TS Shin Young-Soo- Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho rằng, vấn đề tài chính cho y tế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ rất cần thiết. Mỗi nước cần có cách thức riêng phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của mình. Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam những năm gần đây việc chi từ tiền túi người dân cho y tế đã giảm, nhưng còn ở mức 47%, trong khi WHO khuyến cáo phần này không nên vượt quá 30-40%. Trong khi nhiều quốc gia phát triển trên thế giới phải mất hàng chục năm để thực hiện bao phủ BHYT toàn dân, quá trình này ở Việt Nam đã được rút ngắn hơn nhiều và cơ bản đã bao phủ toàn dân. Đặc biệt mức độ hỗ trợ của BHYT chia làm nhiều đối tượng: Trẻ em, hộ nghèo, cận nghèo, học sinh-sinh viên, người dân tộc thiểu số…
Theo lộ trình đề ra của ngành Y tế đến năm 2015 sẽ có 75% dân số tham gia BHYT và 85-90% vào năm 2020. Để làm được việc này ngành Y tế đang đề xuất với Chính phủ tìm nguồn tài chính hỗ trợ thêm cho người cận nghèo 30% phí BHYT còn lại (hiện ngân sách đã hỗ trợ 70%) và nâng mức hỗ trợ tham gia BHYT cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp lên mức 50% từ năm 2013. Ngoài ra Ngành sẽ nỗ lực hướng đến hỗ trợ 100% chi phí KCB và các dịch vụ y tế cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số.
Bộ Y tế cũng tập trung vào các giải pháp quan trọng tác động đến tỷ lệ tham gia BHYT như nâng cao chất lượng KCB để đáp ứng yêu cầu của người bệnh, tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, triển khai Đề án giảm tải BV, tăng cường cho hệ thống y tế cơ sở.