Trang chủ » Tin tức » Y tế » Người Việt cao hơn, béo hơn trước nhưng không khỏe

Người Việt cao hơn, béo hơn trước nhưng không khỏe

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010 của Viện Dinh dưỡng, so với cách đây 35 năm, người Việt trưởng thành đã cao hơn 4cm, khi chiều cao trung bình đạt 164,4cm ở nam và 153,4cm ở nữ. Với nhóm trẻ dưới 1 tuổi, chiều cao cũng đã tăng thêm 1,4cm đối với bé trai và 1,8cm đối với bé gái so với cách đây 10 năm. Ở tuổi lên 3, chiều cao trung bình cũng tăng hơn 2cm.

Mặc dù, chiều cao tăng chậm hơn so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản nhưng rõ ràng chiều cao của người Việt đã được cải thiện. Tuy nhiên, trong khi chiều cao tăng thì đáng lẽ sức khỏe phải tăng nhưng chiều cao và sức khỏe của người Việt lại đang tỷ lệ nghịch với nhau, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tuổi 17 không “bẻ gãy sừng trâu”

Một minh chứng rất rõ rệt, đối với học sinh lứa tiểu học, nếu cách đây khoảng 20 năm, có thể làm được rất nhiều việc liên tiếp mà không biết mệt mỏi như quét nhà, lau nhà, dọn dẹp nhà cửa, trồng rau, xới cỏ ở vườn trường… theo chủ trương kế hoạch nhỏ của nhà trường… Thì hiện nay, đối với lứa học sinh này, nói ngoa một chút là “bê” cọng rau muống cũng thấy mệt, uể oải không muốn làm, mặc dù được ăn uống nhiều hơn, vóc dáng “vâm” hơn.


Hay một việc rất đơn giản vẫn nằm trong giới hạn “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” như trực nhật lớp gồm lau bảng, quét lớp… học sinh tiểu học hiện nay khó mà làm được, hoặc nếu làm cũng theo kiểu “ăn thật làm giả” vì… mệt. Trong khi, trước kia, học sinh… làm tuốt, mà còn làm trong “hào khí” nhiệt tình, vui vẻ, sung sức…

Cách đây hơn 20 năm, học sinh THPT thường phải đi lao động công ích với hình thức đào mương, kênh ở quy mô nhỏ cho vùng ngoại thành Hà Nội, hoặc phạt cỏ và làm sạch cho một vùng đất trước khi trồng màu. Hồi đó, học sinh gần như “khủng” nhất trường cũng chỉ nặng 51kg, cao khoảng 1,68m, thuộc “hàng hiếm” của trường. Lớp tôi ngày đó có một bạn như thế, cho đến bây giờ mỗi lần họp lớp, gặp lại nhau, chúng tôi vẫn gọi vui anh bạn đó với biệt danh “51 cân”.

Chúng tôi toàn học sinh nội đô, vẫn được coi là “cậu ấm cô chiêu” chưa bao giờ biết đến cái liềm, cái hái, cuốc đất be bờ… lao động quần quật suốt 2 ngày liền. Thế mà đến xẩm tối trở về, chúng tôi vẫn đạp chiếc xe tòng tọc khoảng 20 cây số để về nhà, vẫn cười nói vui vẻ như vừa trở về từ một cuộc dạo chơi, picnic hơn là đi lao động dốc hết sức lực… Đúng là “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”, cho dù so với lớp thế hệ cha anh, sức lao động của chúng tôi chẳng “thấm tháp” vào đâu.

Còn bây giờ, học sinh THPT cao to hơn chúng tôi hồi đó nhiều. Có thể thấy không ít em cao đến 1,7-1,8m, to như “khủng long”, nhưng có khi quét nhà cũng không nổi, dọn xong mâm cơm là kêu mệt… Chuyện này, nhất là những bà mẹ gặp nhau sau mỗi lần họp phụ huynh bao giờ cũng than phiền. Dường như các em ăn nhiều hơn cả về lượng và chất so với học sinh cùng lứa thế hệ trước, nhưng lại không khỏe, không “bẻ gãy nổi sừng trâu” dù đang ở lứa tuổi được ví von ấy.

Ăn nhiều nhưng vẫn suy dinh dưỡng

Theo TS Lê Danh Tuyên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, từ năm 1985 đến nay, mức năng lượng khẩu phần ăn không thay đổi đáng kể nhưng cơ cấu sinh năng lượng lại thay đổi. Cách đây 10 năm, protein chỉ chiếm 11% năng lượng thì nay đã tăng lên mức hơn 15%. Đặc biệt, lượng lipit đã tăng lên gấp đôi, khi trung bình một người mỗi năm ăn khoảng 30,2kg thịt. Điều này cho thấy, người Việt ăn ngày càng nhiều chất đạm, hơn hẳn Hàn Quốc chỉ ăn khoảng 26,6kg thịt.

Trong khi đó, rau xanh, hoa quả mỗi người chỉ ăn 160g, chỉ bằng 50% so với khuyến cáo của ngành y tế. Mà không phải khi trưởng thành mà ngay từ khi lọt lòng, nhiều trẻ em Việt Nam đã được nuôi dưỡng mất cân bằng như vậy. Trong khi các nhà khoa học đã tính 5 năm đầu đời là khoảng thời gian nuôi dưỡng nền tảng, quyết định hình thể và thể chất trong tương lai của các em. PGS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nhận định: “Hiện nay, khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng về năng lượng, canxi, sắt và các vitamin nhóm B, mặc dù các em được nhồi nhét ăn rất nhiều”.

