Bridget Allen – một chuyên gia lâu năm trong ngành công nghiệp thời trang quốc tế – đưa ra lời khuyên: “Mỗi khi chọn trang phục để mặc, hãy suy nghĩ về việc bạn muốn người khác nhìn nhận và đánh giá con người bạn như thế nào… vì trang phục của bạn sẽ bộc lộ con người bạn nhiều hơn bạn nghĩ”.
Trang phục “bật mí” tính cách người mặc
Trang phục không chỉ thể hiện tính cách, mà chúng còn ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi ứng xử của người mặc. Mỗi một loại trang phục sẽ phát ra thông điệp nhất định về người mặc, gây ấn tượng nhất định lên những người xung quanh:
Trang phục luộm thuộm: những người này luôn mặc trang phục trong tình trạng nhăn nhúm, chắp vá hoặc bị vấy bẩn. Tương tự, tính cách của họ cũng như thế. Áo quần lôi thôi cho thấy đây là những người bất cần, vô lo, hờ hững với công việc và tương lai.
Trang phục cầu kỳ: đối với loại người này, mọi thứ trên người họ đều là hàng hiệu, và họ sẵn sàng nói cho cả thế giới biết điều đó. Một mặt, người khác nhìn vào có thể đánh giá họ là những người thành đạt, khó tính hoặc tham lam. Mặt khác, họ có thể bị xem là những người theo đuổi chủ nghĩa vật chất hoặc thiếu tự tin (nên mới phải dùng đến trang phục cầu kỳ để che giấu sự nhút nhát).
Trang phục “thiếu vải”: dù đi đâu về đâu, dù ở nhà, ở công sở hay đi tiệc tùng, những người này luôn khoác những bộ trang phục hoặc quá hở hang, hoặc bó sát người để lộ những đường nét cơ thể. Trang phục “thiếu vải” thể hiện sự thiếu tự tin và nỗ lực dùng cơ thể để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng nếu họ không quá lạm dụng những bộ cánh như thế và chỉ mặc vào những dịp hiếm hoi nhất định.
Trang phục công sở: nếu được mặc đúng cách và phù hợp bối cảnh, trang phục công sở chính là phương tiện hữu hiệu thể hiện sự tự tin và những phẩm chất tốt đẹp của người mặc.
Trang phục táo bạo: đó có thể là một đôi giày ngộ nghĩnh, một chiếc cà vạt kỳ quặc hay một cái bóp đầm màu sắc chói lọi. Đây là típ người “nổi loạn”, thích phô trương cá tính bằng bất kỳ thứ gì họ có. Họ muốn chứng tỏ rằng họ khác biệt với đám đông, khao khát khẳng định mình và muốn gây sự chú ý.
Trang phục tẻ nhạt: nếu bạn chỉ thích mặc đi mặc lại vài ba bộ trang phục thông thường cứ như mặc một bộ đồng phục, bạn thuộc nhóm những người có tính cách nhàm chán. Trang phục đơn điệu cho thấy bạn cố hòa mình vào đám đông và không muốn bị chú ý.
Trang phục thể thao: những người này thích mặc các trang phục như áo mayo, quần thể dục mọi lúc mọi nơi bất kể họ có đi tập thể thao hay không. Dù rằng trang phục thể thao thể hiện cho mọi người xung quanh thấy bạn là người thích vận động và quan tâm đến sức khỏe, chúng cũng đồng thời gây ấn tượng xuềnh xoàng về người mặc.
Trang phục tiện lợi: đây thường là những tín đồ của áo thun và quần jean hay những loại quần áo dễ mặc và phù hợp với những hoạt động đa dạng bên ngoài xã hội. Tuy nhiên, việc duy trì cùng một phong cách ăn mặc trong một thời gian dài không có sự đổi thay thể hiện người mặc có tính cách phiến diện, không có chiều sâu và thiếu sáng tạo.
Hãy để trang phục làm đẹp cho chính bạn!
Trong cuộc sống hằng ngày, phần lớn mọi người thường phối hợp nhiều phong cách thời trang khác nhau. Trang phục sẽ tôn lên những phẩm chất của bạn khi chúng làm bạn cảm thấy tự tin và sẵn sàng bắt đầu công việc. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách chọn lựa và phối hợp trang phục của bạn.
Các chuyên gia thời trang khẳng định rằng trang phục không chỉ góp phần quyết định hình thức bên ngoài, mà chúng còn tác động đến trạng thái cảm xúc của người mặc. Ví dụ: bạn nên mặc trang phục thể thao khi đi chơi thể thao hoặc đi đến phòng tập, đơn giản vì “trang phục phù hợp sẽ tạo cho bạn hứng thú thực sự để đi ra ngoài vận động (thay vì ngần ngừ ở nhà hoặc thay đổi ý định)” – lời khuyên của tiến sĩ tâm lý Larina Kase, Chủ tịch Trung tâm về huấn luyện và kiểm soát phong độ ở Philadelphia.
Sau đây là 10 mẹo nhỏ giúp bạn lựa chọn và diện trang phục hiệu quả:
1. Chọn những kiểu quần áo hoặc phong cách thời trang phù hợp với vóc dáng của bản thân.
2. Trang phục đẹp không nhất thiết phải là trang phục đắt tiền.
3. Chọn trang phục phù hợp bối cảnh (đặc biệt là trang phục công sở).
4. Đừng ngại ngùng trong việc thể hiện cá tính riêng thông qua việc phối hợp màu sắc hợp lý, những đường may hoặc phụ kiện đẹp trên trang phục.
5. Thỉnh thoảng hãy cho phép bản thân vượt khỏi khuôn mẫu thời trang thường ngày. Ví dụ: nếu như thường ngày bạn chỉ thích mặc quần jean và áo thun, trong một dịp nhất định nào đó, hãy thử khoác lên mình một bộ trang phục trang trọng và trải nghiệm cảm giác của bản thân lúc đó.
6. Hãy xem diện trang phục là một niềm vui và không nên quá căng thẳng trong việc lựa chọn bộ cánh phù hợp để mặc.
7. Hãy mặc những bộ quần áo khiến cho bạn cảm thấy tự tin và thoải mái.
8. Nên loại bỏ những bộ quần áo gợi nhớ đến những kỷ niệm buồn hay ký ức không vui.
9. Quan tâm đến hình thức mỗi ngày. Nhiều người không thích chăm chút cho hình thức nếu không có việc phải đi ra ngoài. Điều này sẽ tạo nên thông lệ buồn chán trong việc chăm sóc bản thân của bạn. Thi thoảng hãy mặc những bộ cánh yêu thích kể cả khi không có dịp gì đặc biệt và thử trải nghiệm những cảm giác mới mẻ.
10. Dù không cần thiết phải chạy theo những xu hướng mới nhất bằng mọi giá, song bạn cũng nên cập nhật tủ quần áo của mình định kỳ, sắp xếp lại và loại bỏ những quần áo hoặc phụ kiện đã quá lỗi mốt.
Trang chủ » Tin tức » Thời trang cuộc sống » Khi trang phục "lên tiếng"!