Trao đổi với chúng tôi, ThS.BS. Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Côn trùng – Ký sinh trùng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, loại côn trùng trên là kiến ba khoang, có nhiều ở Thừa Thiên Huế và các tỉnh khác trên toàn quốc, chúng xuất hiện nhiều ở cánh đồng lúa, xuất hiện ở những nơi mất vệ sinh và có ánh điện. Loại kiến này có độc tố rất mạnh.
Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ mang. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Pederin có tính xuyên thấm qua da và là độc chất tự nhiên có hiệu lực như chất chống ung thư và virut. Trên con vật kiến ba khoang, pederin là chất để phòng vệ chống lại động vật ăn chúng như nhện. Pederin không được tạo ra từ bản thân mà do vi khuẩn nội cộng sinh trong chúng là Pseudomonas aeruginosa.
Trước tình trạng trên, PGS.TS. Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Côn trùng – Ký sinh trùng, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm y tế TP. Huế đến khu tái định cư thuộc phường Hương Sơ khám, cấp thuốc miễn phí, đồng thời phun hóa chất diệt kiến bảo tồn trong vòng 7 ngày.
Theo PGS.TS. Nguyễn Dung, điều trị vết thương do kiến côn trùng gây ra rất đơn giản. Có thể rửa bằng thuốc tím (KMnO4). Khi vết thương bị loét thì cần đắp gạc vô khuẩn ướt, mát, thoa thêm calamine lotion hay corticosteroids. Kháng sinh có thể cần nếu có bội nhiễm bóng nước trên da. Tình trạng viêm da sẽ lành trong 2 – 3 tuần.
Để phòng tránh kiến ba khoang tấn công, người dân tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng. Nếu bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng, sau đó bôi thuốc tím và đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu. Không nên gãi, vì càng gãi, vết thương càng lan rộng.