Gian nan đường tới bản
Xã Khánh Long là một xã nghèo và khó khăn nhất của huyện miền núi Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Toàn xã có 100% là người dân tộc Dao, Mông… Đường đi lại rất khó khăn hiểm trở vì phải lội suối, vượt đèo. Từ trung tâm thị trấn Thất Khê vào Trạm y tế xã Khánh Long nơi bác sĩ Dân làm việc 17 năm nay, tôi không thể nhớ hết phải vượt qua bao nhiêu dốc, bao nhiêu đèo nhưng nhớ như in phải lội qua 8 con suối sâu và lội suối mùa mưa này thật không dễ dàng…
Đường vào Khánh Long rất khó, một bên là núi một bên là vực ở giữa là đường men theo triền núi, mùa mưa đến con đường ngập ngụa bùn đất, đất miền núi có nước vào trơn hơn, dắt xe cũng khó, nếu không nổ máy thì đất bám vào bánh nặng không dắt được, nổ máy thì bánh cứ theo đà trượt tuồn tuột, hai người một dắt, một đẩy dùng hết sức có thể để nhích từng cm. Xe của chúng tôi đã nhiều lần lao vào vũng lầy, tuy nhiên để kéo được xe lên phải đứng “thở” 15 phút mới lại tiếp tục cuộc hành trình. Cơn mưa miền núi mỗi lúc một nặng hạt, mưa quất vào mặt rát bỏng, hạt mưa ngọt ngọt tê tê đầu lưỡi… Lúc này, tôi mới thấy ở cái nơi mà “lê” được người đến đã mệt nhoài để làm được việc tốt thì ắt hẳn phải có một nghị lực phi thường. Trong lúc ngồi nghỉ, tôi bắt đầu câu chuyện với anh về con đường vào xã.
Ngày anh mới vào làm ở đây chắc cảm giác kinh khủng lắm nhỉ? Anh chỉ cười và đáp câu gọn lỏn “rồi”. Có điều lạ là được ai khen hay để tự giới thiệu về mình anh chỉ cười và nói “rồi”. Có thể đó là thói quen của anh nhưng cũng có thể là sự khiêm tốn, giản dị.
– “Rồi” nghĩa là sao ạ?
– Thì như cô nói đấy, đường đi khó nên rất ngại, nhưng đối mặt với đường khó chỉ là một phần, hồi mới vào bản, buồn và nhớ nhà kinh khủng, lúc đầu trạm y tế chỉ có hai người là tôi và anh trạm trưởng tên Hải, lúc đó chưa có trạm xá riêng phải ở nhờ nhà dân, ban ngày có hai anh em thì có người nói chuyện, đến tối anh Hải về nhà chỉ còn mình tôi, giữa chốn rừng thiêng, nước độc, xung quanh chỉ là mây và núi, không điện, không đài, nhớ nhà, nhớ vợ con không ngủ được. Nằm chán lại ngồi đếm đồng hồ kêu chỉ mong trời sáng để nghe thấy người. Ngày đấy đường không dễ đi như bây giờ đâu, đường cô đi vừa rồi là thuận lợi hơn trước rất nhiều rồi đấy… Nhưng ở mãi rồi cũng thành quen cô ạ, thấm thoắt đã 17 năm, tôi vào làm ở đây khi con gái mới hơn 1 tuổi, năm nay cháu đã thi đại học.
– Sao anh không tìm công việc khác ở thị trấn mà làm, vừa gần nhà lại gần vợ con?
