Trang chủ » Tin tức » Y tế » Ăn Tết phải an toàn thực phẩm

Ăn Tết phải an toàn thực phẩm

Tính đến chiều 13/12, 5 mẫu thực phẩm đầu tiên đã có kết quả nhưng đều đảm bảo an toàn, chưa phát hiện có tình trạng dùng hóa chất hay phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép. Những mẫu thực phẩm được lấy đánh giá chất lượng và độ an toàn trong thời điểm này chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như bánh mứt kẹo, hoa quả, rượu bia, ô mai xí muội và các sản phẩm từ thịt. Chi cục sẽ tiếp tục công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm trong thời gian tới, đặc biệt là các mẫu phát hiện không đảm bảo an toàn, để kịp thời cảnh báo tới người dân. Theo ông Thọ, qua giám sát, kiểm tra chung trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hàng thực phẩm vi phạm, không đảm bảo an toàn chiếm 20%. Thông thường, cứ vào vụ cao điểm thì các mặt hàng giả, hàng lậu được trà trộn ra thị trường càng nhiều hơn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người dân không nên mua, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tỷ lệ phát hiện vi phạm qua kiểm tra thấp vì nhiều khi có đoàn kiểm tra, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ khá tốt nhưng khi đoàn kiểm tra đi thì tình trạng vi phạm lại tái diễn. Đặc biệt, các đoàn kiểm tra của quận, huyện, xã, phường còn có tình trạng cả nể trong xử lý vi phạm nên chưa đủ sức răn đe. 

Một tồn tại nữa đang diễn ra, đó là việc phân công quản lý ATVSTP cho 3 ngành (y tế – nông nghiệp – công thương) cùng quản lý vừa tạo ra sự chồng chéo lại vừa tạo ra những lỗ hổng. Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, có những mặt hàng thực phẩm hiện không biết giao cho ngành nào quản lý, chẳng hạn như thạch rau câu, cháo ăn liền có thịt… Vì không thuộc thẩm quyền quản lý của một ngành cụ thể nào nên rất dễ bị bỏ sót khâu kiểm tra, giám sát chất lượng. 

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP – Bộ Y tế cho biết, trong tháng 12 này, Bộ Y tế sẽ thành lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ nhiều vào dịp Tết Nguyên đán (dự kiến khoảng 8 đoàn cấp trung ương). Các đoàn kiểm tra sẽ thực hiện rà soát, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm số lượng lớn như chợ đầu mối, siêu thị… tại một số địa phương có lượng thực phẩm tiêu thụ lớn. Ông Trung cũng cho biết thêm, theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có hiệu lực từ ngày 25/12 tới đây, các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Nhiều sai phạm trước kia mức phạt chỉ 50.000-100.000 đồng, nay tăng lên 3-5 triệu đồng. Mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Đặc biệt, cơ sở kinh doanh thực phẩm mất an toàn sẽ bị phạt tiền gấp 7 lần giá trị hàng hóa.

Trước thông tin về việc Công ty thực phẩm Ito En của Nhật Bản thu hồi một sản phẩm trà ô long với nguyên liệu nhập từ Trung Quốc do chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép, Cục ATVSTP khẳng định chưa từng cấp công bố cho sản phẩm trà ô long có xuất xứ Nhật Bản. Đến thời điểm này Cục mới chỉ cấp cho một số sản phẩm trà Ô Long được sản xuất từ Đài Loan (TQ), Hàn Quốc và Trung Quốc. Cục đã chỉ đạo lấy mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm trà ô long có nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc.

Gửi thảo luận