Tổng giám đốc bị tố cáo kéo dài… nhưng không được giải quyết
![]() Đại hội cổ đông bất thành của Phytopharma gây thiệt hại cho các cổ đông và Nhà nước.
|
Dư luận có quyền nghi ngờ bởi thực tế thì TGĐ Phan Thành Lây vẫn tiếp tục vi phạm trong hoạt động điều hành và càng lúc càng nghiêm trọng hơn khiến cho các cổ đông lớn vô cùng bức xúc và có ý định đưa đơn khởi kiện ra tòa án. Trong đại hội cổ đông diễn ra tháng 9/2010, ông Tuận (một cổ đông tham dự) đã phát biểu nêu ra các sai phạm của ông Phan Thành Lây, đề nghị xem xét khẩn cấp các vi phạm nhưng không được giải quyết. Mặc dù chính TCT Dược Việt Nam có văn bản báo cáo về sai phạm, yếu kém của ông Phan Thành Lây nhưng người đại diện vốn Nhà nước Đặng Lệ Thu vẫn tiếp tục bỏ phiếu bầu ông Lây làm TGĐ.
Đại hội bất thành làm thiệt hại cho quyền lợi cổ đông và lợi ích Nhà nước
Sẽ rất ít người biết được hiện nay Phytopharma đang chuẩn bị đấu thầu chọn lựa nhà đầu tư vào dự án xây dựng cao ốc 24 Nguyễn Thị Nghĩa. Khu đất gần 500m2 ở mặt tiền 24 Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1 (đối diện khách sạn 5 sao New World) được xem là khu đất “kim cương” của TP.HCM, đây cũng là trụ sở hiện nay của Phytopharma. Phytopharma có chủ trương tìm nhà đầu tư hợp tác để khai thác mặt bằng 24 Nguyễn Thị Nghĩa, sẽ xây dựng khu đất ở đây thành một cao ốc văn phòng: Phía Phytopharma góp vào giá trị đất và nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm xây dựng, khai thác. Ông Lây đã tiến hành thuê đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư, không biết họ phù phép thế nào mà miếng đất 500m2 này chỉ được định giá… 13,4 tỷ đồng để đưa vào dự án. Không nói thì ai cũng biết, với vị trí đắc địa như thế mà chỉ có giá gần 28 triệu đồng mỗi mét vuông thì quá vô lý. Hơn nữa, theo đơn vị tư vấn, để mảnh đất vuông vức thì cần mua thêm 44m2 với giá 10 tỷ đồng. Theo các chuyên gia về địa ốc được chúng tôi tham khảo thì giá đất ở đây phải từ 180 – 200 triệu đồng cho mỗi mét vuông, chỉ riêng cách tính toán này đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho cổ đông (trong đó có Nhà nước). Khi các cổ đông biết được đã vô cùng bức xúc và có đơn kiến nghị tạm ngưng dự án để đưa ra trình đại hội cổ đông sắp tới nhưng ông Lây đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu thầu và không muốn đưa vấn đề này ra xin ý kiến. HĐQT đã yêu cầu tạm ngưng chờ đại hội nhưng ông Lây lấy lý do đã đăng báo mời thầu rồi nên ngưng sẽ “sai luật” và dự kiến ngày 02/10/2012 sẽ mở thầu. Nội bộ Phytopharma cho rằng ông Lây dàn dựng để dễ dàng chọn nhà đầu tư theo ý mình. Dư luận cũng có lý do để mà nghi vấn bởi việc làm của ông Lây không được minh bạch, việc đăng báo mời thầu không biết vô tình hay cố ý lại chọn 3 ngày đăng báo tách rời, xen kẽ những ngày nghỉ ít ai chú ý và việc ông Lây cứ muốn lui ngày đại hội cổ đông (lúc đầu dự kiến trong tháng 8 nhưng ông Lây cho rằng đây là tháng “cô hồn” nên không tốt và đề xuất dời), đỉnh điểm của vấn đề là việc nhanh chóng phủ quyết của bà Thu để đại hội thất bại. Để kiểm chứng, chúng tôi đã đóng vai nhà đầu tư đến mua hồ sơ dự thầu tại trụ sở 24 Nguyễn Thị Nghĩa. Theo lẽ thông thường, chủ đầu tư luôn mong muốn có nhiều nhà thầu tham gia để qua đó lựa chọn được nhà thầu