Cụ thể theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 34% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, khoảng 30% trẻ em bị thiếu kẽm, 34% thiếu sắt. Và nguyên nhân không gì khác là do cha mẹ nuôi sai cách, cứ nghĩ rằng, cho con ăn nhiều thịt, nhiều đạm là tốt… Tính ra, chế độ ăn uống của các em mới chỉ đạt 30-50% so với nhu cầu thực hằng ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng nhận định: “Đây chính là nguyên nhân khiến cho người Việt không khỏe, đồng thời làm cho tốc độ phát triển về chiều cao chậm hơn so với các quốc gia láng giềng khác. Chẳng hạn, như Thái Lan hay Trung Quốc, cứ 10 năm, chiều cao trung bình của người dân tăng 2cm. Trong khi đó, nước ta chỉ khoảng 1cm.

Không thể không kể ra đây một nguyên nhân nữa cũng đang được nhận định: Làm cho “lượng và chất” của người Việt tỷ lệ nghịch với nhau ấy là nguồn dinh dưỡng đưa vào cơ thể. Trước đây, ví dụ như lợn, nếu được nuôi thủ công với nguồn thức ăn sạch, chủ yếu cám bã được làm từ ngô, sắn, bã bia, thức ăn thừa… thì khi xuất chuồng, lợn cho thịt rất ngon, bảo đảm chất lượng, mang lại dinh dưỡng sạch cho con người.

Thế nhưng ngày nay, không những được nuôi bằng cám công nghiệp mà lợn còn được cho sử dụng thuốc tăng trọng, thậm chí siêu tốc, chỉ khoảng 2-3 tháng là xuất chuồng. Cho nên thịt lợn ấy thay vì đảm bảo về dinh dưỡng, mang lại sức khỏe cho con người, ngược lại, còn mang mầm bệnh đến cho người tiêu dùng. Rau, hoa quả cũng vậy, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất thấm đẫm trong sản phẩm mà vừa rồi cơ quan chức năng phát hiện và công bố rộng rãi, đặc biệt là đối với hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Với nguồn “bổ dưỡng” như vậy, thì thử hỏi khi ăn vào, có thể giúp cơ thể con người bảo đảm về “chất” được không?

Hiện nay vấn đề lớn nhất trong chuyện này là giải quyết vệ sinh an toàn thực phẩm như thế nào để bảo đảm sức khỏe cho con người. Câu trả lời dường như vẫn bị bỏ ngỏ và vì vậy không còn cách nào khác, người tiêu dùng vẫn phải tiêu thụ thực phẩm bẩn, phó mặc sinh mệnh cho… số phận!

Lý giải vì sao tuổi trưởng thành của người Việt cao to hơn trước nhưng không khỏe, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội cũng đưa ra một nguyên nhân rất thuyết phục, đó là ý thức lao động của học sinh hiện nay đang bị triệt tiêu bằng những việc nhỏ nhất như trực nhật trường, lớp. Vì hiện nay, công tác vệ sinh đang được nhà trường và phụ huynh học sinh thuê nhân công làm với lý do để học sinh tập trung vào mỗi việc học. Mà lao động thì kết quả của nó là sức khỏe, là vinh quang… Nếu triệt tiêu nó, nghĩa là triệt tiêu phần nào hệ quả đó. Bởi vậy, theo ông Thống, phải khôi phục lại công việc trực nhật này cho học sinh để các em có ý thức, rèn luyện lao động trong phạm vi “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.

Giải pháp “hai bánh xe”

Cùng với đó, PGS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo: Để nuôi trẻ một cách khoa học và đầy đủ dinh dưỡng nhằm tránh tình trạng thừa cân, ăn nhiều nhưng vẫn suy dinh dưỡng nên cho trẻ ăn đúng bữa, không ăn vặt, bánh, kẹo trước bữa ăn… Tập cho trẻ thói quen uống nước kể cả khi không khát với lượng khoảng 1 lít/ngày. Nên chia làm 4 bữa trong ngày, trong đó, 3 bữa chính và 1 bữa phụ để trẻ hấp thụ thức ăn tốt. Trong những bữa chính phải đủ 4 món cân đối: cơm (cung cấp năng lượng), rau, quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và xơ), trứng hoặc cá, thịt (cung cấp chất đạm, béo), canh (cấp nước) và các chất dinh dưỡng bổ sung.

Đối với trẻ đã bị suy dinh dưỡng, PGS Nguyễn Thị Lâm nói thêm: “Xây dựng chế độ ăn dựa trên nguyên tắc: tăng dần từ 90-150Kcalo/kg/ngày, tăng dần lượng Protein từ 2g/kg đến 5, 7g/kg/ngày. Protein nên dùng các loại có nguồn gốc động vật như trứng, thịt, cá…

Còn theo GS.TS Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao đồng thời là tác giả của “Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” không những để chiều cao mà cả về thể lực, sức bền bỉ của người Việt phát triển hơn nữa, nhất thiết phải kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học với thể dục thể thao, như người Nhật đã từng thực hiện để cải thiện chiều cao, sức khỏe của mình. Ông ví von đây là “hai bánh xe” để nâng cao hình thể và thể trạng của người Việt.

Gửi thảo luận