PV: Thưa PGS, thời gian qua đã xảy ra một số vụ bệnh nhân tử vong mà người nhà cho rằng do bệnh viện cố tình giữ bệnh nhân, không cho chuyển viện sớm. PGS nghĩ sao về vấn đề này?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Phải khẳng định rằng, khi bệnh nhân vào các cơ sở khám, chữa bệnh luôn được các cán bộ y tế hết lòng cứu chữa. Không ai muốn giữ bệnh nhân khi vượt quá khả năng chuyên môn của mình để bệnh nhân chết. Các bệnh viện tùy theo tuyến sẽ chịu trách nhiệm về chuyên môn tương ứng theo cấp độ của mỗi tuyến kỹ thuật. Khi khả năng chuyên môn vượt quá mức độ cho phép thì bệnh viện sẽ chuyển người bệnh lên tuyến cao hơn. Trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh cố tình giữ người bệnh lại điều trị nếu có xảy ra sai sót chuyên môn sẽ bị xử lý theo quy định.
Bộ Y tế hiện đang nghiên cứu và sửa đổi Thông tư quy định phân tuyến kỹ thuật khám chữa bệnh, với quan điểm bệnh viện ở mỗi tuyến đều phải cố gắng thực hiện kỹ thuật chuyên môn theo quy định, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho các bệnh viện được nâng cao khả năng chuyên môn kỹ thuật, thực hiện các kỹ thuật của tuyến trên, dưới sự giám sát, hỗ trợ về chuyên môn chặt chẽ của các bệnh viện tuyến trên.
Theo người nhà nạn nhân, anh Cường tử vong do BV Đa khoa Nghệ An không chuyển viện sớm. (Ảnh: VNN)
PV: Luồng ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng trên phần lớn xuất phát từ sự chủ quan, tắc trách của những y, bác sỹ, hay nói cách khác đó chính là vấn đề y đức?
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê: Nâng cao tinh thần khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân là công việc thường xuyên của ngành y tế. Trong nhiều năm qua, ngành y tế đã nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân đồng thời cải thiện điều kiện sinh hoạt về ăn, mặc, ở, vệ sinh của người bệnh, bổ sung thêm giường bệnh, hạn chế để người bệnh nằm ghép, tăng cường công tác dinh dưỡng bệnh viện, đáp ứng nhu cầu ăn bệnh lý cho người bệnh; bảo đảm điều kiện vệ sinh tại các khoa, phòng trong bệnh viện…
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo và củng cố niềm tin của nhân dân đối với bệnh viện. Bộ Y tế đã ban hành các quy tắc ứng xử trong khám chữa bệnh. Cán bộ y tế phải có thái độ nhã nhặn, phải khám bệnh kỹ, phải có lời khuyên, tư vấn, không được nhận quà biếu và tiền khi bệnh nhân đến khám. Người nhà bệnh nhân cũng không được đưa tiền, quà biếu cho bác sĩ khi vào viện.
PV: Bộ Y tế tìm hiểu nguyên nhân từ phía bệnh viện để xử lý “đúng người, đúng lỗi” như thế nào, thưa PGS?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi trường hợp người bệnh tử vong các cơ sở khám chữa bệnh đều phải tiến hành kiểm thảo tử vong, nội dung kiểm thảo tử vong phải ghi rõ diễn biến bệnh, cách xử lý, thời gian và nguyên nhân tử vong.
Trong trường hợp có yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật, thực hiện theo đúng quy định tại của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định: sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh.
Kết luận của hội đồng chuyên môn sẽ là cơ sở để giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề.
PV: Nhiều người đặt ra câu hỏi, sao bệnh nhân “chết oan” nhiều thế và họ cho rằng nguyên nhân xuất phát từ chính sự chủ quan vô cảm của đội ngũ y, bác sỹ?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Có thể khẳng định rằng ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình khám bệnh, chữa bệnh đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh.
Việt Nam chưa có nghiên cứu hệ thống để xác định mức độ sai sót chuyên môn và sự cố y khoa không may xảy ra trong các cơ sở khám bệnh vì vậy việc nhận định trên là chưa có cơ sở.
Bộ Y tế luôn chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chú trọng tới việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, triển khai các hoạt động giáo dục y đức, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, kỹ năng giao tiếp với người bệnh; Hạn chế tối đa các sai sót chuyên môn xảy ra cho người bệnh và người thầy thuốc.
PV: PGS đánh giá thế nào về vấn đề y đức hiện nay?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Y đức là đạo đức của người cán bộ y tế. Y đức không chỉ là sự giao tiếp lễ phép, thái độ hòa nhã với người bệnh. Người thầy thuốc có y đức còn cần phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khám chữa bệnh giỏi, chăm sóc người bệnh chu đáo, cấp cứu người bệnh có trách nhiệm, tôn trọng đồng nghiệp, đoàn kết, hợp tác vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đạo đức được hình thành qua nhiều yếu tố như chính trị, kinh tế, xã hội, yếu tố giai cấp, văn hóa, học vấn, nghề nghiệp…
Nâng cao y đức đối với cán bộ y tế là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngành y tế đã chủ động và có những biện pháp thiết thực để nâng cao y đức trong toàn ngành.
Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, xứng đáng với sự tin cậy của xã hội. Bộ Y tế cũng chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp để khắc phục những biểu hiện tiêu cực của nhân viên y tế.
PV: Xin cảm ơn PGS!