Trang chủ » Tin tức » Chính trị xã hội » Chuyển giới: Đắng lòng kiếp sống không được công nhận

Chuyển giới: Đắng lòng kiếp sống không được công nhận

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã khởi xướng nghiên cứu về “người chuyển giới ở Việt Nam – những vấn đề thực tiễn và pháp lý”.

TS. Phạm Quỳnh Phương và cộng sự đã nghiên cứu về vấn đề này. Để thực hiện nghiên cứu, bà phải tiếp cận với nhiều người chuyển giới. 

Phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với  TS Phương xoay quanh cuộc sống của người chuyển giới.

Thưa tiến sĩ, pháp luật Việt Nam hiện có công nhận những người chuyển giới không? Với những người sang Thái Lan chuyển giới và về Việt Nam để xin xác định lại giới tính như trường hợp chị Quỳnh Trâm (Bình Phước) theo bà có nên khuyến khích?

Nghiên cứu cho thấy đến nay chưa có điều luật nào thực sự công nhận người chuyển giới và việc xác định lại giới tính cho người chuyển giới.

Theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì một trong những phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch là thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh. Nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Lý do chính đáng được nêu trong điều 27, 37 và 38 của Nghị định trên bao gồm trùng tên, dễ gây nhầm lẫn, xác định lại huyết thống hoặc xác định lại giới tính.
 

Tuy vậy, việc xác định lại giới tính được quy định tại Điều 36 Luật Dân sự và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP lại chủ yếu liên quan đến những bất thường về bộ phận sinh dục. Quyết định này phù hợp với những người liên giới tính (intersex), nhưng đã đóng lại cánh cửa đối với những người chuyển giới, bởi Điều 4, khoản 1 Nghị định ghi rõ nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.

Điều này đã khiến cho việc cấp lại giấy tờ cho những người chuyển giới hầu như là không thể, và là nỗi trăn trở lớn với người chuyển giới.

Trường hợp của Quỳnh Trâm, nếu đúng như một số báo đưa tin (hormone nữ cao hơn nam, khi dậy thì ngực ngày càng to hơn, và xét nghiệm y khoa năm 2006 cho thấy đặc điểm bộ phận sinh dục thiên về giới tính nữ nhiều hơn), tôi cho rằng đây là trường hợp liên giới tính (intersex).

Và như vậy thì hoàn toàn được pháp luật cho phép. Còn người chuyển giới với sự hoàn thiện của bộ phận sinh dục thì rất khó để được công nhận. Còn tất nhiên, nếu như họ đã phẫu thuật chuyển giới tính, dù ở Thái Lan hay ở đâu, nếu họ có nhu cầu được xác định lại giới tính thì nên được công nhận.

Chuyển giới: Đắng lòng kiếp sống không được công nhận
Còn những người này không may mắn như vậy. Cát Thy (ngoài cùng bên phải) không có tiền phẫu thuật phải tự tiêm hormone và silicone vào cơ thể. Hai bạn bên cạnh cũng là người chuyển giới. (Ảnh: Nguyễn Tâm)

 

Theo nghiên cứu và tiếp xúc với người chuyển giới, bà nhận thấy họ thường gặp khó khăn gì trong cuộc sống?

Người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Họ bị gọi một cách kỳ thị là pê-đê, ái nam ái nữ, bóng, đồng cô, xăng pha nhớt, lại cái (với nhóm chuyển giới từ nam sang nữ), hay ô môi (với nhóm từ nữ sang nam). Sự kỳ thị đôi khi không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua ánh nhìn soi mói, hành vi, hay nặng nề hơn là bạo lực.

Đặc biệt là với nhóm chuyển giới từ nam sang nữ, những người rất khó che giấu bản dạng giới của mình (trong khi nhóm từ nữ sang nam có thể được xã hội nhìn nhận một cách bao dung hơn như những phụ nữ có cá tính và thích ăn mặc kiểu tomboy).

Nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ cho biết họ gặp sự kỳ thị nặng nề ở mọi nơi, từ trong gia đình, trong trường học, hay ra ngoài xã hội. Ở trong nhà thì bị đánh mắng, coi như nỗi “xấu hổ” của gia đình, đến trường học thì bị trêu chọc, có những bạn thậm chí bị “đánh hội đồng” đến mức sợ hãi, trầm cảm và phải bỏ học.

