Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra một thực tế rằng, thanh, thiếu niên Việt Nam hiện đang bị “bịt mắt” trong kiến thức về tình dục. Trong khi đó, cha mẹ lại muốn con “bắt dê” đúng cách. Điều này xem ra khó có thể thực hiện được nếu như không có công cuộc “xóa mù” về tình dục một cách bài bản, có sự vào cuộc của cộng đồng.
Theo bà Trần Giang Linh, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), kết quả nghiên cứu của ISDS tại Hà Nội, TP HCM và 8 tỉnh đại diện 8 vùng địa lý cho thấy: Tỉ lệ trẻ đã từng nói chuyện với bố mẹ về các vấn đề liên quan đến tình dục khi 14 tuổi rất thấp, vì vậy chỉ có 3,3% người ở độ tuổi này hiểu biết đầy đủ về tình dục, còn có đến hơn 53% là không biết gì. Nguyên nhân do đa số đều cảm thấy khó nói chuyện, ngại ngùng khi đề cập đến vấn đề này.
Rõ ràng gia đình và xã hội thì im lặng, né tránh, trì hoãn, thậm chí từ chối cung cấp kiến thức về các vấn đề liên quan đến tình dục một cách đầy đủ và đúng đắn cho thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, gia đình và xã hội lại trông chờ họ “bắt dê” bằng cách tự mày mò tìm đúng cách để có thể tự bảo vệ mình khỏi đại dịch HIV và các hậu quả tiêu cực khác của quan hệ tình dục như mang thai ngoài ý muốn và lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Một phụ huynh ở Nam Định chia sẻ: Tôi có 2 con gái nên có nhiều lo lắng, băn khoăn trong cách giáo dục cháu về sức khỏe sinh sản. Trước đây, khi tôi mới lớn có hỏi mẹ những vấn đề về giới tính thì toàn bị mẹ gắt-trẻ con biết gì mà hỏi nhiều. Vì thế, tôi cũng lớn lên theo bản năng chứ không có nhiều hiểu biết. Thế rồi tình cờ tôi được tham gia dự án, được cung cấp kiến thức, kỹ năng để nói chuyện với con về vấn đề này. Đến nay tôi có thể cởi mở nói chuyện với con về những vấn đề thầm kín mà không ngại ngùng.
Các dự án đã thực hiện tuyên truyền, tập huấn, sinh hoạt về chủ đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và giải đáp các thắc mắc của mọi thành viên. Từ năm 2003 đến tháng 12-2011 đã có hơn 1.300 vị thành niên, thanh niên tham gia tập huấn; gần 950 thành niên, thanh niên tham gia câu lạc bộ; có 52.655 em được tham gia các hoạt động mở rộng trong trường học và cộng đồng. Nhờ vậy, nhận thức của các em về vấn đề sức khỏe sinh sản đã được nâng cao rõ rệt.
“Tham gia các khóa tập huấn, em thấy tự tin hơn. Em đã học được nhiều điều về giới, sức khỏe sinh sản… Bố mẹ đã động viên em tham gia các hoạt động của dự án. Sau mỗi buổi sinh hoạt em thường tâm sự với mẹ về những vấn đề này-đặc biệt là những vấn đề về giới. Bản thân em tin là mình sẽ không quan hệ tình dục quá sớm bởi hiện tại em đã có vốn hiểu biết tương đối về những nguy cơ và hậu quả do quan hệ tình dục sớm mang lại ở độ tuổi này”-Nguyễn Thùy Trang, 15 tuổi, thành viên của dự án khẳng định.