Trang chủ » Tin tức » Y tế » Tăng viện phí: người nghèo thở dài!

Tăng viện phí: người nghèo thở dài!

Do thời điểm áp dụng viện phí mới rơi vào dịp nghỉ lễ, bệnh nhân chưa nắm rõ giá cả cụ thể thế nào, nhưng nỗi lo đã xuất hiện trên từng gương mặt người nghèo.

“Lên gì dữ vậy?”

Sáng 1-9, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp – nơi tăng viện phí cao nhất khu vực ĐBSCL (hơn 93% khung giá liên bộ Tài chính – Y tế cho phép), có rất nhiều bảng thông báo về việc thay đổi viện phí. Tại khu vực thu tiền còn có danh mục rút gọn những dịch vụ khám chữa bệnh. Khác với mọi ngày, nhiều người bệnh đặt chân vào khoa khám bệnh đã vội vàng đọc bảng thông báo tăng viện phí. “Tăng giá mà không nói rõ tăng bao nhiêu, biết thế nào để chuẩn bị tiền” – một người dân phàn nàn.

Tại khu cấp cứu khoa sản, nhiều người thân của sản phụ cho biết họ đã đọc đi đọc lại bảng thông báo tăng viện phí. Cũng có người xuống tận khu thu viện phí để hỏi cụ thể mức tăng như thế nào. Ngồi bệt dưới gốc cây, bà Tạ Thị Loan – một người nhà sản phụ – thở dài: “Họ bảo sinh thường mất 487.000 đồng/lần. Vậy là giá tăng gấp 3-4 lần rồi. Lên gì dữ vậy”.

Cũng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp, em Nguyễn Thị Nhóm (ở huyện Lấp Vò) cho biết em phải chạy thận ba lần/tuần. Gia đình nghèo, Nhóm đi bán vé số hằng ngày. Theo giá cũ, tiền lời bán vé số đủ đóng viện phí chạy thận 90.000 đồng/3 lần. “Nay giá tăng 120.000 đồng, không biết có đủ tiền chạy thận không” – Nhóm nói lí nhí.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, bảng thông báo tăng viện phí cũng được dán khắp các khoa, phòng. Bà Nguyễn Thị Loan (ở huyện Long Hồ) – “bám trụ” ở bệnh viện này đã 18 ngày để chăm sóc mẹ bị xuất huyết não – cho biết: “Hôm trước bệnh viện có phát loa thông báo chuyện tăng giá. Tui đang rầu thúi ruột, không biết rồi đây họ thu thế nào”. Nghe hỏi về chuyện tăng viện phí, bà Nguyễn Thị Tuyến (em gái bà Loan) nói với gương mặt buồn xo: “Giá giường bệnh tăng gấp ba lần, bây giờ phải đóng 45.000 đồng/ngày. Ở đây cả tháng trời mà giá cao thế này thì làm sao chịu nổi chứ!”.

Hoàn cảnh gia đình cụ Bùi Thị Sáu đang nằm ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long cũng hết sức bi đát. Cụ có năm người con gái lấy chồng đi làm ăn xa và một người con trai bị bệnh tâm thần. Gần 20 ngày nằm bệnh viện, các con cụ đã chi ra hơn chục triệu đồng, chưa rõ quyết toán phải đóng thêm bao nhiêu. Sáng 2-9, mấy người con cụ Sáu tỏ ra căng thẳng, phải bàn bạc chia nhau về quê hỏi mượn tiền.

Ở phòng bên cạnh cụ Sáu, anh Lê Thanh Bình quê ở An Giang nằm chèo queo một mình. Anh Bình làm công nhân ở Vĩnh Long, bị choáng và nhập viện mấy ngày trước. Gia đình nghèo nên anh không dám cho vợ con hay tin. “Hôm trước bệnh viện bảo đóng viện phí, tôi không có tiền nên được mấy cô chú nuôi bệnh ở đây góp lại đóng giúp. Hai ngày qua tôi không ngủ được khi nghe viện phí tăng gấp mấy lần” – anh Bình buồn bã nói.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyến, người nhà của bệnh nhân Bùi Thị Sáu, rất lo lắng khi biết Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long tăng viện phí từ ngày 1-9 – Ảnh: THÚY HẰNG

 

Thêm 15 bệnh viện trung ương tăng viện phí

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay dự kiến giữa tháng 9 này sẽ có thêm 15 bệnh viện tuyến T.Ư bắt đầu áp dụng viện phí mới. Đó là Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Lão khoa T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Thái Nguyên, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM)…

Ông Nguyễn Công Hoàng, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa T.Ư Thái Nguyên, cho hay hiện bệnh viện đang áp dụng mức giá cũ với giá khám bệnh tối đa là 3.000 đồng/lượt. Với mức giá này, có bác sĩ phải khám 100 bệnh nhân/ngày, một phòng khám với một bác sĩ, một y tá khám cả ngày quần quật mà viện phí chỉ thu được 300.000 đồng. “Chúng tôi đang cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ, đầu tư phòng ốc, tiền khám bệnh tăng thì cũng phải cố để bệnh nhân đỡ phải chờ đợi” – bác sĩ Hoàng chia sẻ. Ông Hoàng cho hay khó khăn nhất là cơ sở vật chất bệnh viện chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, do Bệnh viện Đa khoa T.Ư Thái Nguyên xây dựng từ năm 1960, khi dân số còn thấp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-9, đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho hay sau quá trình rà soát cơ cấu chung và hai phiên làm việc với Bộ Y tế – Bộ Tài chính – Bảo hiểm xã hội VN, mức viện phí dự kiến sắp áp dụng đã được điều chỉnh giảm nhiều. “Mức viện phí mới ở bệnh viện nhóm 1 (bệnh viện hạng đặc biệt) tối đa còn 95% khung của liên bộ Y tế – Tài chính, bệnh viện T.Ư nhóm 2 còn khoảng 92% và nhóm 3 còn 88%. Như vậy là thấp hơn so với lần phê duyệt giữa tháng 7 vừa qua, cao nhất áp dụng 97% khung” – vị đại diện này cho hay.

Theo tổng hợp của Bảo hiểm xã hội VN, tuy chưa rà soát được chi tiết từng dịch vụ, nhưng phần lớn những vấn đề bất hợp lý như đưa quá nhiều thuốc và vật tư tiêu hao vào dịch vụ, chi phí điện nước không phù hợp, thời gian thực hiện dịch vụ quá dài và bất hợp lý… đều phải điều chỉnh giảm giá. Tuy nhiên, tổ thẩm định viện phí đang lấn cấn về một số chi phí cho thuốc và vật tư tiêu hao ở một bệnh viện lớn tại miền Trung, nên đã đề nghị Bộ Y tế tạm dừng phê duyệt bảng giá mới của bệnh viện này.

Tổng hợp của Bộ Y tế đến ngày 2-9 cho thấy đã có trên 30 địa phương phê duyệt bảng giá viện phí mới. Với nhóm bệnh viện tuyến T.Ư, hiện có sáu bệnh viện áp dụng mức giá mới gồm Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện Huyết học và truyền máu T.Ư, Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện K.

 

Gửi thảo luận