Chỗ bát nháo, nơi đìu hiu
Giấu 10 hộp thuốc tuần hoàn não trong túi xách, chúng tôi hỏi cô dược tá của một ki-ốt là có tiêu thụ được không. Cô ta bảo: “Cửa hàng chỉ lấy thuốc chính hãng thôi. Còn anh muốn bán hàng xách tay thì ra bán cho mấy tay đầu nậu. Họ gom tất”.
Tương tự, chúng tôi mang số thuốc ấy sang một cửa hàng khác thì được trả lời: “Hàng này không hóa đơn xuất xứ, trước đây tụi tui về phải mông má lại, thậm chí phải in lại hạn sử dụng mới bán được, nhưng giờ bị siết chặt lắm, không dám mua”…
Qua tìm hiểu, không chỉ tiêu thụ thuốc trôi nổi mà một số người hoạt động “ngầm” tại chợ còn thu gom cả thuốc cận đát, thuốc bị cấm lưu hành, thuốc “lên đời”. Chính vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã không ít lần phá các đường dây thuốc lậu, thuốc giả mà “công nghệ” là cho người đến chợ dược sỉ thu gom thuốc trôi nổi do các công ty, xí nghiệp trong nước sản xuất với số lượng lớn, đem về lột hết bao bì, dán nhãn những hãng dược phẩm nổi tiếng của nước ngoài…
Dạo quanh chợ, chúng tôi nhận thấy mỗi ki-ốt rộng chừng 30m² nhưng không phải ki-ốt nào cũng bán hàng của một chủ. “Ở đây có ki-ốt được một chủ ký hợp đồng với công ty, sau đó chia lại cho các chủ khác cùng bán”, một quản lý ki-ốt cho biết. Do vậy, rất dễ nhìn thấy một số ki-ốt có tới 2 – 3 tủ kính như tủ bán thuốc lá và mỗi tủ là của một chủ…
Mỗi ngày, với gần 200 cửa hàng, đại lý của hàng chục công ty dược phẩm, chợ sỉ dược phẩm 134/1 Tô Hiến Thành, quận 10 có hàng ngàn giao dịch mua bán thuốc các loại. Ngoài việc mua bán các mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng thì hàng trôi nổi cũng không tránh khỏi.
Trong khi đó, tại trung tâm phân phối sỉ của Công ty Dược phẩm Trung ương II (Codupha – 334 Tô Hiến Thành, quận 10), cảnh buôn bán đìu hiu. Một giám đốc công ty dược thuê gian hàng ở đây cho biết đã đi vào hoạt động cả năm nay rồi nhưng trung tâm vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp dược.
Tại mặt tiền của trung tâm, nhiều gian hàng tuy đã có chủ nhưng cửa đóng im ỉm. “Cứ tưởng bữa trước dẹp chợ thuốc bên đường Lý Thường Kiệt, quận 11 thì họ dồn về đây, nhưng cũng không ăn thua” – Giám đốc trung tâm phân phối Đỗ Thị Sự cho biết.
Ghi nhận cho thấy, Trung tâm Dược sỉ Codupha được thiết kế 108 gian hàng, nhưng hiện chỉ khoảng 50 gian hàng đi vào hoạt động, số còn lại tuy đã “đặt cọc” nhưng không buôn bán. Theo bà Sự, hiện trung tâm đã được cấp GDP, đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Cần quy về một mối
Trước tình trạng lộn xộn của một bộ phận kinh doanh phân phối dược phẩm, Bộ Y tế đã không ít lần nhắc nhở chấn chỉnh. Trong đó, việc ban hành quyết định 12/2007/QĐ-BYT về nguyên tắc phân phối thuốc có vai trò rất quan trọng. Đó là các doanh nghiệp buôn bán thuốc tại các chợ sỉ, trung tâm phải đạt tiêu chuẩn GDP.
Hiện nay, Thông tư 48/2011/TT-BYT ban hành nguyên tắc Thực hành tốt phân phối thuốc thay quyết định 12 nói trên càng thể hiện sự kiên quyết trong chấn chỉnh thị trường dược phẩm. Tuy nhiên, tình trạng “dễ dãi cấp giấy, hậu kiểm nửa vời” vẫn còn.
Theo các chuyên gia dược học, GDP được xem như “cứu cánh” của ngành y tế nhằm quản lý một cách tốt nhất việc buôn bán thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, những bất cập như cấp giấy chứng nhận GDP mang tính hình thức, việc hậu kiểm rất hạn chế, tình trạng “xin – cho” vẫn diễn ra.
Một trong những yêu cầu quan trọng của doanh nghiệp dược được chứng nhận GDP là buôn bán thuốc phải có hóa đơn, nguồn gốc rõ ràng nhưng theo một thanh tra y tế thuốc hết đát, cận đát, hàng trôi nổi được cất giấu trong kho của doanh nghiệp vẫn có.
Theo cơ quan thanh tra y tế, năm 2011 đã phát hiện hàng chục doanh nghiệp dược được chứng nhận GDP vi phạm hoặc kinh doanh thuốc hết hạn; hoặc kinh doanh thuốc phi mậu dịch; hoặc bán thuốc không rõ nguồn gốc, không có số đăng ký, không đạt tiêu chuẩn chất lượng… Điều đáng nói, biện pháp xử lý cũng chưa đủ răn đe. Ngoài xử phạt hành chính, gần như chưa doanh nghiệp dược nào bị tước giấy GDP.
Nhằm xây dựng một hệ thống phân phối thuốc lành mạnh, từ tháng 4-2011, Bộ Y tế đã có công văn 2057/BYT-QLD nêu rõ việc phát triển thêm các trung tâm bán buôn thuốc cần được tính đến để phù hợp với quy hoạch hệ thống phân phối thuốc.
Về nguyên tắc, điều kiện bán buôn thuốc phải được cấp giấy chứng nhận GDP. Đồng thời Bộ Y tế nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là khuyến khích mô hình trung tâm phân phối thuốc do một doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh (chịu trách nhiệm về nguồn gốc thuốc, bảo quản đến đầu mối quản lý bán thuốc), không khuyến khích việc thành lập trung tâm phân phối thuốc dưới hình thức các doanh nghiệp hoạt động độc lập, chỉ thuê địa điểm kinh doanh của trung tâm như hiện nay.
Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã có công văn số 6620/QLD-KD ngày 10-5-2012 nhắc lại chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển hệ thống phân phối thuốc. Theo các chuyên gia dược học, xu hướng xây dựng mô hình trung tâm phân phối thuốc do một doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh là hoàn toàn hợp lý và mới kiểm soát được giá thuốc, nguồn gốc, chất lượng. Đồng thời, hạn chế việc cho thuê địa điểm phân phối dược phẩm như một số trung tâm đang làm hiện nay mà không loại trừ có những công ty “cai đầu dài” chi phối thị trường.