Trang chủ » Tin tức » Y tế » Hội thảo khu vực về phòng chống sốt xuất huyết

Hội thảo khu vực về phòng chống sốt xuất huyết

Ngày 2-3/10/2012, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo khu vực về đánh giá hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) và đề xuất các biện pháp phòng, chống SXH trong thời gian tới. Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Tham dự Hội thảo gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dịch tễ, côn trùng, điều trị và truyền thông phòng chống SXH, cán bộ quản lý công tác phòng chống SXH của Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore; chuyên gia của các tổ chức quốc tế WHO, ADB, CDC, USAID.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong 20 năm vừa qua, tình hình SXH tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là năm 2012, khi SXH được coi là dịch bệnh virut lây truyền qua muỗi nguy hiểm nhất trên thế giới. Vì vậy, Bộ Y tế Việt Nam luôn quan tâm đến những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình quốc gia phòng chống SXH. Các hoạt động chính tập trung chủ yếu vào giám sát dịch tễ, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế và công tác viên, nhân rộng mô hình phòng chống SXH dựa vào cộng đồng, chương trình quản lý và sử dụng hoá chất diệt công trùng… đã thu được nhiều kết quả đáng kích lệ. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh SXH vẫn đang diễn ra phức tạp tại Việt Nam và các nước trong khu vực, tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong còn ở mức cao. Hội thảo này với bài học kinh nghiệm của các quốc gia, các chuyên gia trong khu vực về dịch tễ, côn trùng, điều trị và truyền thông… chắc chắn sẽ giúp đánh giá đúng mức hoạt động phòng, chống SXH hiện nay và đề ra các biện pháp tốt nhất cho hoạt động phòng chống SXH trong thời gian tới.
Hoạt động giám sát dịch tễ SXH, giám sát véc-tơ truyền bệnh, công tác chẩn đoán và điều trị, cũng như hiệu quả của các giải pháp can thiệp trong phòng chống XSH của từng quốc gia trong khu vực được phân tích, đánh giá và đúc rút kinh nghiệm. Trên cơ sở xác định các thách thức đang tồn tại, Hội thảo đã thống nhất đề ra một số giải pháp chung căn cơ cho hoạt động giám sát và đánh giá, truyền thông thay đổi hành vi cho cộng đồng, sửa đổi hệ thống báo cáo SXH, hướng dẫn giám sát và phòng chống, chẩn đoán và điều trị SXH phù hợp hơn, nhằm giúp cho từng quốc gia cải thiện tình hình quản lý công tác phòng chống SXH trong thời gian tới.

Tin và ảnh: Công Chiến

Gửi thảo luận