Đề án này đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm giải quyết những tồn tại trong việc khám chữa bệnh. Ông NGUYỄN HÙNG VĨ – phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang – cho biết:
– Đề án này sau khi được phê duyệt sẽ triển khai thực hiện ngay, trước khi áp dụng viện phí mới (khoảng tháng 10).
* Muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phải nhận diện rõ thực trạng của các cơ sở y tế trong tỉnh hiện nay. Thực trạng đó là gì, thưa ông?
– Đó là tình trạng quá tải tại khoa khám bệnh và khu điều trị nội trú của một số bệnh viện tuyến tỉnh. Do quá tải nên bệnh viện phải kê thêm giường ngoài hành lang, hai người bệnh phải nằm một giường… làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ bệnh nhân. Trong khi đó, phần lớn bệnh viện tuyến huyện và xã hoạt động chưa hết công suất, gây lãng phí.
Tiền Giang chỉ mới đạt 4,87 bác sĩ/10.000 dân (chỉ tiêu là 7 bác sĩ/10.000 dân), hiện còn thiếu tới 372 bác sĩ. Riêng các trạm y tế chỉ mới có 144/169 xã, phường có bác sĩ.
* Đó có phải là nguyên nhân dẫn đến tinh thần, thái độ phục vụ của y, bác sĩ chưa tốt khiến bệnh nhân than phiền?
– Quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt là quá tải khám chữa bệnh ban đầu đối với bệnh nhân diện bảo hiểm y tế (BHYT), dẫn đến y, bác sĩ phục vụ quá sức, phục vụ bệnh nhân chưa được tốt như mong muốn. Khảo sát thực tế của Sở Y tế cho thấy người bệnh phần nhiều phàn nàn về thái độ phục vụ của nhân viên y tế khi đến khám chữa bệnh ban đầu ngoại trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Còn tuyến huyện thì đỡ hơn. Như vậy, bài toán cần giải quyết ở đây là làm sao thuyết phục người bệnh diện BHYT vui vẻ đăng ký và thực hiện khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến cơ sở mà không đổ dồn về bệnh viện tuyến tỉnh.
* Ông nói Tiền Giang sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trước khi tăng viện phí. Cụ thể là sẽ làm gì?
– Chúng tôi đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế. Chúng tôi cũng sắp xếp lại đội ngũ và trang thiết bị y tế để làm sao phát huy được hết khả năng phục vụ bệnh nhân.
Tại khoa khám bệnh sẽ tăng cường nhân lực để khám trong những ngày, giờ cao điểm. Chấn chỉnh tình trạng khám qua loa và không tư vấn cho người bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức bộ phận tiếp đón chuyên nghiệp, hướng dẫn chu đáo cho người bệnh các thủ tục đến khám, nhập viện hoặc phải chuyển viện.
Các khoa điều trị nội trú cũng cắt giảm quy trình, thủ tục không cần thiết và gây phiền hà cho người bệnh. Hạn chế tối đa tình trạng bố trí 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường. Đặc biệt sẽ thực hiện khám chữa bệnh hẹn giờ và ký hợp đồng với bác sĩ các phòng khám tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã, phường.
* Xin ông nói rõ hơn về việc khám chữa bệnh hẹn giờ?
– Cách làm này đang được thí điểm ở một số bệnh viện, kết quả rất tốt. Bệnh viện công bố số điện thoại, bệnh nhân sẽ gọi hẹn giờ đến khám, đặc biệt là người già. Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả bệnh viện phải làm công việc này ngay trong tháng 9.
* Việc ký hợp đồng với phòng khám tư nhân để khám chữa bệnh cho bệnh nhân diện BHYT thì sao?
– Toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 600 bác sĩ có phòng khám ngoài giờ ở rải rác khắp các xã, phường. Trong khi đó hiện nay phần lớn người dân có thẻ BHYT không thiết tha đến khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế xã, phường theo quy định vì họ thiếu tin tưởng về chất lượng… Trong việc khám chữa bệnh, yếu tố chẩn đoán đúng bệnh là quan trọng nhất.
Các bác sĩ có phòng khám ngoài giờ phần lớn công tác ở các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh, có nhiều kinh nghiệm nên thu hút bệnh nhân khá nhiều. Do đó chỉ cần mời gọi chừng 400 bác sĩ này hợp đồng với các trạm y tế xã, phường để khám chữa bệnh cho bệnh nhân diện BHYT thì bệnh nhân sẽ chấp nhận và không còn đổ dồn về tuyến trên nữa.
* Ông nói rõ hơn về cách làm?
– Ngành y tế sẽ ký hợp đồng với các bác sĩ có phòng khám tư nhân trên địa bàn xã, phường. Các phòng khám này sẽ nhận khám bệnh ban đầu cho bệnh nhân có thẻ BHYT bất kể trong hay ngoài giờ hành chính. Bệnh nhân phải trả thêm tiền công khám bệnh chênh lệch giữa giá BHYT thanh toán và giá của phòng khám đó. Ví dụ, giá khám bệnh tuyến xã được BHYT thanh toán là 3.500 đồng/lần khám, còn giá khám bệnh ở phòng khám tư nhân là 10.000 đồng/lần khám thì người bệnh sẽ trả khoản chênh lệch 6.500 đồng. Khám chuyên khoa thì tiền công khám cao hơn và bệnh nhân phải đóng tiền chênh lệch nhiều hơn.
Sau khi khám bệnh, bác sĩ phòng khám tư nhân sẽ ghi toa thuốc, người bệnh đến trạm y tế xã, phường nhận thuốc chữa bệnh ngoại trú theo quy định. Cách làm này đang thực hiện tại Phòng khám đa khoa dân lập Mỹ Tho, xã Long Trung, huyện Cai Lậy.
* Cách làm của Tiền Giang là mới, nhưng liệu Bộ Y tế có “tuýt còi” hoặc bác sĩ phòng khám tư nhân không mặn mà phối hợp?
– Cách làm của chúng tôi phù hợp với dự thảo “Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2012-2020” và dự thảo “Đề án lộ trình tiến tới BHYT toàn dân” mà Bộ Y tế chuẩn bị trình Chính phủ. Còn phía các bác sĩ phòng khám tư nhân thì không có gì trở ngại. Họ sẽ vui vẻ làm việc này vì đây là một hình thức phục vụ bệnh nhân và có lợi cho cả ba bên: người bệnh, ngành y tế và cá nhân bác sĩ.