52% chi phí chi trả từ tiền túi người dân
Cũng theo TS Vega, mặc dù độ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) tại Việt Nam đạt 63% dân số nhưng mức chi trả trực tiếp từ tiền túi người dân hiện nay quá cao, chiếm tới 52% so với tổng chi tiêu y tế. “Qua khảo sát tại 33 quốc gia có mức thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam, cho thấy tỷ trọng chi phí từ tiền túi người dân Việt Nam là quá cao. Ở các nước phát triển, tỷ trọng này thấp hơn nhiều” – TS Vega chia sẻ.
Cũng theo TS Vega, nếu không có những giải pháp cụ thể để giảm chi phí trực tiếp từ tiền túi người dân sẽ đẩy những người nghèo mắc bệnh vào cảnh nghèo hơn. Tại Việt Nam, đang diễn ra sự bất bình đẳng về hưởng thụ dịch vụ khám chữa bệnh (KCB), người giàu sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ tốt hơn, còn người nghèo ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hiệu quả.
TS Vega cũng đưa ra đề xuất: khi thực hiện BHYT toàn dân cũng cần tính đến sự đảm bảo cả của cung và cầu. Về phía cung- cơ sở y tế- cần phải nêu rõ những dịch vụ y tế nào sẽ được sử dụng cho người có thẻ BHYT. Về phía cầu – người hưởng dịch vụ – cũng cần làm rõ đối tượng được hưởng lợi là ai.

Trẻ đang được điều trị sốt xuất huyết tại BV Nhi Đông 2, TP.HCM.
Ảnh: PNO
“Chúng ta cần phải thực hiện chính sách y tế thế nào để việc chi trả tiền trực tiếp từ tiền túi người dân giảm xuống chỉ còn 20-30%. Việt Nam đang triển khai việc hỗ trợ mệnh giá thẻ BHYT cho các đối tượng cụ thể là chính sách rất tốt. Nhưng việc cấp thẻ này khó thực hiện khi nhiều người dân không sẵn sàng, hay không có điều kiện cùng chi trả để mua thẻ BHYT. Cho nên, một mô hình kinh nghiệm ở nhiều nước là nên đưa dịch vụ KCB về bằng không (0), tức là các đối tượng đặc biệt sẽ được miễn phí. Vì hiện nay có sự dịch chuyển dân cư từ vùng này sang vùng khác nên việc sử dụng thẻ KCB BHYT cũng gây nhiều khó khăn cho ngời dân” – TS Vega nói.
Người dân đang chịu cảnh “bán gì mua nấy”
TS Vega cũng đề xuất nên loại bỏ hệ thống y tế hai tầng. Tức là có thể đảm bảo chuẩn chất lượng như nhau ở khu vực y tế công và tư về chi phí tài chính nhằm tránh có một hệ y tế hai tầng cấp, dễ gây ra sự bất công trong hưởng dịch vụ y tế của người dân.

Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại một BV ở TP.HCM.
Ảnh: PNO
Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), vấn đề chi trả dịch vụ y tế từ tiền túi người dân còn quá cao là một thực tế của ngành y tế Việt Nam. Trong khi đó, việc bảo vệ tài chính đối với đối tượng được BHYT còn rất thấp. Vì mức đóng BHYT hiện nay còn thấp nên người có thẻ BHYT được hưởng dịch vụ chưa cao.
“Ví dụ, hiện người dân vào bệnh viện dùng dịch vụ y tế nào sẽ phải trả tiền theo phí của dịch vụ đó. Cho nên, tại các bệnh viện có hiện tượng lạm dụng các xét nghiệm, người dân đành phải cùng chi trả thêm cho các dịch vụ đó, tăng mức chi trả từ tiền túi” – TS Long chia sẻ tại Hội thảo.
TS Long cũng cho biết, hiện việc cung cấp dịch vụ y tế tại Việt Nam theo kiểu “bán gì mua nấy” – tức là bệnh viện có dịch vụ gì thì người dân chấp nhận dịch vụ đó, chứ chưa có sự yêu cầu dịch vụ từ phía người dân. Giải pháp mà TS Long đưa ra là cần có một cơ chế như các nước phát triển là chi trả trọn gói, hoặc chi trả theo bệnh lý để tránh việc lạm dụng các xét nghiệm, dịch vụ và thuốc điều trị.
TS Vega cũng cho rằng, để thực hiện công bằng trong KCB thì cần xây dựng và thực hiện các cơ chế thanh toán từ phía cơ sở y tế như quy định thanh toán định xuất và theo nhóm chẩn đoán để tính phí KCB.