– Rồi! Tôi đã từng tính, hồi mới được phân công về Khánh Long cũng băn khoăn lắm, đã từng tính làm một hai năm rồi ra thị trấn kiếm nghề khác làm cho gần vợ con. Nhưng làm mãi lại quen, giờ thì gắn bó, với lại vì tình cảm của bà con cứ níu kéo mình lại, không đành lòng ra đi. Cô cứ sống vài ngày với bà con cô sẽ thấy mến, tôi đã ở đây gần 20 năm, có phải nói đi là đi ngay được đâu. Nghĩ cho cùng, nếu ai cũng thấy khó mà không làm thì bà con ở những vùng như thế này bao giờ mới được tiếp cận dịch vụ y tế. Mới lên thì buồn, nhưng từ khi bà con tin tưởng trạm xá nên hầu như ngày nào cũng có người xuống trạm để khám bệnh, xin thuốc vì thế trạm xá cũng vui hơn. Có người già không đi được mình lại đến tận nơi khám cho họ… À, mùa này ở Hà Nội phải bật quạt chứ trên này chúng tôi phải đắp chăn từ lâu rồi. Nói thật, mùa hè còn đỡ, mùa đông thì ngại lắm, ngại kinh khủng, gió rét căm căm, thò đầu ra khỏi chăn là rợn hết cả sống lưng, ở đây sợ nhất là mùa mưa và mùa đông.
– Sau trận ấy chắc anh không dám đi đêm nữa nhỉ?
– Không đi sao được, đồng bào ở đây họ tin cán bộ y tế lắm, với lại tôi cũng chết hụt vài lần vì đi xuống bản rồi, số cao lắm không chết được đâu. Cô tính, có người vợ đau đẻ, ban đêm vượt dốc đèo, đường núi để đến đón cán bộ y tế về đỡ đẻ mà ngày ấy chưa có xe máy như bây giờ, không đi sao đành?! Thực tình, đi đường rừng không sợ “ma” nhưng sợ rắn, thế rồi cái sợ ấy cũng đến, một đêm trên đường đi đỡ đẻ về, bị rắn độc cắn, tự mình xử trí rồi chạy về trạm y tế thì chân đã sưng vù, nọc độc phát tán rất nhanh. Hôm ấy mười phần chết chín. Nhưng biết tin anh Dân bị rắn cắn, bà con kéo về đầy trạm y tế hỏi thăm và cùng cáng ra xe cấp cứu đến trung tâm y tế huyện. Những lúc như thế thấy mình thật hạnh phúc và mắc nợ bà con. Hay có lần, một cô bé, con của một người ở xã bên cạnh bị viêm phổi nặng, gia đình chạy đến nhờ anh chữa, lúc đó mới ra trường chỉ là y tá, kinh nghiệm còn thiếu nhiều nhưng bằng sự quyết tâm và trước sự lo lắng của người nhà, anh đã giành đứa bé từ tay tử thần. Gia đình cháu bé rất cảm động. Cả ao của họ chỉ còn hai con cá giống nhưng họ vẫn bắt lên để làm cơm đãi “anh áo trắng”…
Những câu chuyện đó đã cho tôi lý giải được băn khoăn là suốt dọc đường đi từ Áng Mò vào Khánh Long hơn 20km, gặp ai họ cũng gật đầu chào anh.
Chàng bác sĩ đỡ đẻ dọc đường
Trạm y tế xã Khánh Long đạt Chuẩn quốc gia năm 2009, trước đây vì thiếu nữ hộ sinh, cơ sở vật chất nên chưa xét chuẩn… anh và hai y tá khác làm hết các công việc của nữ hộ sinh, điều dưỡng… thậm chí còn nấu cơm cho bệnh nhân ăn. Nhưng cái khó và làm đau đầu anh nhất vẫn là làm thế nào để cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Bởi đường vào quá khó, nhiều bệnh nhân nặng cần phải được đưa đi cấp cứu ở tuyến trên, nhưng cứ nghĩ đến đường đi là thấy lo lắng. Trạm không có xe cấp cứu, xe từ thị trấn vào nhanh cũng phải mất 4 tiếng mà đậu ở tận ngoài xã Đoàn Kết, mặc dù ở Đoàn Kết cách 3km nhưng để vượt qua suối và dốc cao, nhanh cũng mất nửa tiếng đồng hồ, đấy là trời nắng, còn trời mưa thì… đành “lực bất tòng tâm” nhìn bệnh nhân đau đớn… Khi nói đến đó, bữa cơm dường như chùng xuống.
