Đến An Giang, Lê Minh Hòa được thầy Nguyễn Hồng Phước là Đông y sĩ có tiếng chỉ dạy tận tình. Nhờ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và tố chất thông minh nên ông nắm bắt rất nhanh những điều thầy “chỉ giáo”, được thầy rất thương và tin tưởng giao việc. Vì thế, sau 7 năm học việc, lương y Lê Minh Hòa xin phép thầy cho mình “xuống núi” cứu người. Năm 1978, ông về phường 6, TP. Cà Mau cùng anh trai mở phòng thuốc nam xem mạch bốc thuốc cho bệnh nhân nghèo.
Vào thời điểm đó, nhờ tài bốc thuốc chữa khỏi bệnh cho nhiều người nên “tiếng lành đồn xa”, phòng mạch của ông lúc nào cũng rất đông bệnh nhân đến khám và điều trị. Nhiều bệnh nhân kính nể và xem ông là vị lương y có tấm lòng nhân hậu. Đến năm 1984, ông về phường 7, TP. Cà Mau tham gia vào Hội CTĐ của phường. Lương y Lê Minh Hòa nhớ lại: “Lúc đó, phòng thuốc nam của tôi mở tại Hội CTĐ phường 7 (khu vực Công viên Hồng Bàng bây giờ), rất đông bệnh nhân đến xem mạch, bốc thuốc nhân đạo.
Mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân, nguồn thuốc không đáp ứng đủ nhu cầu. Tôi phải vận động người quen một năm 1 – 2 lần đi Vía Bà ở Châu Đốc, cứ đầy một xe (khoảng 55 ghế), chủ cho tôi 15 ghế (vé), tôi lấy tiền đó mua thuốc về bốc cho người nghèo. Cũng có khi bệnh nhân tự nguyện đem thuốc Nam từ nhà đến giúp cho phòng thuốc. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mình đã làm được một việc có ích cho đời”.
Tìm đến nhà ông, trong một con hẻm nhỏ ở phường 7, TP. Cà Mau cũng là nơi ông hành nghề xem mạch bốc thuốc mới biết, ông thường khám bệnh từ 6 giờ cho đến tầm 8 giờ sáng, buổi trưa khám đến khoảng 13 giờ, thời gian còn lại ông dành hết vào công việc ở Hội CTĐ phường. Lương y Lê Minh Hòa thổ lộ: “Dù bận việc cơ quan, hay lúc đi làm công tác xã hội, tôi vẫn không bỏ phòng mạch. Vì ở đó, tôi hiểu có rất nhiều bệnh nhân đang cần đến mình”.
Không chỉ những bệnh nhân nghèo trong tỉnh, mà nhiều bệnh nhân nghèo ngoài tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng… cũng tìm đến phòng mạch và được ông tận tình chữa trị. Thậm chí bệnh nhân nào nhà xa, gặp khó khăn về tiền bạc, ông đều giúp lộ phí đi đường. Nhiều bệnh nhân sau khi uống thuốc, bệnh tình thuyên giảm, có nhiều trường hợp khỏi bệnh hoàn toàn, gặp lại ông, họ rất vui và không ngớt lời cảm ơn.
Đến nay, ông cũng không nhớ nổi mình đã khám, bốc thuốc chữa bệnh cho bao nhiêu lượt bệnh nhân. Chỉ biết rằng, mỗi bệnh nhân khi tìm đến ông, được khỏi bệnh là sự động viên, khích lệ lớn lao nhất đối với cuộc đời hành nghề như ông. Nhắc về những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời lương y, ông Lê Minh Hòa kể: “Cách đây vài năm, tôi tiếp nhận một bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo tìm đến trị bệnh tên N.V.K., quê ở huyện Năm Căn.
Sau khi điều trị khỏi bệnh, ông K. đã xuống tóc đi tu, dù gia đình nài nỉ hết lời nhưng ông K. vẫn cương quyết ở lại chùa. Khi người vợ tìm đến cảm ơn, tôi mới biết. Một trường hợp khác cũng ở huyện Năm Căn, ông M. bị bác sĩ “chạy”, gia đình đã chuẩn bị “lo lui”, nhờ tôi tích cực khám điều trị, bốc thuốc cho ông ấy uống, đến nay ông M. vẫn còn sống”.
