Trang chủ » Tin tức » Chính trị xã hội » Lạm thu

Lạm thu


Tiền trường cho con là một ví dụ sát sườn nhất mà gần như bất cứ gia đình nào cũng phải đối diện.


Có hai thứ mà người dân không có cơ hội để mặc cả, đó là việc khám chữa bệnh và việc học hành của con cái. Viện phí lên hay giá thuốc tăng cao bao nhiêu thì cũng phải trả, không có lựa chọn nào khác. Tiền học phí, sách vở và các loại phí phải đóng theo yêu cầu của nhà trường, phụ huynh cũng không thể mặc cả.

Đầu năm học, nhiều trường đưa ra các khoản thu, dù gọi là tự nguyện, nhưng thực chất mọi phụ huynh đều có nghĩa vụ đóng góp. Có nơi sử dụng mỹ từ “tài trợ” để tránh tiếng thu tiền của phụ huynh, nhưng rồi tất cả các phụ huynh đều trở thành nhà tài trợ. Có nhiều người “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”, nhưng phải cắn răng xoay xở để có tiền đóng phí cho con.

Khoan nói đến việc thầy cô giáo thu tiền vì mục đích tiêu cực, bởi vì chưa hẳn đã như thế. Nhưng có một thực tế, các trường đều muốn nâng chất lượng dạy và học, xây dựng môi trường học tập tốt cho học sinh, nhưng kinh phí có hạn. Cho nên nhà trường phải  huy động từ phụ huynh, xem như đó là một hình thức xã hội hóa. Phụ huynh muốn con cái có kỹ năng bơi lội, học các môn thể thao và âm nhạc, nhưng trường lấy đâu ra tiền để xây hồ bơi, mua nhạc cụ, thuê giáo viên huấn luyện. Ai cũng muốn con cái ăn mặc đồng phục, sạch đẹp khi đến trường, đó cũng là thẩm mỹ học đường, nhưng sắm đồng phục thì cha mẹ phải mua chứ không phải ai khác.

Vì vậy, ở đây nảy sinh mâu thuẫn và trở thành vấn đề xã hội không giải quyết được. Đó là đòi hỏi về điều kiện và chất lượng học tập ngày một cao, nhưng kinh phí nhà nước không đáp ứng, nhà trường phải huy động từ phụ huynh, xã hội lại phê phán, phụ huynh kêu ca. Ngay trong phụ huynh, những gia đình có điều kiện lại yêu cầu nhà trường phải tổ chức các hoạt động, trang bị thêm sân bóng, hồ bơi, phòng thí nghiệm, máy lạnh để phục vụ việc giảng dạy và học tập, nhưng điều này lại mâu thuẩn với những phụ huynh nghèo. Do đó, đây là vấn đề rất lớn mà để giải quyết nó không phải bằng cách cấm đoán như lâu nay, mà phải từ chính sách giáo dục. Nhà nước có nguồn kinh phí đáp ứng tối thiểu cho giáo dục, trong đó có tiền lương cho giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ và hiện đại thì mới cấm được việc thu các loại phí.

Trong lúc chờ đợi sự sung túc kinh phí giáo dục như các quốc gia tiên tiến, cần phải có sự chia sẻ của cộng đồng, trong đó có phụ huynh. Tuy nhiên, điều quan trọng là có cơ chế kiểm soát để tránh việc lạm thu, phòng chống tiêu cực, xử lý kiên quyết các đơn vị đưa ra các khoản thu  không phù hợp. Phải làm sao để việc đóng góp chỉ phục vụ cho những hoạt động hết sức thiết thực và đồng tiền đó được chuyển hóa hiệu quả vào việc học tập và giảng dạy, không mất một xu.
 
Một quốc gia nghèo nên công dân phải chịu đựng những khó khăn và cần phải có sự chia sẻ. Trong trường hợp này, là sự chia sẻ đó phải hợp lý, công bằng, liêm chính, vì mục đích cao cả là giáo dục.

Gửi thảo luận