi của người dân. Nguyên nhân mắc bệnh cao là do triệu chứng, nguy cơ của bệnh không như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính và các nguy cơ khác nên chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức.
Điển hình như tập quán ăn uống của nhiều người Việt hiện nay vẫn còn thói quen ăn gỏi cá, gỏi cua, thức ăn nấu chưa chín… khiến cho bệnh sán truyền qua thức ăn có tỷ lệ nhiễm cao ở nhiều vùng. Nghiên cứu của Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cũng chỉ ra rằng: người nhiễm ấu trùng sán lợn còn phổ biến, được phát hiện tại 50/63 tỉnh thành, trong đó tập trung chủ yếu ở phía Bắc đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.
Khống chế, loại trừ các bệnh nhiệt đới bị lãng quên
Tại Hội nghị của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cuối tháng 9 vừa qua, WHO đã đặt mục tiêu loại trừ và giảm mắc 7 căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên vào năm 2016. Theo ông Shin Young Soo – Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, các bệnh nhiệt đới bị lãng quên không gây tử vong cao, nhưng nó gây đau đớn, tàn tật và sự kỳ thị lâu dài tới những người dễ bị tổn thương nhất tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Để sớm thực hiện mục tiêu trên, WHO đã xây dựng một lộ trình hỗ trợ các quốc gia, trong đó, phương pháp tiếp cận phối hợp được coi là rất quan trọng để mở rộng, duy trì tiếp cận với thuốc và các can thiệp khác chống lại các căn bệnh nhiệt đới này.
Tại Việt Nam, mới đây, Bộ Y tế và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã cùng các nhà tài trợ hỗ trợ cho công tác phòng, chống những bệnh nhiệt đới bị lãng quên, trong đó có bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh mắt hột và bệnh giun sán ký sinh trùng để tiến tới mục tiêu loại trừ. Bộ đang xây dựng kế hoạch chi tiết loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh mắt hột theo các hướng dẫn của WHO cho phù hợp với thực trạng bệnh của Việt Nam để tiến đến loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết và bệnh mắt hột vào năm 2014 – 2016. Riêng các bệnh liên quan đến mắt hột, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống mù lòa nhằm kiểm soát ngăn ngừa mù lòa, trong đó có nhiệm vụ loại trừ bệnh mắt hột gây mù ở Việt Nam vào năm 2014.
7 bệnh nhiệt đới bị lãng quên là sán lá truyền qua thực phẩm, chân voi, ghẻ cóc, sán máng, mù do mắt hột, giun sán truyền qua đất, bệnh phong. Tại Việt Nam phải loại trừ 3 trong số 7 bệnh trên là chân voi do giun chỉ bạch huyết, mù do mắt hột và sán lá truyền qua thực phẩm.