Trang chủ » Tin tức » Chính trị xã hội » Hai cách hành xử của hai vị Bộ trưởng

Hai cách hành xử của hai vị Bộ trưởng

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng Ngô Văn Thuận luôn luôn nỗ lực và không bao giờ chán nản trong học tập. Cậu học sinh khá giỏi của trường THPT Yên Thành II (Nghệ An) ôm trong mình ước mơ cháy bỏng được trở thành sinh viên Trường sĩ quan Lục quân I. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, không có tiền mua vé xe ô tô, thuê nhà trọ, Thuận đã quyết định đạp xe vượt quãng đường 300km chỉ với vẻn vẹn 30 ngàn đồng trong tay thực hiện phương án ăn bánh mì không, xin nước uống và ngủ nhờ ở ngôi đình chùa nào đấy. Thế nhưng kế hoạch của em bị “phá sản” vì khi ra Hà Nội, có người biết được hoàn cảnh của em đã ra tay giúp đỡ.


Tuy nhiên, số phận lại một lần nữa không mỉm cười với em khi điểm chuẩn của Trường sĩ quan Lục quân I cao hơn số điểm mà em đạt được. Khi nhận được tin không trúng tuyển, em đã ra chợ Vinh làm thuê để tiếp tục nuôi hi vọng cho kỳ thi năm tới.
Nhưng như một câu chuyện cổ tích, nghị lực và tinh thần hiếu học của em đã đến tai vị lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng – Bộ trưởng Phùng Quanh Thanh.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đã ký quyết định đặc cách cho em vào học tại Trường sĩ quan Tăng thiết giáp, nơi có điểm chuẩn bằng số điểm mà Thuận đạt được nhưng do em không ghi nguyện vọng này.

Đây có lẽ là lần đầu tiên, một vị Bộ trưởng đã dùng quyền lực của mình để đặc cách cho một học sinh nghèo vào đại học, một sự vận dụng linh hoạt đầy ý nghĩa và rất đáng trân trọng của Bộ trưởng Thanh.

Việc làm nhân ái của Đại tướng Phùng Quanh Thanh đã làm xúc động trái tim nhiều bạn đọc. Có thể ông trực tiếp đọc những thông tin về em Thuận trên báo chí nhưng cũng có thể ông nghe các nhân viên của mình đề xuất (nếu như thế, đây là một nhân viên tốt, rất đáng khen ngợi và tin cậy). Cho dù các thông tin trên đến với ông với bất cứ hình thức nào đã được ông thấu hiểu, chia sẻ. Với cương vị hiện nay, chắc chắn ông rất bận rộn nhưng ông vẫn quan tâm đến số phận những con người cụ thể. Đó chính là phẩm chát cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, những người sống, chiến đấu vì nhân dân và cho hạnh phúc của nhân dân.

Đây là việc làm nhỏ, rất nhỏ so với cương vị của mình nhưng Đại tướng đã hành động hợp đạo lý, hợp lòng dân và sâu nặng tình người.

Viết đến đây, chợt nhớ đến cách hành xử của bà Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương Binh & Xã hội đối với việc công nhận Liệt sĩ cho Thiếu tá Trần Duy Nghĩa, người đã hi sinh thân mình cứu đồng đội trong một vụ tai nạn giao thông. Đã gần 2 năm qua, bà mẹ Thiếu tá Nghĩa đã lảm rất nhiều đơn từ và cả gửi thư cho bà Bộ trưởng Bộ Lao đông – Thương binh & Xã hội xin bà Bộ trưởng trả lại sự công bằng cho con mình nhưng đến nay, Thiếu tá Trần Duy Nghĩa vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Có lẽ nơi chín suối, hương hồn Thiếu tá Nghĩa vẫn còn trĩu nỗi đau…

Hai sự việc có thể nói nếu ở Bộ trưởng Phùng Quang thanh là cách xử lý vận dụng linh động, hợp lòng người, hợp đạo lý dân tộc, được đông đảo nhân dân đòng tình thì ngược lại, cách xử lý của Bộ trưởng Lao động – Thương binh & Xã hội có phần khô cứng và duy lý, khiến đông đảo bạn đọc không đồng tình mà cụ thể trên thăm dò của Dân trí, trong hơn 10.000 người tham gia bình chọn, con số không đồng tình lên đến 75%.

Hai sự việc tuy khác nhau nhưng cũng có sự tương đồng nhất định nhưng với hai cách xử lý khác nhau đã mang lại kết quả trái ngược nhau.

Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng từ trong sâu thẳm lòng mình, chỉ mong bà Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội có sự quyết đoán hơn, dám chịu trách nhiệm hơn và cả tấm lòng nhăn văn, chia sẻ hơn!

 

Gửi thảo luận