Sau khi nộp hồ sơ dự thi, “thủ tục” đầu tiên tớ phải làm là kiểm tra hình thể. Khi bước vào phòng, tớ “choáng toàn tập” khi có đến 8 chuyên viên nhân trắc học yêu cầu tớ “không được mặc gì”.
Sau khi lấy số đo ba vòng, tớ tiếp tục bị “soi” xem da có bị rạn không, tay chân có thẳng không, mặt mũi có chỉnh sửa không… Màn kiểm tra này kéo dài 15 phút. Ở màn kiểm tra này, một số thí sinh đã bị loại vì bị phát hiện “có dấu hiệu dao kéo”.
Chưa hết, sau khi đo xong, các thí sinh được BTC mời ra nói chuyện thân tình. Sau này tớ biết rằng, buổi trò chuyện này là cách để BTC kiểm tra giọng nói của các thí sinh.
Khi ra Đà Nẵng thi chung kết, các thí sinh phải kiểm tra hình thể lần nữa. Lần kiểm tra này, ngoài việc đảm bảo “chất lượng” thí sinh, BTC cũng “ngầm” tìm hiểu xem các thí sinh có biết cách giữ dáng không (thực tế, có nhiều thí sinh tăng cân khi đi thi).
Sau đó, tất cả được yêu cầu để mặt mộc đi gặp BGK. Đây là lần đầu và duy nhất, tớ được thấy gương mặt không son phấn của các bạn. Bạn có tưởng tượng được không, BGK có đến 10 người, và tớ có đến… 3 phút (có đi thi, bạn mới biết 3 phút dài như thế nào) để trò chuyện với từng vị.
Hóc búa nhất là câu hỏi của giám khảo Bùi Bích Phương, khi chị ấy hỏi tớ về… Lê Văn Luyện. Sau khi thi xong, tớ mới biết các bạn khác cũng đụng những vấn đề khó không kém mình.
Nào đã xong, trước chung kết 2 ngày, tụi tớ lại được “mời” lên nói chuyện cùng BGK lần nữa. Khác lần trước, lần này tụi tớ phải “đối mặt” cùng lúc cả 10 vị giám khảo. Ra khỏi phòng, tớ vẫn chưa hoàn hồn lại được.
Khi thi Hoa hậu, không chỉ thí sinh bị “xoay”, người thân của tớ cũng bị “điều tra” liên tục. Lúc tớ ra Đà Nẵng, mẹ bảo có rất nhiều chú công an đến nhà để hỏi về nhân thân của tớ (khỏi phải nói, ba mẹ tớ đã vô cùng hoảng hốt). Sau đó, họ còn trở lại vài lần nữa.
Thi Hoa hậu là phải cười
Đó là “luật bất thành văn” khi thi Hoa hậu, nếu bạn không muốn làm mình “mất điểm”. Dù mệt mỏi, kiệt sức, bạn phải giữ sao cho gương mặt mình lúc nào cũng trong trạng thái tươi tỉnh nhất có thể.
Ngay cả khi ăn, bạn cũng tỏ ra thật duyên dáng, lịch lãm. Ngày đầu, do làm việc mệt, tớ ăn khá nhiệt tình. Khi một bạn thí sinh chạy ra “nhắc khéo”, tớ mới biết. Không chỉ làm việc, giám khảo còn “soi” thí sinh cả trong lúc ăn.
Để chuẩn bị cho một ngày ghi hình, thí sinh phải thức dậy từ 3 giờ sáng để trang điểm, làm tóc. Đúng 5 giờ, xe sẽ đưa các ứng cử viên hoa hậu di chuyển ra địa điểm quay, rồi làm việc liên tục trong nhiều giờ liền.
Để có những góc máy hoàn hảo nhất, tớ đã phải chạy đi chạy lại trên bãi biển hàng chục lần. Hay như cảnh cả 40 thí sinh đứng xếp thành chiếc vương miện, cả ê kíp phải dang nắng nửa ngày trời.
Sau nhiều ngày “trực chỉ” bãi biển, da thí sinh nào cũng đen nhẻm, mụn nổi lên chi chít… Đó là chưa kể, những cảnh quay ngoài trời nắng dễ khiến thí sinh kiệt sức, có bạn không chịu nổi đã ngủ gục trên ghế.
Riêng tớ nhớ nhất là cảnh ghi hình trên đỉnh núi Bà Nà lúc sáng sớm. Trời lạnh, cả nhóm ăn mặc rất phong phanh nhưng khi máy quay chĩa đến, đứa nào cũng toét miệng cười. Xong cảnh quay, cả đám ôm nhau cho đỡ lạnh. Những ngày thi Hoa hậu, được ngủ là một giấc mơ xa xỉ của bọn tớ.
Trở về từ cuộc thi, dù vất vả nhưng tớ thấy mình “lời” được nhiều điều. Quan trọng hơn hết, tớ thấy mình tự tin và đẹp lên rất nhiều.
Phan Thị Thảo chụp ảnh với tân Hoa hậu Việt Nam 2012.
Tân Hoa hậu trong mắt Phương Thảo
Những ngày đầu, chị Thảo gây ấn tượng đặc biệt bởi cách đi đứng, nói năng duyên dáng, chừng mực. Những buổi ghi hình, dù mệt mỏi nhưng gương mặt chị lúc nào cũng rạng rỡ, tươi cười.
Sau các buổi tập, chị thường nán lại chỉ cho tớ cách đi đứng, tạo dáng. Nhiều thí sinh đã “đặt cược” vào khả năng đăng quang của chị, nhất là các chuyên viên trang điểm (họ có kinh nghiệm dẫn thí sinh đi thi nên nhìn người rất chính xác).
Phạm Thị Phương Thảo (top 40 Hoa hậu Việt Nam 2012)
Theo Mực Tím