Tại hội nghị triển khai kế hoạch quốc gia kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện từ nay đến năm 2015, được Bộ Y tế tổ chức ngày 2-10 tại Hà Nội, chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Trần Quỵ cho rằng tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chung ở VN từ 5-8%. Nhiễm khuẩn bệnh viện là căn nguyên dẫn đến thời gian điều trị dài hơn, gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, chi phí y tế tăng và tỉ lệ tử vong tăng.
Theo ông Quỵ, bốn bệnh nhiễm từ bệnh viện thường gặp nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi bệnh viện; nhiễm khuẩn đường tiết niệu do đặt ống thông tiểu, chăm sóc không tốt; nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết do đặt thiết bị chưa đảm bảo vệ sinh vào mạch máu.
Ông Phạm Đức Mục, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay càng lên tuyến trên tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện càng cao do bệnh nhân nặng hơn và nhiều can thiệp vào cơ thể bệnh nhân hơn. Cũng theo ông Mục, sau nhiều can thiệp tích cực, tỉ lệ tuân thủ rửa tay ở nhân viên y tế các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 đã tăng lên 50-60%, trong khi trước đây chỉ 15%. Tại các bệnh viện tuyến dưới, tỉ lệ nhân viên y tế tuân thủ rửa tay chỉ ở mức 20-30%, nhiều thầy thuốc còn lạm dụng găng tay, cho rằng đeo găng không cần rửa tay, nhưng một đôi găng tay lại sử dụng để thăm khám điều trị cho nhiều bệnh nhân.
Ngoài ra, nhiều ý kiến băn khoăn hành vi rửa tay của nhân viên y tế liệu có đúng thời điểm, đúng kỹ thuật hay không. Qua các nghiên cứu trên thế giới, nhân viên y tế rửa tay đúng thời điểm và kỹ thuật sẽ giảm được 40-50% nhiễm khuẩn bệnh viện. Ông Mục cho biết tới đây sẽ thành lập hiệp hội an toàn bệnh nhân, bệnh nhân có quyền khiếu nại nếu bác sĩ và nhân viên y tế không rửa tay trước khi chăm sóc, điều trị.
* Dịp này, Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) đã giới thiệu đơn vị “Phẫu thuật không kháng sinh” ở khoa C8 của viện.
Theo ông Dương Đức Hùng – trưởng khoa C8, hoạt động này được tiến hành từ tháng 4-2012 đến nay, trên 95% bệnh nhân vào khoa điều trị (không có nhiễm trùng kèm theo).
Do đảm bảo được vệ sinh khoa phòng, giày dép, quần áo, nước và không khí trong buồng bệnh, mỗi bệnh nhân chỉ phải dùng 3g kháng sinh dự phòng, không phải sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật mà kết quả phẫu thuật vẫn đạt tốt, chi phí cho kháng sinh (bình thường phải sử dụng theo hình thức bao vây, chi phí có thể lên đến 1-4 triệu/ngày) giảm mạnh. Đây là cơ sở y tế đầu tiên ở khu vực phía Bắc triển khai hoạt động này.