Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, ngày 10/9, sản phụ Nguyễn Thị Hồng Phương được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh để sinh con lần hai. Tại đây, các bác sĩ khoa Sản bệnh viện này nhận định sản phụ và thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh, đẻ thường. Kết quả siêu âm lần thứ nhất cho thấy thai nhi nặng 2,9kg, và lần siêu âm tiếp theo là 3,4kg. Tuy nhiên, đến 10h25, ngày 11/9, sản phụ sinh ra một bé trai cân nặng 3,9kg.
Sau khi sinh, tử cung sản phụ co hồi kém, máu chảy nhiều và có dấu hiệu không đông. Kíp trực đã tiến hành các phương án xử lý cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên do bệnh nhân thuộc nhóm máu A, người nhà cũng như bệnh viện không có máu tương thích để truyền cấp cứu nên đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới lúc 11h30. Và đến 12h30 cùng ngày, sản phụ đã tử vong trước sự bất lực của đội ngũ các y bác sĩ bệnh viện này.
Trước sự việc trên, ngày 19/9, Sở Y tế Quảng Bình đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét quá trình tiếp đón, chăm sóc, các chỉ định cấp cứu, điều trị, chuyển tuyến đến khi sản phụ Nguyễn Thị Hồng Phương tử vong và báo cáo kết quả về Sở Y tế trước ngày 21/9.
Thế nhưng, mãi đến ngày 25/6, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh mới có báo cáo kết quả gửi Sở Y tế. Theo đó, trong báo cáo bệnh viện đã thừa nhận những hạn chế trong quá trình cấp cứu, điều trị đối với sản phụ Nguyễn Thị Hồng Phương. Đó là chưa tiên lượng được hết các tình huống không đáp ứng xử trí băng huyết sau khi sinh. Do đó chưa chuẩn bị hết các phương án cấp cứu tối ưu (chưa chuẩn bị sẵn nguồn máu), đồng thời cũng thừa nhận các bác sĩ bệnh viện này còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử trí băng huyết nặng do “đờ tử cung”.
Trao đổi với PV Dân trí về việc sản phụ Nguyễn Thị Hồng Phương tử vong sau khi sinh tại bệnh viện, ông Trương Đình Định, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, chia sẻ, chúng tôi cảm thấy rất buồn cho ngành Y tế tỉnh nhà vì từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh để xảy ra 7 trường hợp mẹ tử vong sau khi sinh.
Về trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Hồng Phương, theo ông Định là do các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh thiếu kinh nghiệm trong việc tiên lượng và xử trí vụ việc. “Nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên sớm hơn thì có thể sự việc đã khác. Đằng này họ lại loay hoay giữ bệnh nhân lại, đến khi nguy kịch thì mới cho chuyển tuyến. Ngoài ra, sự chủ quan trong việc chưa tiên lượng được hết các tình huống không đáp ứng xử trí băng huyết sau khi sinh dẫn đến việc chưa chuẩn bị hết các phương án cấp cứu tối ưu (chưa chuẩn bị sẵn nguồn máu) cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của sản phụ”, ông Định nhấn mạnh.