Tuy nhiên, để tạo niềm tin cho thuốc sản xuất trong nước, ngành dược cần phải có một kế hoạch dài hơi. Nói về vấn đề này, PGS. TS. Phạm Khánh Phong Lan – PGĐ Sở Y tế TPHCM, cho biết:
– Đến thời điểm này, VN hiện có 113 nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO (98 nhà máy sản xuất tân dược, 5 nhà máy sản xuất đông dược), từng bước khẳng định chất lượng, bảo đảm cung ứng cho điều trị không chỉ thuốc thông thường, thiết yếu mà còn từng bước mở rộng sang các thuốc chuyên khoa đặc trị, đa dạng hóa các dạng bào chế, kể cả kỹ thuật cao và công nghệ sinh học. Tổng doanh số thuốc sản xuất trong nước năm 2011 đạt 1,14 tỉ USD, so với 1,53 tỉ USD của thuốc ngoại nhập, đã giúp tiền thuốc bình quân đầu người của Việt Nam đạt 27,6 USD/người.
Thuốc sản xuất trong nước đã đóng vai trò chủ đạo trong cung ứng cho thống hệ điều trị hay chưa?
– So với tổng chi phí của BV, tiền thuốc chiếm một tỉ lệ rất lớn (từ 60-70% trong khi tỉ lệ lý tưởng là ở mức 20-30%). Tuy tỉ lệ này thật ra chưa được xây dựng hợp lý vì phí khám chữa bệnh còn thấp, chưa tính đúng tính đủ trong khi thuốc đã được tính theo chi phí thực tế, nhưng cũng cho thấy lượng thuốc sử dụng là rất lớn. Chi phí cho thuốc quá cao, có thể xuất phát từ hai nguyên nhân: Sự lạm dụng trong kê đơn điều trị về số lượng chủng loại thuốc cũng như tâm lý sùng bái các thuốc đắt tiền.
Ví dụ, ở TPHCM các BV quận huyện có tỉ lệ thuốc nội khoảng 50%, thậm chí một số BV đạt 70%-95%. Đối với các BV tuyến thành phố, các BV đa khoa tỉ lệ này thấp hơn, đa số các BV đạt mức 30-40%, đi vào các BV chuyên khoa, tỉ lệ này thay đổi rõ rệt, từ cao ở mức 30-40% cho đến thấp đặc biệt, chỉ khoảng 5%…
Các con số này có thể giải thích được, do giá thành rất rẻ của thuốc trong nước so với thuốc nhập nên dùng nhiều. Ngoài ra, do hạn chế danh mục thuốc ở BV tuyến dưới, do càng lên tuyến trên, đặc biệt là các BV chuyên khoa sâu thì càng yêu cầu thuốc chuyên khoa đặc trị, thậm chí cả những thuốc mới, thuốc độc quyền. Đây chưa phải là thế mạnh của thuốc sản xuất trong nước, hay nói cách khác, đây chính là thị trường còn bỏ ngỏ chờ thuốc trong nước tập trung đầu tư (các thuốc sản xuất trong nước còn bỏ trống các chuyên khoa như ung thư, miễn dịch, gây tê, gây mê, vaccin đa giá…)
PGS. TS. Phạm Khánh Phong Lan – PGĐ Sở Y tế TPHCM
Những rào cản nào khiến thuốc sản xuất trong nước chưa thuyết phục được BS?
– Đa số DN chỉ chú trọng thuốc thông thường, cả hoạt chất lẫn dạng bào chế. Sự đầu tư là trùng lắp, một hoạt chất đôi khi có rất nhiều số đăng ký, trong khi một số nhóm thuốc đặc trị lại bị né tránh, nhường thị phần cho thuốc ngoại. Việc đầu tư sản xuất mới chỉ đơn giản là nhập nguyên phụ liệu về bào chế thành chế phẩm, chưa quan tâm nhiều đến các nghiên cứu về tương đương sinh học, các dữ liệu khoa học để thuyết phục BS. Ngoài ra, chiến lược tiếp thị, quảng cáo, chăm sóc khách hàng còn yếu do ít vốn và chưa chuyên nghiệp, không cạnh tranh nổi với thuốc ngoại và đành “an phận”.
– Mục tiêu chung là làm sao để thuốc Việt phát triển, vì đây mới là giải pháp bình ổn lâu dài cho thị trường, chủ động được nguồn thuốc chất lượng và giá cả hợp lý cho người dân. Bản thân các DN dược cần tự phấn đấu nỗ lực hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực: Tăng cường đầu tư nghiên cứu phát triển các thuốc mới, trước mắt là các thuốc chuyên khoa đặc trị mà bản quyền đã cho phép khai thác. Phát huy thế mạnh của hình thức liên doanh nhượng quyền chính thức để học tập được kinh nghiệm về quản lý chất lượng, phát triển mạng lưới, phát triển thương hiệu sản phẩm.
Chứng minh chất lượng thuốc Việt với các kinh nghiệm đột phá của các DN (thuần Việt và có vốn nước ngoài) trong đầu tư thuốc chuyên khoa đặc trị, kỹ thuật cao, nghiên cứu hiệu quả, tương đương sinh học, tương đương điều trị… Chia sẻ các kinh nghiệm trong kinh doanh để đưa thuốc đến người dân, quan điểm của doanh nghiệp đồng hành cùng cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt.
Xin cảm ơn bà.
![]() |
TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược VN:
Đưa thuốc nội vào bệnh viện thông qua đấu thầu Tỉ lệ thuốc nội tại các BV tuyến huyện cao nhất, đạt 60%. Khi lên tuyến tỉnh, chỉ còn khoảng 33% và khi ở tuyến TƯ chỉ còn 12%. Như vậy, có thể thấy, để đạt được mục tiêu thuốc nội vào sâu trong BV thì việc đầu tiên là thông qua đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế. Theo quy định, thuốc đấu thầu vào BV chia thành 3 gói: Gói thuốc biệt dược, thuốc theo tên generic (thuốc đã hết thời hạn bảo hộ độc quyền của nhà sản xuất) và thuốc đông y. Ngoại trừ thuốc biệt dược thì 2 gói còn lại, nhà nước hoàn toàn có thể thực hiện chính sách khuyến khích sử dụng thuốc nội thay thế thuốc nhập khẩu. Với tư cách là đơn vị thanh toán chi phí y tế, trong đó có thuốc tại các BV, nếu thay đổi cơ chế chính sách thanh toán, BHYT có thể đặt hàng các Cty dược trong nước sản xuất một số mặt hàng thuốc theo mục tiêu định trước với giá chỉ bằng 70% giá bán vì mua số lượng lớn. Như vậy, chi phí thuốc tại BV đó có thể giảm được 30%, đồng thời lại vừa tăng thị phần thuốc nội. Tất nhiên điều kiện tiên quyết là thuốc nội phải đảm bảo các điều kiện đạt yêu cầu về sản xuất và được chứng minh tương đương sinh học, tương đương điều trị với thuốc phát minh. Q.D |
Võ Tuấn thực hiện