Thời Ai Cập cổ đại, hay Trung Quốc cổ đại, mặt trăng đã có một vai trò đầy bí ẩn trong đời sống của con người. Vào thế kỷ thứ 17, nhiều nhà nghiên cứu đã quả quyết rằng, mặt trăng có một sức mạnh kỳ lạ, nó tác động đến bệnh tật của não bộ, đặc biệt là chứng mất trí nhớ của con người.
Theo các nhà khoa học thuộc Trường đại học Leed, Vương quốc Anh thì trong khoảng thời gian 5 đến 6 ngày diễn ra hiện tượng trăng tròn, số lượng các ca chấn thương phải nhập viện thường tăng đột biến (hơn 30.000 ca so với những ngày bình thường). Theo thống kê của cảnh sát thành phố Leed, các vụ bạo lực, tội phạm, và các trường hợp tạm giữ cũng tăng lên khoảng 1.200 vụ so với những ngày bình thường. Rõ ràng là có một sự liên quan đặc biệt nào đó giữa thời gian xảy ra hiện tượng trăng tròn và hành vi có tính bất thường của con người.
Các nhà khoa học Canada và Trung Quốc lại phát hiện thấy sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ là có liên quan đến chu kỳ của mặt trăng. Tuy nhiên, lý do tại sao lại xảy ra những ảnh hưởng tới sức khỏe, thái độ và tính cách của con người thì các nhà khoa học nước này không giải thích được cho tới khi các chuyên gia thuộc Trường đại học California, Mỹ phát hiện ra rằng, có một tác động giữa ánh sáng từ mặt trăng tới sức khỏe con người. Họ đưa ra giải thích là: Những ngày trăng tròn, ánh sáng của ánh trăng đã tác động đến giấc ngủ của con người, gây tình trạng thiếu ngủ trong suốt thời gian có trăng, và điều này ít nhiều đã tác động đến hệ thần kinh, dẫn đến những thái độ và hành động bất thường. Giải thích thứ hai được đưa ra dựa trên lý thuyết của khoa học về sự ảnh hưởng từ sức hút mặt trăng đối với chất lỏng trên trái đất (đây là lý thuyết được dùng để giải thích cho hiện tượng thủy triều thường lên cao vào những đêm trăng). Theo đó, sức hút từ mặt trăng ít nhiều đã tác động đến hệ thần kinh của con người (cụ thể là chất dịch trong một phần của não – hypothalamus – phần não kiểm soát thái độ và hành vi) và gây ra các cảm giác rất khó chịu cũng như sự thay đổi về nhiệt độ và giấc ngủ. Hiện tượng này còn có tên gọi khác như “thủy triều máu” hay “thủy triều sinh học” trong não của con người. Đây là nguyên nhân khiến cho sự lưu thông của máu trong não bị thay đổi, gây ra những tác động có thể dẫn tới sự rối loạn, mất thăng bằng trong chức năng kiểm soát hành vi của não bộ, từ đó dẫn tới những hành vi bất thường của con người, khiến họ gặp phải những tai nạn bất ngờ, cũng có thể khiến xảy ra các tình huống nghiêm trọng hơn như: tâm thần bất ổn, điên loạn, tự tử, phạm tội…
Không chỉ tác động lên con người, mặt trăng còn có những ảnh hưởng kỳ lạ lên các loài động vật. Hầu như động vật đều trở nên hung dữ và thay đổi bất thường vào những ngày xuất hiện trăng tròn. Những vết thương hoặc tình trạng bệnh ở những loài vật nuôi gần gũi nhất với con người như chó mèo… cũng trở nên nghiêm trọng hơn trong suốt khoảng thời gian này. Trong nghiên cứu, điều này đã được kiểm chứng với 11.940 trường hợp ở Trung tâm khám chữa bệnh vật nuôi thuộc bang Colorado, Mỹ. Trong suốt những ngày trăng tròn, tại các phòng cấp cứu dành cho vật nuôi, số lượng các con vật rơi vào tình trạng sức khỏe nghiêm trọng tăng lên tới 23% (đối với mèo), và 28% (đối với chó). Các loại bệnh phổ biến thường tập trung vào các bệnh liên quan đến tim mạch, thần kinh hoặc các chấn thương. TS. Reagan Wells – người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho rằng, có một mối liên hệ vô hình giữa quãng thời gian này trong tháng và những con vật, mà con người chưa thể khám phá ra. Các nghiên cứu về những bí ẩn của hiện tượng trăng tròn và mối liên quan của nó là cả một quá trình đã tồn tại từ lâu trong lịch sử các cuộc tìm kiếm và giải đáp của khoa học.
Ngoài những tác động đối với sức khỏe, mặt trăng còn được xem như nguyên nhân gây ra các thảm họa thiên nhiên. Không phải ngẫu nhiên, mà trong dân gian lại tồn tại quan niệm cho rằng, nguyệt thực là một điềm báo không may mắn. Đã có không ít thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán xảy ra trong những năm xuất hiện nguyệt thực.
Không ít giả thuyết đã được đưa ra xung quanh các hiện tượng bất thường xảy ra vào những đêm trăng tròn. Theo thuyết âm dương ngũ hành của người Trung Quốc, thì trong những đêm trăng rằm, khí âm (lạnh) xuất hiện và phân bố không đồng đều trên bề mặt trái đất. Và sự mất cân bằng giữa hai yếu tố âm – dương chính là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng tâm sinh lý ở con người, nhất là trong thời gian xảy ra nguyệt thực, mặt trăng che kín toàn bộ ánh sáng của mặt trời nên nhiệt độ và ánh sáng mặt trời (khí dương) bị giảm xuống đột ngột. Ngoài ra, sức hút từ mặt trăng vào những thời điểm đó lên đến cực điểm và có những biến đổi rất bất thường gây ra những kích thích địa chấn, gây biến đổi nhiều yếu tố của thời tiết, do đó tác động và gây nhiều thảm họa cho con người trên trái đất.