Vì vậy, rất ít người chuyển giới sang nữ có thể tiếp tục theo đuổi học vấn đến hết phổ thông, chứ chưa nói đến là học hết đại học. Có thể thấy sự kỳ thị trong nhà trường là những rào cản tước đi cơ hội có kiến thức, có công ăn việc làm và có cơ hội phát triển của họ.

Do vậy, công ăn việc làm là một thách thức lớn nhất đối với người chuyển giới. Họ liên tục bị từ chối khi xin việc, dù là những công việc đơn giản nhất như phụ rửa chén bát.

Vậy họ còn có thể làm được việc gì khi chuyển giới, thưa bà?

Một bạn chuyển giới từ nam sang nữ cho biết “bọn em chỉ có hai cách để kiếm tiền thôi, một là đi hát đám ma, hay là làm gái, chứ còn biết làm gì bây giờ?”. 

Chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện các bạn kể khá đau lòng liên quan đến những trải nghiệm của sự bị sỉ nhục, bị khinh thường, bế tắc và không lối thoát, do xã hội đang chưa mở cho họ một con đường để sống và làm việc như những công dân bình thường…

Chúng tôi đã gặp gỡ khá nhiều người chuyển giới. Họ gặp rất nhiều bi kịch trong tình yêu. Hạnh phúc đối với họ rất hiếm hoi và biết được ngày nào hay ngày đó….

Đúng, ở góc độ đời sống cá nhân, họ gặp rất nhiều sự bế tắc. Khác với người đồng tính, vì nghĩ mình là nam (với nhóm chuyển giới từ nữ sang nam) hay là nữ (với nhóm từ nam sang nữ), nên người chuyển giới có xu hướng yêu người dị tính (straight), và vì thế tình yêu của họ thường gặp bi kịch.

Nhiều đàn ông dị tính chỉ lợi dụng họ về tiền bạc, tình cảm, hay tìm cảm giác lạ về tình dục, hay nhiều bạn nữ yêu các bạn chuyển giới nhưng cuối cùng cũng đầu hàng trước sự kỳ thị và phải đi lấy chồng.

Người chuyển giới còn gặp những vấn đề đặc biệt khó khăn liên quan đến y tế và pháp lý. Không có một cơ sở y tế nào cung cấp thông tin đáng tin cậy cho người chuyển giới nên họ thường tự phải mày mò, truyền tai nhau và sử dụng “liều” hormone, gây ra những hiện tượng sốc thuốc, dị ứng, và phản ứng phụ khác.

Không có sự trợ giúp về tâm lý, trước sức ép từ mọi phía, người chuyển giới dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, tự làm đau bản thân (rạch tay, tự tử…), hoặc trở nên chai lỳ trước mọi sự kỳ thị, và bị đẩy vào những công việc không được xã hội khuyến khích.

Không được đổi tên và xác định lại giới tính, nên có điều trái ngang là trên giấy tờ và ngoại hình thực tế như là 2 con người khác nhau. Vì vậy, họ rất sợ khi phải đi tàu xe, khi bị công an hỏi giấy tờ, hay khi muốn sở hữu tài sản…

Nói chung, những thách thức đối với người chuyển giới rất lớn và họ thực sự cần được quan tâm.

Chuyển giới: Đắng lòng kiếp sống không được công nhận
Chị Thu Hương sau khi phẫu thuật chuyển giới

Với những đối tượng đã chuyển giới, chưa được luật pháp công nhận, họ sợ nhất điều gì, thưa bà?

Nghiên cứu của chúng tôi tiến hành phỏng vấn sâu với 34 trường hợp người chuyển giới, và rất ít người trong số họ đã trải qua phẫu thuật hoàn toàn. 

Một thực tế là do lo ngại sự kỳ thị, những người chuyển đổi giới tính hoàn toàn rồi bây giờ đang sống cuộc đời mới ở một giới tính như họ mong muốn, do đó rất ngại lộ diện vì không muốn quá khứ của mình bị phát hiện.

Cuộc sống của những người sau khi phẫu thuật cũng rất khác nhau. Những người mà hòa nhập hoàn toàn được với xã hội (nếu hình thức bên ngoài của họ phù hợp với thể hiện giới: từ giọng nói, dáng điệu) thì dễ dàng hơn, và có những người rất hạnh phúc vì tìm được người yêu thương mình và nói rằng ước gì họ đi phẫu thuật sớm hơn.

Nhưng cũng có những người vẫn rất khó hòa nhập và được chấp nhận nếu như hình thức mới của họ không được xã hội chấp nhận và tôn trọng. 