“Người vác tù và hàng tổng”
Ngoài việc xem mạch bốc thuốc, lương y Lê Minh Hòa còn tâm huyết với các phong trào của Hội CTĐ ở địa phương cũng như các hoạt động xã hội từ thiện. Năm 1997, được phân công làm Chủ tịch Hội CTĐ phường 7, TP. Cà Mau, ngoài việc tham mưu cho lãnh đạo phường, ông còn có nhiều đề xuất với cấp trên, kiện toàn tổ chức, làm cho Hội hoạt động ngày càng hiệu quả.
Trong vai trò Chủ tịch Hội, ông cũng thường xuyên xuống địa bàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời giúp đỡ, động viên hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Với uy tín và trách nhiệm của mình, ông đứng ra vận động thành lập Đội Thanh niên xung kích CTĐ của phường gồm 4 đội, 57 đội viên và cả 4 đội đều đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”. Thành viên của đội xung kích này nghèo có, giàu có; có cả người dân tộc Khmer tham gia.
Lương y Lê Minh Hòa thường xuyên thống kê số lượng nhà hảo tâm, mạnh thường quân để ghi vào sổ vàng nhân đạo.
|
Nổi bật nhất là Đội Thanh niên xung kích tình nguyện hiến máu nhân đạo gồm 12 đội viên, trong đó có 4 nữ. Đã có hàng chục đơn vị máu được các tổ viên tình nguyện hiến tặng. Đặc biệt, đội viên Lương Duy Bình, khóm 7, chỉ trong vòng một tháng đã có 9 lần hiến máu, nghĩa cử cao đẹp đó đã được UBND tỉnh kịp thời khen tặng. Không chỉ có vậy, lương y Lê Minh Hòa còn vận động anh em trong đội góp tiền mua xe máy để chạy xe ôm trong thời gian rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập; vận động quyên góp tiền giúp một thanh niên trong Đội xung kích CTĐ làm vốn để sản xuất.
Mô hình tích lũy và tương trợ trong Hội thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, được nhiều hội viên đồng tình ủng hộ. Đó là Đội Bốc xếp (30 thành viên), tiết kiệm tiêu dùng hằng ngày, mỗi đội viên đóng 10.000 đồng vào Quỹ tương trợ, đến cuối năm, mỗi đội viên tích lũy được 3.600.000 đồng để mua sắm Tết.
Một điều nữa, khi nhắc đến lương y Lê Minh Hòa, mọi người đều không quên những ngôi nhà tình thương, tình nghĩa do chính ông vận động xây nên. Trường hợp của anh Ngô Đắc Thọ, ở khóm 7 là một ví dụ. Trước đây, vợ chồng nghèo, anh Thọ không có nhà cửa ổn định, thường xuyên nhậu nhẹt, không quan tâm đến gia đình, hàng xóm láng giềng chê cười, ghét bỏ.
Lương y Lê Minh Hòa ngoài việc khuyên bảo, động viên còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cất nhà cho anh. Có chỗ che nắng, che mưa, giờ đây anh Thọ đã chí thú làm ăn, giảm rượu chè, gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Không những thế, anh Thọ còn được lương y Lê Minh Hòa nhận vào làm đội viên Đội xung kích tình nguyện của phường, tạo công ăn, việc làm, cuộc sống giờ đã dần ổn định.
Cùng với các hoạt động trên, mỗi năm lương y Lê Minh Hòa còn vận động khám chữa bệnh nhân đạo cho người nghèo, trẻ em, người cao tuổi với số tiền hàng trăm triệu đồng… Có thể thấy, đằng sau mỗi việc làm ý nghĩa trên đều để lại “dấu ấn” của lương y Lê Minh Hòa. Năm 2005, ông vinh dự được đi báo cáo điển hình tiên tiến tại Thủ đô Hà Nội và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Với tấm lòng tận tụy với bệnh nhân, sống có trách nhiệm với công việc, hết lòng với xã hội, lương y Lê Minh Hòa xứng đáng được mọi người nể trọng.