tốt nhất, nhưng khi đến đây, chúng tôi phải rất vất vả qua nhiều phòng, chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ cùng việc trả lời hàng loạt câu hỏi dò xét mới có thể mua được bộ hồ sơ dự thầu giá 1.000.000 đồng. Điều lạ lùng là chả ai quan tâm giải thích hoặc hướng dẫn để chúng tôi thực hiện đúng qui định, thậm chí họ cũng không màng thông báo ngày mở thầu. Với hiện tượng như vậy, liệu chúng ta có thể tin rằng ông Lây đang thật sự thực hiện đúng Luật Đấu thầu để chọn lựa nhà đầu tư tốt nhất vì lợi ích cổ đông (trong đó có cổ đông Nhà nước) hay không? Râm ran trong dư luận nội bộ công ty có nhiều lời đồn đoán về vấn đề lợi ích của ông Lây và bà Thu đối với dự án. Một số cổ đông khi tiếp xúc với chúng tôi cho rằng nếu dự án vẫn cách định giá đất như vậy, họ xin sẵn sàng được tham gia đầu tư. Chúng tôi có trong tay công văn của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển CSHT số 9 gửi đến Phytopharma năm 2008 đề xuất được tham gia đầu tư mặt bằng 24 Nguyễn Thị Nghĩa thành cao ốc 10 tầng + 2 tầng hầm, sau khi xây xong sẽ giao Phytopharma sử dụng tầng 1, phần còn lại sẽ khai thác với mức trả cho Phytopharma 5 tỷ đồng mỗi năm (trả mỗi lần 5 năm), mỗi 5 năm tăng lên 5%. Tuy nhiên, theo hồ sơ mời nhà đầu tư hiện nay thì Phytopharma chỉ yêu cầu là lợi nhuận tối thiểu 3 tỷ đồng mỗi năm, riêng chi tiết này đã khiến nhiều cổ đông đặt vấn đề là tại sao TGĐ Lây lại quyết định “hạ giá” như vậy?
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần chỉ đạo TCT Dược Việt Nam xem xét lại trách nhiệm của mình trong việc đại diện vốn Nhà nước tại Phytopharma. Bà Thu có thật sự vì quyền lợi của Nhà nước nơi đã giao mình đại diện 30% vốn, nếu thật sự quyết định của bà Thu gây thiệt hại cho Nhà nước, dù cố tình hay vô ý thì cũng cần phải mổ xẻ làm rõ. Gần đây, chúng ta đã nghe quá nhiều về sự thiệt hại ở các tập đoàn, TCT Nhà nước do người đại diện vốn quản lý không sâu sát. Không thể tin tưởng và giao phó cho những người không vì lợi ích chung để đại diện cho vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp. Cổ đông Phytopharma cũng đã nhiều lần có ý kiến với TCT Dược Việt Nam về thái độ lạ lùng của bà Thu trong việc ủng hộ những việc làm sai trái của ông Lây nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Trong đợt kiểm điểm phê và tự phê bình theo Nghị quyết TW4 của Bộ Chính trị, dư luận mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để tránh xảy ra thiệt hại cho Nhà nước. Trước mắt, TCT Dược Việt Nam cần chỉ đạo Phytopharma tạm ngưng triển khai mở thầu chọn nhà đầu tư dự án 24 Nguyễn Thị Nghĩa vào ngày 02/10/2012.
CT dược phẩm SANG với 83% vốn góp của TGĐ & Kế toán trưởng Phytopharma
Ngay từ cuối năm 2011, các cổ đông đã có đơn tố cáo hành vi sai phạm của TGĐ Phan Thành Lây gửi Bộ Y tế, TCT Dược Việt Nam, Bộ KHĐT, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…, đầu năm 2012 đã có thông tin phản ánh về những sai phạm này, nhưng công ty vẫn tiếp tục có những sai phạm và cho đến nay vẫn không được giải quyết. Quá mệt mỏi, các cổ đông đã tập hợp lại để nhờ luật sư chuẩn bị khởi kiện ra tòa án nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và cũng nhằm mục đích tránh đưa công ty đến bờ vực phá sản trong thời gian tới.
