Khách hàng “tố” bánh Trung thu Kinh Đô bị mốc
Phản ánh đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Hạnh N. (ngụ tại Cầu Giấy, Hà Nội) – kể: “Tôi mua bánh Kinh Đô Trăng vàng, giá 770.000 đồng/hộp tại siêu thị Fivimart. Trên bánh ghi hạn sử dụng đến ngày 04/10/2012, nhưng đến ngày 27/9 hộp bánh đã mốc đen. Một hộp có 4 chiếc thì mốc mất 3 chiếc. Trong khi đó, bánh vẫn còn niêm phong, bao bì không rách, vỏ bọc vẫn kín”.
Chị H gọi đến bộ phận chăm sóc khách hàng của Kinh Đô để phản ánh, công ty đã cử một người thuộc phòng pháp chế đến nhà chị để kiểm tra. Sau khi xem xét hộp bánh của chị N, người nhân viên này khẳng định: Đây đúng là sản phẩm của Kinh Đô, không phải sản phẩm nhái. Kinh Đô đề nghị được đổi sản phẩm mới cho chị tuy nhiên, chị N. không đồng ý khi chưa có câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân bánh mốc.
Ngày hôm sau, 2 người có giấy giới thiệu của Kinh Đô thuộc bộ phận kiểm tra chất lượng đến nhà chị H xin mang sản phẩm lỗi về và đã gửi lời xin lỗi khách hàng. Đại diện của Kinh Đô cho rằng: Bánh mốc không phải do nguyên liệu mà do gói hút ẩm không hoạt động, nhưng cần thời gian để kiểm tra thêm.
“Họ yêu cầu tôi ghi vào một tờ giấy là tôi mong muốn gì. Khi tôi đưa ra thắc mắc là liệu với sản phẩm đã sử dụng và các sản phẩm chưa có dấu hiệu mốc nhưng tôi đã trót ăn và biếu tặng thì sao, công ty sẽ trả lời và hỗ trợ thế nào?” – chị N. hỏi.
Tuy nhiên, phía Kinh Đô trả lời rằng: Nếu bánh có dấu hiệu gây tổn hại sức khỏe cần phải có bằng chứng, chứng minh hôm đó, khách hàng chỉ dùng sản phẩm của Kinh Đô chứ không ăn gì khác”.
Bất bình với câu trả lời trên của Kinh Đô, chị N. bức xúc: “Tôi cảm thấy thực sự sốc. Khi xin lỗi thì họ rất nhẹ nhàng, tử tế để xin mang sản phẩm đi, nhưng khi đã cầm sản phẩm mốc đi rồi, công ty lại cho rằng lời yêu cầu của tôi là vô lý, sản phẩm khác chẳng sao cả. 60.000 bánh chỉ có bánh của tôi là mốc.
Tôi cảm thấy như vậy là vi phạm đến lợi ích của người tiêu dùng. Đồng thời rất lo cho tình trạng hộp bánh gửi biếu bố mẹ chồng, cô giáo của con, biếu sếp,…” – chị N. phân trần.
Kinh Đô: Yêu cầu của khách hàng quá vô lý
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, đại diện Công ty Kinh Đô, ông Nguyễn Hữu Thành – Trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh của chị N. (vào ngày 28/9), người của Kinh Đô đã đến và tặng chị một hộp bánh trị giá gấp 3 lần so với hộp bánh mốc nhưng chị không đồng ý. Chị yêu cầu được gặp người có chức vụ và có giấy tờ đàng hoàng của công ty tới làm việc.
Theo ghi nhận từ phía nhân viên Kinh Đô: Hộp bánh mà khách hàng phản ánh tới hãng có 6 chiếc nhưng chỉ có 1 chiếc có hiện tượng mốc trên bề mặt.
Kinh Đô đã giải thích với khách hàng rằng: Hiện tượng bánh mốc không phải trường hợp phổ biến, bởi lẽ, khi đưa ra thị trường, sản phẩm đã được thẩm định trước. Trường hợp mà chị N. gặp phải chỉ là hạn hữu.
Sau khi kiểm tra, Kinh Đô phát hiện mép của bao bì bị nhàu, không được kín nên không khí có thể đã lọt vào, vi khuẩn xâm nhập gây ra hiện tượng mốc.
Về việc khách hàng ăn bánh mốc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, ông Thành khẳng định: Bánh mốc chỉ có chiếc này thôi và khách hàng chưa hề ăn bánh mốc này.
Hơn nữa, quan điểm của ông Thành cho rằng: Bánh mốc đúng là không đảm bảo về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thật nhưng nếu ăn với số lượng lớn thì mới ảnh hưởng tới sức khỏe, còn ăn với số lượng ít thì mức độ ảnh hưởng không đáng kể.
Theo lời kể từ phía Kinh Đô, sau khi thu hồi sản phẩm mốc về, Kinh Đô đã tặng khách hàng một hộp bánh trung thu cao cấp nhất của Kinh Đô trị giá 2.200.000 đồng. Nhưng chị N. yêu cầu: Đối với 5 hộp bánh mà chị N. đã tặng, Kinh Đô phải trả lại khoản tiền tương ứng với 5 hộp bánh mà chị đã mua, tức là 770.000 đồng x 5 hộp = 3.850.000 đồng, trả bằng tiền mặt.
“Nếu chị yêu cầu như vậy thì hoàn toàn không hợp lý, nó vượt quá xa phạm vi của sự việc…Chúng tôi không thể đáp ứng được yêu cầu này, bởi nếu không phải 5 hộp mà 50 hộp đã tặng thì sao?” – ông Thành tự đặt ra giả thiết.
Khi được hỏi về hướng giải quyết cuối cùng của Kinh Đô liên quan tới trường hợp này, ông Thành kết luận: Bên Kinh Đô đồng ý mua lại 01 sản phẩm bánh mốc của chị N. (trị giá 770.000 đồng), “còn bảo mua lại 05 sản phẩm đã tặng thì vô lý, Kinh Đô không đồng ý” – ông Thành nhấn mạnh.
Cách giải quyết của Kinh Đô vẫn chưa làm khách hàng hài lòng?
Tuy nhiên, trao đổi ngược với báo Giáo dục Việt Nam, vị khách hàng trên lại cho biết: Chị không phải dân chợ búa để “mặc cả” tiền bạc… “Nguyên văn câu hỏi của tôi là: “Với những sản phẩm mà đã sử dụng (trót ăn rồi, trót biếu rồi) thì sao? Tôi hỏi thái độ của công ty đối với khách hàng, trách nhiệm của công ty với khách hàng khác nữa?”, Chị N. nói.
“Bỏ hàng triệu bạc để đổi lại lời giải thích "cái nào mốc thì mình nó mốc thôi, cái khác mà không mốc thì ăn bình thường. Có lẽ lần sau tôi sẽ không bao giờ mua bánh Kinh Đô nữa. Tôi cũng muốn khuyến cáo tới các khách hàng khác nếu mua sản phẩm của Kinh Đô, nếu gặp bánh mốc thì một là phải tự chịu trách nhiệm, hai là nếu có ảnh hưởng tới sức khỏe thì cũng phải chứng minh: cả ngày chỉ ăn bánh Kinh Đô thì công ty mới “chịu trách nhiệm” – Thất vọng với cách hành xử của Kinh Đô, chị N. nhắn nhủ.