Như để xua tan không khí ấy, y sĩ tên Sủi khuấy động: Cô còn nhiều điều thú vị chưa biết về sếp Dân đấy. Cô có biết chuyện anh ấy đỡ đẻ dọc đường không? Anh bật cười, chuyện đấy cũng bình thường thôi, sự thể thế này. 17 năm đi lại ở con đường này rồi, bà con từ trạm đến Áng Mò ai cũng biết, với lại rất nhiều lần phải ngủ trọ nhà bà con. Những lúc ở đấy, bà con ai bị ốm đau là mình giúp, bà con biết nên lần sau có việc lại nhờ và chuyện đỡ đẻ cũng vậy, nhiều lần anh em ở trạm y tế ven đường có những ca khó, họ chưa có kinh nghiệm gọi điện nhờ mình đỡ, từ đấy, cứ nhằm ngày nghỉ trên đường về mà có ca đẻ khó là anh em gọi mình…
Thấy trạm y tế xã toàn nam, tôi thắc mắc: Trạm các anh toàn nam thì ai đỡ đẻ? Anh Chiến, y tá trạm hiểu ý: À, trạm chúng tôi có 6 người, có một nữ nhưng cô ấy lên tỉnh học, chỉ còn 5 anh em nên chúng tôi đỡ đẻ, sếp Dân là chim đầu đàn, hướng dẫn anh em kỹ thuật đỡ đẻ. Một y tá khác láu lỉnh, à mà phóng viên về với sếp Dân hôm nay là không ổn đâu nhé, chúng tôi chỉ muốn “sếp” ở lại vì nhiều ca khó chúng tôi chưa có kinh nghiệm xử lý, có “sếp” ở đây chúng tôi yên tâm hơn nhiều. Phóng viên có biết không, để đi vào đây làm việc “sếp” phải chuẩn bị hai dây xích sắt quấn quanh bánh xe tránh trượt, vì sếp ngã nhiều rồi nên rút ra kinh nghiệm ấy, ngoài ra cứ mỗi bận đi về tiền sửa xe mất vài trăm nghìn, đấy là còn chưa kể một năm 3, 4 lần thay lốp và với chúng tôi, giọt xăng quý như giọt mưa mùa hạn… Nếu tính tiền sửa xe với tiền xăng và tiền thay lốp thì lương không đủ sống chứ đừng nói gì đến việc chữa bệnh… nhưng vẫn phải làm, làm tốt là đằng khác, nói rồi anh cười hóm hỉnh.
Con đường xuống bản.
|
Hy sinh này xin tặng vợ và mẹ
Khi biết tôi có ý định viết về sự hy sinh thầm lặng của anh, anh Dân suy tư hồi lâu và nói, sự hy sinh thầm lặng mà cô định viết, cho tôi xin dành tặng mẹ và vợ tôi, vì có họ tôi mới vững tin làm việc, phục vụ bà con dân bản. Rồi anh kể về hành trình đến với nghề y của mình cũng như thời gian yên tâm cống hiến và sự hy sinh của hai người phụ nữ quan trọng nhất trong đời mình. Đó là hai người phụ nữ cho anh nhiều thứ bởi chính họ đã chắp nối cho ước mơ làm nghề y của anh và bây giờ họ lại động viên để anh làm tốt nhiệm vụ.
Thay cho lời kết
Trận mưa vừa rồi không nhiều nước, theo tính toán của các “chuyên gia leo núi, lội suối” thì vẫn có thể ra được thị trấn Thất Khê có điều thời gian đi bao lâu thì chưa biết. Chia tay 5 chàng trai “đỡ đẻ” của Trạm y tế Khánh Long, bước chân trên đường núi nhầy nhụa bùn đất, tôi lẩm nhẩm trong đầu câu hát “chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi, xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người”. Và trong góc sâu tầm hồn mình, tôi thầm cảm phục các anh và thấy chuyến đi của mình thật ý nghĩa. Bởi, dẫu biết gian khổ ấy còn nhiều, đắng cay ấy còn nhiều nhưng họ vẫn luôn nở nụ cười, lặng lẽ cống hiến cho quê hương. Nụ cười ấy như bông hoa chuối đỏ tươi đang cháy hết mình tô điểm cho bức tranh của rừng xanh thêm hoàn hảo, còn sự lặng lẽ ấy như hương hoa hồi đang tỏa hương thơm ngát khắp nẻo đường rừng…