Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Thuốc Tân dược » Sơ lược tính dược của các vị thuốc Nam (kỳ 3)

Sơ lược tính dược của các vị thuốc Nam (kỳ 3)

Củ Riềng

Tính ấm. Sao vàng chữa tiêu chảy, kiết lỵ. Để sống, giã nhỏ hoà rượu để bôi hắc lào.

Cúc hoa

Cúc hoa trắng vị ngọt, đắng, tính hơi hàn. Cúc hoa vàng vị đắng cay, tính ôn. Vào 3 kinh Phế, Can và Thận. Chữa mắt đỏ, hay chảy nước mắt, làm cho sáng mắt, chữa nhức đầu, chóng mặt, ho sốt, cảm mạo, mũi tắc,cao huyết áp.

Cúc tần (Sài hồ Nam)

Tính mát, vị tân, giải sốt. Chữa cảm sốt. Phối hợp với Ngải cứu, sao vàng, chữa đau lưng.

Dương thụ tu (Rễ cây Si)

Vị chát, tính bình, hành huyết, tán huyết, làm tan chỗ sưng đau, đòn đánh, vấp ngã.

Đại hành

Tính hắc, có độc, sát trùng, bổ huyết, an thần, gây ngủ. Dùng sống, phơi khô, nấu cao bôi chốc lở.

Chú ý: Dùng nhiều vào 1 lúc, dễ say.

Đậu đen

Tính mát, bổ thận, tư âm.

Địa liền (Sơn nại)

Vị cay, tính ôn. Vào 2 kinh Tỳ và Vị. Chữa phong hàn vào xương, gây đau nhức, chữa ngực, bụng lạnh đau, ăn uống không tiêu, đau dạ dày, đau thần kinh… Thường dùng sống, phơi khô.

Đinh lăng (Nam Dương lâm – Còn gọi cây Gỏi cá)

Vị ngọt, tính bình. Bổ khí huyết, mát phổi, trợ tim, an thần, làm dễ ngủ, tăng sức dẻo dai của cơ thể. Ngoài công dụng ăn gỏi cá, có nơi còn dùng Đinh lăng chữa ho, ho ra máu, thông tiểu, thông sữa, kiết lỵ nặng, đắp lên vết thương. Cây, rễ, lá đều dùng được.

Đông Phong thái (Rau Ngót, Bồ ngót, Bù ngót)

Vị nhạt, tính bình. Mát gan, lợi tiểu, giải độc. Ngoài công dụng nấu canh, lá rau Ngót còn là 1 vị thuốc được nhân dân dùng chữa sót nhau, tưa lưỡi, chữa hóc xương.

Gừng (Khương)

Gừng sống (Sinh khương): Vị cay, tính hơi ôn. Vào 3 kinh Phế, Tỳ và Vị. Có tác dụng phát biểu, tán hàn, ôn trung, chữa nôn, chỉ thổ, tiêu đờm, hành thuỷ, giải độc. Dùng chữa ngoại cảm, biểu chứng, bụng đầy chướng, nôn mửa, đờm ẩm, sinh ho. Gừng khô làm ấm dạ dày.

Gừng nướng (Can khương): Vị cay, tính ôn. Bào khương (Can khương bào chế rồi): Vị cay, đắng, tính đại nhiệt. Vào 6 kinh Tâm, Phế, Tỳ, Vị, Thận và Đại tràng. Có tác dụng ôn trung, tán hàn, hồi dương, thông mạch, dùng chữa thổ tả, bụng đau, chân tay lạnh, mạch nhỏ, hàn ẩm, ho suyễn, phong hàn, thấp tý.

Hạ khô thảo

Vị cay. tính hàn, không độc. Vào 2 kinh Can và Đởm, có tác dụng làm mát gan, tiêu đàm, tiêu hạch. Chữa tràng nhạc (lao hạch), mã đao, xích bạch đới, thông tiểu tiện, bị đánh hay bị thương (Hạ khô thảo tươi, tán nhỏ, đắp vào vết thương).

Hoa Đại

Tính hàn, có độc, lợi tiểu, dùng làm thuốc chữa ho. Vỏ Đại phá báng tích, nhuận đại tràng.

Gửi thảo luận