Nhưng nhìn chung, do luật pháp chưa chấp nhận, họ không được đổi tên và xác định lại giới tính cho phù hợp với bên ngoài, nên dù có phẫu thuật chăng nữa thì người chyển giới vẫn gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến quyền nhân thân và tìm kiếm công ăn việc làm.

Với những người chuyển giới, họ khát khao thế nào để được công nhận? Họ làm gì để thay đổi cuộc sống của họ?

Như tôi đã nói, khác với người đồng tính, người chuyển giới không thể che giấu bản dạng giới, và khát khao được thể hiện mình đúng như giới tính mình mong muốn rất mãnh liệt. 

Vì thế mà nhiều bạn trẻ chuyển giới từ nam sang nữ đã nói rằng họ chỉ ước ao có tiền để phẫu thuật chuyển giới tính, được sống 1 giờ rồi sẵn sàng chết với cơ thể một người phụ nữ.

Dù có đau đớn, nhưng hạnh phúc được là chính mình vẫn là niềm ao ước của mỗi người chuyển giới. Đặc biệt, phần lớn những người được hỏi đều trả lời rằng, nếu có kiếp sau, họ vẫn mong ước được làm người chuyển giới, vì bất chấp những rào cản trong xã hộI, họ là những người có tài năng và tinh tế, là những người có ý chí vươn lên thay đổi số phận không chỉ cho mình mà còn là chỗ dựa cho người khác. Họ là những con người dũng cảm dám đương đầu với thách thức để được là chính mình.

Nhưng sự khao khát này chỉ có thể trở thành hiện thực với sự ủng hộ của xã hội, với luật đảm bảo quyền của người chuyển giới chống lại sự kỳ thị dựa trên bản dạng giới, cũng như hỗ trợ pháp lý và quyền nhân thân cho người chuyển giới.

Thưa bà, khái niệm “chuyển giới”, “đồng tính”, “gay” hiện vẫn được nhiều người dùng lẫn lộn. Vậy những khái niệm trên phải hiểu như thế nào cho chính xác và khoa học?

Đúng là cho đến nay, nhiều người vẫn hiểu chưa chính xác và đồng nhất người chuyển giới với “người đồng tính”, “gay”. “Gay” là từ tiếng Anh khi nói về người đồng tính nam. Còn “người chuyển giới” và “người đồng tính” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. 

Khi nói đến người chuyển giới là nói đến “bản dạng giới” (tôi là ai?). Họ tự nhận diện “bản dạng giới” của mình không trùng với giới tính sinh học (ví dụ cơ thể sinh học là nữ, nhưng luôn cảm giác hoặc mong muốn mình là nam giới, hoặc cơ thể sinh học là nam, nhưng lại cảm giác hoặc mong muốn mình là nữ).

Còn nói đến người đồng tính là nói đến xu hướng tình dục (là nam nhưng lại thích nam, là nữ nhưng lại thích nữ). Không phải người chuyển giới nào cũng trải qua phẫu thuật, bởi những khó khăn trong tài chính, cơ hội và những cân nhắc công ăn việc làm hay lo sợ kỳ thị.

Việc phân biệt người chuyển giới với người đồng tính là quan trọng bởi mỗi nhóm có một đặc thù khác nhau. Nhóm chuyển giới có thể liên quan đến việc phẫu thuật và những vấn đề về y tế sức khỏe.

Từ cơ sở nào mà bà và nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu về người chuyển giới? Nghiên cứu này có giúp gì cho người chuyển giới không, thưa bà?

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) khởi xướng nghiên cứu này bởi nhận thấy nhóm chuyển giới đang là đối tượng chịu nhiều sự kỳ thị và bất công trong xã hội. Đây là một nhóm yếu thế nhất trong những nhóm yếu thế.  

Cũng giống như nhiều nhóm LGB (đồng tính nam, đồng tính nữ và song tính) khác, người chuyển giới ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những sự kỳ thị của xã hội, gia đình và bạn bè.

Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn cả các nhóm LGB khác, người chuyển giới còn là đối tượng của những thông tin sai lạc, sự đối xử bất bình đẳng, nạn bạo hành và phân biệt đối xử. Hiện nay cũng chưa có tổ chức nào quan tâm và bảo đảm quyền cho họ. Viện iSEE tiến hành nghiên cứu nhằm khám phá về hiện trạng và thách thức đang gặp phải của cộng đồng người chuyển giới, và đưa ra những khuyến nghị để các nhà làm luật có chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền của người chuyển giới.

Gửi thảo luận