Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho thấy, đến nay toàn thành phố đã có gần 8.000 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) phải nhập viện điều trị. Số ca mắc bệnh tập trung ở nhóm trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng từ đầu tháng 8 có diễn biến rất khó lường, số ca bệnh đã vượt ngưỡng dự báo cao nhất của ngành Y tế.
Bệnh TCM tăng mạnh đúng vào thời điểm bắt đầu năm học mới, các trường học nhanh chóng trở thành điểm nóng đáng lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng. Từ khoảng tháng 3 trẻ mắc bệnh chỉ lác đác xuất hiện tại một số trường học, đến trước kỳ nghỉ hè khoảng 40 trường học trên địa bàn có từ 2 ca bệnh trở lên. Sau kỳ nghỉ hè, bước vào năm học mới số trẻ mắc bệnh trong cộng đồng tăng nhanh và quay trở lại tấn công vào trường học. Đến nay, toàn thành phố đã hơn 80 trường có từ 2 ca bệnh TCM trở lên.
Hồi chuông đầu tiên của đợt dịch TCM nguy hiểm tại trường học đã điểm khi cơ sở 3 của trường Mầm non 15 đóng trên địa bàn quận 11 tuần qua đã phải đóng cửa vì trong số 170 học sinh có 8 trẻ nhiễm bệnh.
BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thnàh phố nhận định, Trường học đang trở thành môi trường rất dễ lây lan dịch bệnh, do bận đi làm, tâm lý chủ quan… nên nhiều trẻ dù đã nhiễm bệnh nhưng phụ huynh vẫn cho con đến lớp. Tình trạng trên khiến tỷ lệ trẻ nhiễm TCM đang đi học chiếm tới 35% số trẻ phải nhập viện điều trị.
Bên cạnh sự chủ quan của các bậc phụ huynh, nhiều trường trên địa bàn còn lơ là với công tác phòng chống dịch, không vệ sinh hàng ngày khử khuẩn hàng tuần việc phòng chống dịch đang có tâm lý ỉ lại cho ngành Y tế. Ngoài ra còn nhiều trẻ bị bệnh nhẹ hoặc bị chẩn đoán sai bệnh khiến ngành y tế không kiểm soát được các ổ dịch.
Để bảo vệ sức khỏe cho chính con em mình và phòng tránh bệnh lây lan trong cộng đồng, ngành y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh đang có con em đi học nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt hay bệnh vì bất kỳ lý do gì nên cho trẻ nghỉ học ở nhà để chăm sóc.