Sự việc bắt đầu từ giữa năm 2011, các cổ đông bất ngờ biết được sự xuất hiện của Công ty dược phẩm SANG thành lập 02/2011, kinh doanh cùng ngành nghề, lĩnh vực và cạnh tranh trực tiếp với Phytopharma. Nhiều khách hàng truyền thống bấy lâu nay của Phytopharma đã bỏ Phytopharma chuyển sang làm đối tác của Công ty SANG. Điều bức xúc là giấy phép kinh doanh của công ty này tại Sở KHĐT với 03 thành viên góp vốn, trong đó ông Phan Thành Lây chiếm 50%, ông Nguyễn Văn Lưu Phương chiếm 33%. Cũng cần nói thêm, ông Phương lại là Kế toán trưởng của Phytopharma và là một nhân viên thân tín của TGĐ Lây. Những việc làm này, ông Lây và ông Phương đều không báo cáo cho những người có trách nhiệm của Phytopharma biết theo qui định của pháp luật (theo Điều 118 & 119 Luật Doanh nghiệp 2005) và cả điều lệ của Công ty Phytopharma.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi thì trong cuộc họp, bà Thu nêu ý kiến: ông Lây và ông Phương rút vốn khỏi Công ty Sang Pharma, các nhân viên của Phytopharma mà ông Lây và ông Phương điều động sang làm việc cho Công ty Sang Pharma (đồng thời làm 2 công ty) nên rút về Phytopharma. Ông Lây và ông Phương nên đổi tên Công ty Sang Pharma để không gây phản cảm (!). Không thể hiểu nổi là tại sao ông Lây lại dám cử nhân viên của Phytopharma sang làm việc cho công ty riêng của chính mình?
Hậu quả của việc giải quyết không nghiêm minh đúng pháp luật của TCT Dược Việt Nam qua người đại diện của mình là bà Thu, đã tạo điều kiện hợp thức hóa cho sai phạm của ông TGĐ Lây và ông KTT Phương. Ngay sau đó, hai người này đã nhanh chóng chuyển vốn góp sang tên người khác, xóa dấu vết của họ ở Công ty SANG (cũng theo chỉ đạo của TCT Dược Việt Nam trong Công văn 781). Dư luận đặt ra nghi vấn về ai đó đứng phía sau để che đỡ, bởi lẽ thực tế thì ông Lây và ông Phương vẫn không hề hấn gì với những sai phạm trên, hai ông này cứ “đường ta ta cứ đi” vì bây giờ không đứng tên thì hoạt động càng dễ (dư luận cho rằng người thân của 2 ông này đã đứng tên thay trong Công ty SANG). Khởi đầu Công ty SANG chỉ có ở TP.HCM gây giảm sút doanh số hàng OTC Phytopharma 150 tỷ/tháng (từ tháng 11/2011), còn nay Công ty SANG vươn ra tận Hà Nội từng bước thâu tóm hết khách hàng của Phytopharma ở Hà Nội và doanh số của Phytopharma càng lúc càng giảm.
Liệu với sự giải quyết không đến nơi đến chốn của TCT Dược Việt Nam qua người đại diện là bà Đặng Lệ Thu thì thiệt hại quyền lợi cho phần vốn Nhà nước ở Phytopharma sẽ phải quy trách nhiệm cho ai? Dư luận nội bộ Phytopharma và các cổ đông rất mong muốn các cơ quan chức năng có những chỉ đạo kịp thời để ngăn chặn thiệt hại đã và đang xảy ra với vốn của Nhà nước đầu tư ở đây. Cần chỉ đạo giám sát việc giải quyết quyền lợi chính đáng của cổ đông, cũng như việc tổ chức đại hội cổ đông lần 2 sắp tới đạt kết quả. Đồng thời cần phải xem xét lại năng lực và mục đích của bà Đặng Lệ Thu trong thời gian đại diện vốn Nhà nước tại Phytopharma, nếu vị quan chức này không được đa số cổ đông tín nhiệm thì cần phải thay đổi người đủ uy tín để giúp công ty đi vào hoạt động ổn định, củng cố niềm tin của toàn thể cổ đông.