Cấp cứu liên tục
Riêng trong ngày 3/9, đến 3h chiều đã có 19 ca TNGT trong tổng số 56 trường hợp đến khám cấp cứu. “Con số này vẫn chưa phải là nhiều, có nguy cơ tăng nhanh vào chiều muộn và tối nay bởi mọi người bắt đầu di chuyển nhiều từ các dịa phương ra Hà Nội, thanh niên đi chơi nhiều”, một bác sĩ khoa Cấp cứu (BV Việt Đức) nhận định.
Bệnh nhân Đ.N.Tân (25 tuổi ở Xuân Trường, Nam Định) được đưa đến bệnh viện Việt Đức cấp cứu lúc 11h40 phút sáng nay trong tình trạng rất nguy kịch. Bệnh nhân này đi xe máy và va chạm với một xe máy khác, khiến bệnh nhân bị đa chấn thương nặng nề, gồm: gãy đùi, gãy bánh chè, gãy cánh tay, vết thương lộ tinh hoàn và nguy kịch nhất là nạn nhân bị gãy cổ, liệt tứ chi. Trải qua gần 5 tiếng cấp cứu nhưng bác sĩ vẫn chưa thể đưa ra tiên lượng tốt cho trường hợp này.
Một trường hợp khác là anh N.Đ.T (Tân Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) được đưa đến viện vào cùng thời điểm với bệnh nhân Tân, cũng do nguyên nhân bị tai nạn xe máy. Bệnh nhân này bị chấn thương sọ não, lóc rộng da bàn chân phải, gãy cánh tay phải.
Trước đó, trong 3 ngày từ 31/8 đến ngày 2/9, lượng bệnh nhân được đưa đến BV Việt Đức cấp cứu cũng tăng mạnh, đặc biệt là TNGT.
Cụ thể, ngày 31/8 có 192 ca đến cấp cứu thì có đến 82 ca là TNGT, trong đó có đến 28 trường hợp rất nặng phải đưa vào Hồi sức I (phòng cấp cứu các bệnh nhân nặng). Ngày 1/9 có 142 trường hợp khám thì TNGT chiếm 71 ca. Ngày 2/9 có 116 trường hợp đến khám thì có tới 72 ca bị TNGT và có tới 24 bệnh nhân phải vào Hồi sức I.
“Ngày thường, số bệnh nhân tai nạn nặng phải vào Hồi sức I chỉ khoảng 12 – 14 bệnh nhân/ngày. Nhưng trong dịp nghỉ lễ này, số bệnh nhân nặng phải vào phòng này luôn dao động ở mức 24 – 28 người, tăng gấp đôi ngày thường. Ở phòng chờ cấp cứu, bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/giường. Toàn bộ số cáng di chuyển bệnh nhân (gần 50 cái) cũng không còn dư một cái nào do liên tục phải chuyển người bệnh”, BS khoa Cấp cứu cho biết.
Thời điểm chúng tôi có mặt tại khoa Cấp cứu, một bệnh nhân bị đau ruột thừa dù đau bụng quắn quại vẫn đang phải đợi mổ bởi lẽ, số ca TNGT nhập viện phải mổ cấp cứu quá nhiều. Một bác sĩ cho biết, có hai ca đau ruột thừa từ đêm 2/9 vẫn đến gần trưa nay mới được mổ vì phải ưu tiên bệnh nhân cấp cứu nguy kịch tính mạng trước. “Tuy chưa thể mổ ngay những ca đau ruột thừa này nhưng chúng tôi vẫn luôn theo dõi chặt để kịp thời chuyển ngay phòng mổ nếu diễn tiến xấu đi. Trước mắt, chúng tôi vẫn phải giải thích với người nhà bệnh nhân, đau vẫn phải cố gắng chịu vì không được dùng giảm đau và chờ có bàn mổ sẽ tiến hành phẫu thuật ngay”, vị bác sĩ này nói.
Nhiều ca tử vong vì không đội mũ bảo hiểm
Trong số các ca tử vong do TNGT trong đợt nghỉ lễ này, có rất nhiều ca bị chấn thương sọ não nguy kịch vì không đội mũ bảo hiểm.
Lý giải điều này, bác sĩ khoa Cấp cứu (BV Việt Đức) cho biết, các ca tai nạn trong nội thành Hà Nội thường chỉ bị chấn thương nhẹ do xe đi với tốc độ vừa phải. Còn những ca chuyển đến từ các tỉnh, chủ yếu bị chấn thương sọ não, đa chấn thương nặng nề, bởi lưu thông trên đường cao tốc, đường ngoại tỉnh ít xe cộ, nhiều người chủ quan đi nhanh nên khi xảy ra va chạm thương tích cũng nặng nề hơn.
Các bác sĩ đưa ra lời khuyên, để phòng tránh TNGT, trước hết người cầm lái phải tuân thủ luật lệ giao thông, lưu thông trên đường phải đội mũ bảo hiểm, đi với tốc độ vừa phải, quan sát đường và tuyệt đối không uống rượu bia khi tham gia giao thông.
“Gặp phải TNGT đã là một điều rất đáng tiếc. Nếu bị tai nạn sau khi uống rượu bia người bệnh càng thiệt thòi hơn bởi không được BHYT thanh toán, chi phí điều trị những chấn thương nặng đó rất tốn kém do phải điều trị dài ngày. Những khó khăn về kinh tế có thể khiến gia đình người bệnh đành xin con về chết dù có cơ hội chữa khỏi. Vì thế, tuyệt đối không uống rượu bia khi tham gia giao thông để vừa phòng tránh tai nạn, rủi ro cho mình vừa không gây thương tích cho người khác do bản thân mình không tỉnh táo gây tai nạn”, các bác sĩ cảnh báo.