Trang chủ » Tin tức » Y tế » Thêm 2 vụ “tố” Bệnh viện FV: Mổ gây chết người

Thêm 2 vụ “tố” Bệnh viện FV: Mổ gây chết người

Mổ xương đùi cũng tử vong

Chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết gia đình chị chưa hết bàng hoàng sau cái chết của người mẹ sau khi điều trị tại Bệnh viện FV cách nay 2 tháng. Đó là cụ Nguyễn Thị Ngoạt (SN 1936) nhập Bệnh viện FV ngày 29-5 và được chẩn đoán gãy xương đùi trái. Các bác sĩ điều trị theo hướng mổ bắt vít. Tuy nhiên, do cụ Ngoạt có bệnh sử tiểu đường và men gan cao nên người nhà lo lắng báo lại cho phía Bệnh viện FV biết, nhưng được các bác sĩ trấn an là nằm trong tầm kiểm soát.Ngày 30-5, cụ Ngoạt được đưa lên bàn mổ. Sáng ngày 1-6, cơ thể cụ Ngoạt xuất hiện những triệu chứng bất thường như ói, sốt cao, tăng huyết áp, đau bụng, nói sảng…

“Sau đó bụng mẹ tôi trương to, khó thở. Các điều dưỡng nói do tắc phân nên tháo phân ra. Nhưng ngay sau đó thì mẹ tôi rơi vào hôn mê” – chị Thủy trình bày trong đơn. Trước tình trạng sức khỏe của cụ Ngoạt, các bác sĩ Bệnh viện FV đã cho làm một loạt các xét nghiệm để tìm cách chạy chữa nhưng cuối cùng cụ cũng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16-6.

“Mẹ tôi nhập viện để chữa trị do té gãy xương đùi với tình trạng sức khỏe tốt, nhưng sự tắc trách, cẩu thả, thiếu trách nhiệm của các bác sĩ Bệnh viện FV đã dẫn đến sức khỏe của mẹ tôi nguy kịch” – chị Thủy bức xúc… Trước áp lực khiếu nại về cái chết oan ức của cụ Ngoạt, ngày 24-8 vừa qua, Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV, bác sĩ Gerard Desvignes, đã có công văn trả lời cho chị Thủy rằng việc phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi trên một bệnh nhân lớn tuổi là một phẫu thuật khẩn cấp.

Theo Bệnh viện FV, mặc dù đã được điều trị, nhưng tình trạng nhiễm trùng máu khởi phát từ đường tiểu đã dẫn đến hậu quả. “Tình trạng nhiễm trùng này, do kháng kháng sinh trên một bệnh nhân bị tiểu đường (và do đó dễ bị nhiễm trùng) đã dẫn đến suy đa cơ quan (phổi, thận, gan) và đây là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của bệnh nhân, bất chấp những nỗ lực điều trị của bác sĩ” -công văn phúc đáp của Bệnh viện FV cho biết.

Tương tự, ông Lê Văn Vui (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cũng vừa có đơn gửi Báo SGGP cho biết sự thiếu trách nhiệm và kém chuyên môn của một số y bác sĩ ở Bệnh viện FV đã gây ra cái chết cho mẹ mình là bà Nguyễn Thị Cận hồi năm 2011.

“Hiện gia đình tôi vẫn theo đuổi vụ kiện Bệnh viện FV liên quan cái chết của mẹ tôi từ năm ngoái đến nay” – ông Vui trình bày. Theo ông Vui, ngày 24-2-2011, bà Cận (SN 1935) nhập Bệnh viện FV vì bị gãy xương đùi. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị suy thận mạn, từng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông Vui đã báo cho phía Bệnh viện FV nhưng bệnh viện khẳng định bảo đảm vừa chạy thận vừa chữa gãy xương mà không cần qua Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận.

Tuy nhiên, trong thời gian điều trị tại Bệnh viện FV, tình trạng suy thận của bà Cận ngày càng nặng, bị ứ dịch, đưa đến biến chứng viêm phổi và tử vong. Về trường hợp này, kết luận của Hội đồng Chuyên môn Sở Y tế TPHCM nêu rõ: “Bệnh viện FV có thiếu sót trong quá trình điều trị do các bác sĩ điều trị thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh (sau phẫu thuật) có bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo định kỳ”. 

Mổ lấy sỏi thận cũng chết

Sở Y tế TPHCM cũng vừa nhận thêm đơn tố cáo Bệnh viện FV gây ra cái chết cho một bệnh nhân 70 tuổi sau khi mổ nội soi lấy sỏi ở bệnh viện này. Theo đơn phản ánh của anh Trang Kim Hỷ (ngụ TPHCM), ngày 2-5, cha anh là ông Trang Sỹ Nhỏ (70 tuổi) được gia đình đưa vào Bệnh viện FV để điều trị do đau vùng thắt lưng, kèm theo suy hô hấp và nhiễm trùng máu. Do bị sỏi thận nên sau khi điều trị ổn các bệnh trên, ông Nhỏ được các bác sĩ Bệnh viện FV chỉ định mổ nội soi lấy sỏi. 

Tuy nhiên, đến 12-5 sức khỏe ông Nhỏ trở lên suy sụp, khó thở và mất 2 ngày sau đó.

Theo công văn từ bộ phận tiếp thị và phát triển kinh doanh của Bệnh viện FV gửi cơ quan báo chí phản hồi liên quan cái chết của ông Nhỏ thì bệnh nhân Trang Sỹ Nhỏ đến khám tại bệnh viện ngày 1-5 được chẩn đoán “đau quặn thận do sỏi niệu quản phải”. Ngày 2-5, bệnh nhân Nhỏ nhập viện để điều trị và theo dõi sát liên tục với lý do sốc nhiễm trùng, viêm đài bể thận, sỏi niệu quản phải, viêm phổi nặng. Các kết quả vi trùng học (cấy máu và nước tiểu) dương tính với E.coli, nhạy cảm với các kháng sinh đang sử dụng.

Ngày 8-5, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi qua đường tiểu tự nhiên để đặt ống thông dẫn lưu nước tiểu nhiễm trùng từ thận phải và có thể lấy sỏi niệu quản gây bế tắc… “Tuy nhiên, từ ngày 12-5 đến 14-5, bệnh nhân có các triệu chứng sốc nhiễm trùng do viêm phổi nặng bùng phát trở lại, có biểu hiện trụy mạch và suy hô hấp…”- công văn cho biết. Sau đó gia đình đã đưa bệnh nhân Nhỏ về nhà và tử vong trong ngày 14-5.

Trước những trường hợp đáng tiếc nói trên, dư luận đang đặt nghi vấn quanh năng lực chuyên môn và trách nhiệm của Bệnh viện FV! Với những bức xúc từ thân nhân người bệnh, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kịp thời và khách quan để có những kết luận rõ ràng, minh bạch. Qua đó cũng để nâng cao chất lượng khám, điều trị và uy tín cho bệnh viện.
 

Gửi thảo luận