Cụ thể là các loại bạch linh, phục linh, hoài sơn giả với cách làm giả chủ yếu sử dụng tinh bột làm… dược liệu. Tuy chưa phát hiện độc tính nhưng sản phẩm hoàn toàn không có tác dụng dược lý.
Viện Kiểm nghiệm cũng đã phát hiện 2 dược liệu là chi tử và hồng hoa được sử dụng chất nhuộm màu công nghiệp Rhodamin B để nhuộm màu dược liệu. Theo ông Sơn, sử dụng dược liệu hoặc thực phẩm nhuộm màu bằng Rodamin B kéo dài có thể gây ung thư.
Cùng ngày, Viện Kiểm nghiệm thuốc TW công bố kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu dược liệu được tuyên truyền là người sử dụng sẽ sinh con trai. Các mẫu thuốc này lấy tại nhà lương y Nguyễn Duy Hợp, xã Mào Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh và lương y Nguyễn Danh Phương ở Đài Xuân, Quế Võ, Bắc Ninh.
Kết quả, thuốc của lương y Hợp có các vị xẩu tích, cỏ xước, cốt toái bổ, ngũ gia bì chân chim, dâu cành; thuốc của lương y Phương có hồng hoa, đỗ trọng, trắc bách diệp, hạt sen, đương quy, hoàng bá, đại táo, cẩu tích, hoàng kỳ, đẳng sâm, xích thược, kinh giới.
Các vị thuốc của lương y Hợp có tác dụng bổ thận, trừ phong thấp, mạnh gân xương, dùng để chữa đau lưng, đau nhức xương. Thuốc của Lương y Phương có thêm tác dụng chữa bế kinh, đau bụng kinh, rong huyết, chữa mất ngủ.
Cả 2 bài thuốc đều không có tác dụng sinh con trai và theo ông Đoàn Cao Sơn, đến nay chưa có bài thuốc nào giúp sinh con theo ý muốn.