Trang chủ » Tin tức » Y tế » Đánh giá trẻ em có rối loạn phát triển bằng thang Kyoto

Đánh giá trẻ em có rối loạn phát triển bằng thang Kyoto

Thang đánh giá phát triển Kyoto

Thang đo kiểm tra phát triển Kyoto hiện nay đang được sử dụng phổ biến trên toàn nước Nhật để đánh giá sự phát triển của trẻ em. Đây là thang đo được Nhật hóa dựa trên ý tưởng thang kiểm tra phát triển ban đầu của nhà tâm lý học người Pháp – Alfred Binet, người phát minh đầu tiên ra các test kiểm tra trí thông minh.

Kyoto đánh giá và kiểm tra sự phát triển của trẻ ở 3 lĩnh vực: tư thế – vận động (P – M), nhận thức – thích ứng (C – A) và ngôn ngữ – xã hội (L – S).

Năm 2003, dưới sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), dự án “Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực giáo dục đặc biệt Việt Nam” đã mở một lớp đào tạo giáo viên, trong đó thang đo Kyoto lần đầu tiên được giới thiệu vào Việt Nam. Tuy nhiên, thang đánh giá này chỉ thực sự được sử dụng thường xuyên để đánh giá và tư vấn cho trẻ em và gia đình vào năm 2008 tại Trung tâm đào tạo và phát triển giáo dục đặc biệt, Trường đại học sư phạm Hà Nội sau khi 3 cán bộ ở đây được các giáo sư Nhật Bản trực tiếp đào tạo và chuyển giao thang đo này. Từ đó đến nay, hàng trăm trẻ em và gia đình của trẻ đã được đánh giá và tư vấn.

Dấu hiệu đầu tiên để gia đình nghi ngờ tre bị rối loạn phát triển

Với việc sử dụng thang Kyoto để đánh giá phát triển cho 86 trẻ em được chẩn đoán là có rối loạn phát triển, kết quả cho thấy thang đo rất hữu dụng trong việc đánh giá mức độ phát triển của trẻ có rối loạn phát triển. Ở từng trẻ khác nhau có mức độ phát triển khác nhau và sự phát triển ở các lĩnh vực phát triển cũng khác nhau. Trong tổng số 86 em, có 73 trẻ trai (85%) và 13 trẻ gái (15%), tỷ lệ giữa trai và gái là 5,6: 1. Điều này cũng cho thấy trẻ trai được phát hiện có biểu hiện rối loạn phát triển nhiều hơn ở trẻ gái.

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù sự phát triển chung của trẻ có thể dưới mức phát triển bình thường hoặc bị chậm trễ nhưng không có nghĩa là tất cả các lĩnh vực phát triển của trẻ đều thấp. Lĩnh vực vận động thường ít bị ảnh hưởng hơn so với những lĩnh vực khác. Trong khi đó ngôn ngữ – xã hội là vấn đề thường gặp ở đối tượng nghiên cứu. Đây cũng là dấu hiệu dễ nhận thấy ở trẻ và cũng là dấu hiệu đầu tiên để gia đình bắt đầu nghi ngờ về một rối loạn nào đó và nghĩ đến việc đưa trẻ đi khám và tư vấn. Dựa vào thang đánh giá phát triển Kyoto, người kiểm tra có thể biết được mức độ phát triển, điểm mạnh, điểm yếu và những nhu cầu hỗ trợ phát triển của trẻ. Từ đó đưa ra cho gia đình những gợi ý phù hợp về cách chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm giúp trẻ phát triển tốt nhất.

Một công cu hữu ích

Đánh giá sự phát triển là công việc cần thiết trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đây là một quá trình liên tục của giáo viên và nhà chuyên môn nhằm xác định mức độ phát triển của trẻ, phát hiện những khó khăn, rối loạn trong quá trình phát triển, từ đó có thể đưa ra các hướng giáo dục, can thiệp phù hợp.

Thang đo Kyoto đã được chứng minh cả bằng lý luận và thực tiễn ở Nhật Bản là thang đo hữu dụng trong việc phát hiện những vấn đề về phát triển của trẻ em, đồng thời giúp nhà chuyên môn xác định mức độ phát triển chung và của từng lĩnh vực có nhu cầu đặc biệt, những trẻ có nguy cơ hoặc bị chậm phát triển.

Qua quá trình sử dụng thang Kyoto để đánh giá và tư vấn cho trẻ em có rối loạn phát triển tại Trung tâm đào tạo và phát triển giáo dục đặc biệt, cho thấy sự phát triển chung của các đối tượng nghiên cứu đều dưới mức phát triển bình thường. Trong đó, số trẻ có biểu hiện chậm phát triển ở lĩnh vực ngôn ngữ – xã hội chiếm tỷ lệ cao nhất và mức độ chậm trễ cũng nặng nề hơn so với các lĩnh vực khác. Còn lĩnh vực vận động dường như ít bị ảnh hưởng nhất.

Kyoto tỏ ra là một công cụ hữu ích và thiết thực trong việc đánh giá và tư vấn. Công cụ này cũng khá đơn giản về quy trình và cách thức. Kyoto đã giúp các giáo viên ở trung tâm dễ dàng hơn trong việc xây dựng kế hoạch can thiệp cho từng trẻ. Cha mẹ có thể nhận ra được mức độ phát triển và những thiếu hụt của con mình, từ đó có sự điều chỉnh về sinh hoạt và cách thức chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình.

Cuối cùng, với tính hữu dụng và thiết thực, thang đo Kyoto nên được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi trong khám sàng lọc, đánh giá phát triển và tư vấn giáo dục cho trẻ em có vấn đề tại Việt Nam. Các bác sĩ có thể sử dụng thang đo này trong việc khám sàng lọc và phát hiện sớm những trẻ có nhu cầu đặc biệt để can thiệp kịp thời.

Gửi thảo luận