Phát biểu trên AFP hồi cuối tuần qua, ông Harald Stock, Giám đốc điều hành Tập đoàn dược phẩm Grunenthal (đơn vị sản xuất thuốc Thalidomide) đã chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ việc bê bối trên. Sau đó công ty đã cho xây dựng một tượng đài tưởng niệm các nạn nhân của Thalidomide ở Stolberg, miền Tây nước Đức, nơi công ty đặt trụ sở.
Các nạn nhân của "thảm họa Thalidomide" không chấp nhận lời xin lỗi suông của Grunenthal, trong khi công ty này không nói rõ về việc bồi thường thiệt hại như thế nào. Tổ chức đòi quyền lợi cho nạn nhân Thalidomide cũng yêu cầu phía doanh nghiệp dược phẩm phải có một "hành động thiết thực" hơn.
Một trong hàng chục nghìn nạn nhân của Thalidomide là anh Astbury (sinh năm 1959 ở Chester) bị cụt tay chân bẩm sinh do mẹ anh đã uống thuốc này trong quá trình mang thai. Anh Astbury nói: "Nếu họ nghiêm túc nhận lỗi và thực sự hối tiếc về những gì đã xảy ra, thì việc cần phải làm ngay lúc này là giúp đỡ chúng tôi, những nạn nhân đã bị ảnh hưởng nặng nề về tài chính".
Freddie Astbury, đại diện Hiệp hội nạn nhân Thalidomide, tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của những người bị ảnh hưởng bởi thuốc ở Vương quốc Anh cũng lên án hành động của Grunenthal. Freddie đề nghị các công ty dược phẩm phải "đặt tiền của họ ở nơi cửa miệng" (tức là chuyện bồi thường) hơn là chỉ có lời xin lỗi suông.
Tổ chức Y tế thế giới không ngừng khuyến cáo tác hại của
loại thuốc "thần dược" này. Ảnh: AFP.
Theo Sciencemuseum, vụ bê bối thuốc Thalidomide là "thảm họa" đen tối nhất trong lịch sử nghiên cứu và chế tạo dược phẩm thế giới. Loại "thần dược trị bá bệnh" này được bán ra thị trường từ những năm 1950, ước tính trong chưa đầy 10 năm đã có 10.000 trẻ em bị dị tật, cụt chân, cụt tay, mù lòa… vì người mẹ đã dùng Thalidomide trong lúc mang thai.
Hiện nay khoảng 5.000 đến 6.000 nạn nhân của "thảm họa" Thalidomide còn sống và tiếp tục đấu tranh đòi được bồi thường thiệt hại.
Bị cộng đồng phản đối dữ dội nhưng đến nay Thalidomide vẫn được bán rộng rãi trên thị trường và được công nhận về công dụng trị bệnh phong, HIV cùng một số bệnh ung thư tủy xương. Tổ chức Y tế thế giới vẫn không ngừng khuyến cáo tác dụng phụ của loại thuốc này gây dị tật ở thai nhi. – VnExpress