ai hiện là sinh viên năm 3 ở Hà Nội. Gần đây, cảm thấy có gì vướng ở cổ, cô xin nghỉ học buổi sáng để đi khám.
"Biết đi khám sẽ rất đông nên mình phải dậy từ 5h sáng, sau đó bắt xe buýt từ Cầu Giấy, gần 6h rưỡi thì đến bệnh viện. Vào phòng khám xong, mình đi lấy máu xét nghiệm và được hẹn là hơn 11h có kết quả. Khoảng 9h kém mình đến chỗ siêu âm thì số đã lên đến 1037, nhưng cũng chỉ đợi khoảng 15 phút là đến lượt", Mai nói.
Cách đây 3 tháng, cô có đưa mẹ đi khám bướu cổ tại Bệnh viện Bạch Mai. Cũng đi từ sớm tinh mơ, làm siêu âm, xét nghiệm máu, bác sĩ hẹn đến 2h chiều mới có kết quả. Hôm đó, cả hai mẹ con phải đợi qua trưa, đến 4h chiều mới xong hết thủ tục.
Giống như Mai để được khám sớm, chị Nga, ở Giao Thủy, Hà Nội, nhờ người thân đến đứng xếp hàng lấy số trước. 9h sáng, ngồi đợi bên ngoài phòng siêu âm, chị không giấu nổi sự sốt ruột khi chốc chốc lại nhìn lên bảng điện tử xem đến số bao nhiêu.
"7h30 mình đến bệnh viện, khám xong, đi lấy máu xét nghiệm, xuống lấy số siêu âm mà đã hơn 2.000. So với 3 tháng trước đi khám thì mình thấy đúng là có sạch sẽ hơn nhưng mà vẫn đông, chật chội quá", chị Nga chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để chuẩn bị áp dụng giá viện phí mới, bệnh viện đã cố gắng để có chất lượng phục vụ, điều trị cho bệnh nhân tốt nhất có thể. 20 tỷ đồng đã được chi để sửa chữa khoa Khám bệnh, nâng số phòng khám lên gấp đôi thành 60 phòng, trang bị toàn bộ hệ thống điều hòa đến các buồng khám, nơi ngồi chờ của bệnh nhân cũng được sửa chữa.
Bệnh viện cũng trang bị máy tính, máy in, màn hình để thông báo số thứ tự của bệnh nhân tại tất cả các buồng khám. Ngoài ra, 30 tỷ đồng cũng được dành để nâng cấp, sửa chữa buồng bệnh, lắp đặt hệ thống điều hòa, mua thêm máy thở…
Tại mỗi phòng khám đều có bàn hướng dẫn để bệnh nhân lấy số, trên mỗi buồng đều có bảng điện tử hiện số thứ tự và tên của bệnh nhân vào khám. Tầng trên cùng của tòa nhà vẫn đang trong quá trình sửa chữa xây dựng, chưa được trang bị điều hòa hay quạt, nơi đây hiện bố trí khu lấy mẫu máu, cả bảo hiểm y tế và theo yêu cầu, phòng chụp chiếu.
Trong khi đó, khu phát thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế cũng được bố trí khá quy củ. Người bệnh nộp đơn thuốc tại một cửa, sau đó ra ghế ngồi đợi đến khi được gọi tên thì lên lấy thuốc, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy.
Tuy nhiên do cơ sở này quá chật hẹp, lượng bệnh nhân lại đông nên cảnh chen lấn, đứng chờ nộp tiền xét nghiệm, phòng xét nghiệm tế bào vẫn xảy ra. Tại khu vực khám bệnh, ghế ngồi chờ không đủ nên nhiều người bệnh, người nhà phải ngồi trên nền nhà hoặc đứng.
Bà Hiền, ở Thái Nguyên, bị u vú, chia sẻ: "Tôi cũng chả để ý chuyện tăng viện phí nhưng tôi thấy gần đây thời gian đi khám, làm các thủ tục, xét nghiệm, xạ trị… chỉ mất một ngày là xong. Trong khi trước đây có lần phải đến 3 ngày. Còn đông thì vẫn đông, vẫn chen chúc, nằm ghép, cái này thì đành phải chấp nhận thôi".
Trong khi đó, anh Minh, ở Hà Nội đưa bố đến điều trị ung thư phổi tại đây thì cho rằng bệnh viện K có thay đổi nhưng không đáng kể. "Nói chung mỗi lần nộp tiền làm các xét nghiệm là cũng phải chờ dài cả cổ. Lôi đi thì chật hẹp, buồng bệnh thì đông, nhà mình gần nên chọn cách điều trị ngoại trú chứ nằm viện thì làm gì có chỗ nằm", anh Minh thở dài nói.
Cuối tháng 8, Bệnh viện K cũng khánh thành giai đoạn 1 cơ sở tại Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, với 300 giường bệnh nhằm giảm tải cho cơ sở ở Quán Sứ và cơ sở 2 ở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Một cán bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, chất lượng khám, điều trị tại một số bệnh viện đã có sự chuyển biến tích cực. Trước hết là sự minh bạch các khoản thu. Tuyệt đại đa số các bệnh viện đã công khai niêm yết giá ở vị trí người bệnh dễ nhìn thấy. Phản ánh của người bệnh cho thấy, thái độ của nhân viên y tế bệnh viện đã có chuyển biến.
Lấy ví dụ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng bố trí 3-4 phòng siêu âm, nhiều gấp đôi so với trước để phục vụ người bệnh, tránh tình trạng xếp hàng chờ đợi quá lâu, có người đón ngay từ ngoài. Tại một số bệnh viện tỉnh, bàn khám đang khám từ 80 đến 90 người một ngày thì đã giảm xuống chỉ còn 50-70 người.
Cũng theo người cán bộ trên thì người bệnh không nên quá kỳ vọng rằng với việc điều chỉnh viện phí lần này sẽ không còn cảnh phải nằm ghép hay chờ đợi. Tại Bệnh viện K, đi kiểm tra thì bệnh nhân vẫn nằm 4-5 người/giường.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng thừa nhận, thời gian khám bệnh cũng chỉ giảm được vài tiếng. Người bệnh vẫn phải nằm ghép 2-3 người một giường tại Viện Tim mạch, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu…
Các bệnh viện cũng đang chịu áp lực phải tăng chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn, bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt phải đảm bảo định mức là chỉ khám 35 bệnh nhân mỗi bàn một ngày, chi phí một lần khám là 20.000 đồng. Nếu sau một thời gian, bệnh viện không đạt được chỉ tiêu này thì sẽ phải điều chỉnh giảm giá xuống.
Còn ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, khi viện phí được điều chỉnh thì các bệnh viện phải nâng cao chất lượng phục vụ. Thế nhưng, cần phải hiểu đúng chất lượng dịch vụ ở đây không chỉ là thời gian chờ đợi khám vì các bệnh viện vẫn còn quá tải, mà mang lại giá trị điều trị cho người bệnh.