Thật đáng sợ khi phải sống trong nỗi lo nơm nớp về một thảm họa có thể giáng xuống trên đầu mình bất cứ lúc nào. Những trận động đất vừa qua chưa lớn, nhưng một số nhà dân và lớp học ở các xã gần kề thủy điện Sông Tranh 2 đã bị nứt vỡ, hư hại. Nếu động đất với cường độ mạnh hơn xảy ra thì vùng đất này sẽ nhận thêm thảm họa thứ hai, đó là cơn “hồng thủy” đổ xuống từ công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn khẳng định an toàn, còn người dân ở Quảng Nam thì khẳng khái: “Ai nói an toàn thì đến đây mà ở”. Tất nhiên sẽ không có vị nào của EVN dám đến ở cái nơi căng thẳng thần kinh này.
Theo chuyên ngành kiến tạo, TS.KH Phan Văn Quýnh (Đại học Quốc gia Hà Nội), qua khảo sát nghiên cứu về kiến tạo, cho thấy thủy điện Sông Tranh 2 đặt không đúng chỗ, nằm trên các thành tạo granit phức hệ Bến Giăng – Quế Sơn, thân đập nằm trực tiếp trên đoạn đứt gãy đang hoạt động, một yếu tố quan trọng đóng góp vào động đất kích thích ngoài những yếu tố khác như áp suất lỗ hổng trong quá trình tích nước. Nguy hiểm hơn, nhà khoa học này cảnh báo về nguy cơ một cơn “tai biến” có thể xảy ra ở Sông Tranh 2, bởi vì, cấu trúc nền móng với thành phần tạo đá là granit và bị cà nát bởi nhiều hệ thống đứt gãy đang hoạt động là điểm yếu nhất của công trình thủy điện Sông Tranh 2. Khả năng tự hủy hoại là rất lớn, kể cả khi không có động đất.
TS. Quýnh còn khẳng định: “Để gia cố nền móng, các nhà xây dựng đã khoan phụt xi măng vào đới cà nát granit ở chân công trình. Điều đó là vô nghĩa đối với một kiến tạo đang hoạt động và cắm sâu hàng kilômét”.
Phần lớn các ý kiến của các nhà khoa học trong thời gian vừa qua về Sông Tranh 2 đều mang hàm lượng thông tin trấn an. Tuy nhiên, người dân địa phương không an tâm và tin cậy vào các phát ngôn đó. Riêng đối với ý kiến của TSKH Phan Văn Quýnh, tính cảnh báo nhiều hơn, rõ ràng hơn và đáng để tin cậy hơn.
Cũng có thông tin cho rằng, Việt Nam sẽ mời TS Harsh K Gupta – Chuyên gia hàng đầu thế giới về động đất kích thích sang hỗ trợ nghiên cứu động đất tại Trà My – Quảng Nam.
Người dân địa phương kêu cứu lên lãnh đạo, lãnh đạo “kêu cứu” các nhà khoa học, các nhà khoa học trong nước “kêu cứu” các nhà khoa học nước ngoài… Niềm tin trong nhân dân, trong lãnh đạo đối với giới khoa học nước nhà nứt vỡ theo các trận động đất vừa qua.
Vì vậy, trước khi có kết luận chính xác và tin cậy nhất, không thể tiếp tục thử thách thần kinh của người dân hoặc đem mạng sống người dân ra đánh cược. Hãy tính ngay đến kịch bản xấu nhất và tổ chức các phương án di dời dân trong các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn có thể và người làm việc này không ai khác ngoài EVN. Đừng để đến khi xảy ra thảm họa, lại đổ trách nhiệm cho nhau. Sinh mạng của con người là quý nhất cho nên không thể vì sợ tốn kém mà để dân phải sống trong vùng nguy hiểm.