Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Cây hay thuốc quý » Những bài thuốc quý từ nọc rắn

Những bài thuốc quý từ nọc rắn

Xuất phát từ thực trạng trong thời kì chiến tranh tỉ lệ người dân chết vì rắn cắn lên tới 23%, trung tâm Nuôi trồng, chế biến dược liệu Đồng Tâm tiến hành khai thác các loại thuốc từ nọc rắn để chữa trị cho người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Nơi đây là một vùng quê sông nước, điều kiện khí hậu khá thuận lợi cho sự phát triển, sinh sôi với các loài rắn. Chính vì vậy, người dân vất vả quanh năm gắn bó với đồng ruộng không thể tránh khỏi việc bị rắn cắn.

Trên cơ sở những trăn trở cứu người ngày càng cấp thiết, các y bác sĩ của trại rắn Đồng Tâm đã không một chút ngần ngại, không ngừng nghiên cứu để chế biến ra dược liệu phục vụ nhân dân.


Nhiều thuốc chữa bệnh từ nọc rắn

Vì thiếu tài liệu nghiên cứu về rắn, anh Lương và nhiều anh em khác phải khắc phục bằng cách làm những đề tài sinh lí, sinh thái về rắn. Không chỉ vậy, đội nuôi trồng của anh Lương còn kết hợp với Viện nghiên cứu Paster TP.HCM nghiên cứu và điều chế ra loại thuốc kháng huyết thanh để chữa trị cho những nạn nhân bị rắn độc cắn.

Để có được loại thuốc này, trại rắn của anh Lương đã phải tinh chế qua nhiều lần nghiên cứu trên cơ thể của con ngựa. Sở dĩ chọn ngựa là loài động vật để nghiên cứu vì theo anh Lương cho biết đây là một loài vật có sức đề kháng rất cao, có giá trị sử dụng lâu dài và có rất nhiều loại kháng sinh được nghiên cứu lấy từ ngựa. Mặt khác, ngựa cũng là loài có nhiều lượng máu trong cơ thể, điều này rất thuận lợi cho việc chế biến, tinh chế ra thuốc kháng huyết thanh.

Sau khi tinh chế nọc rắn và tiêm vào cơ thể của con ngựa, lúc này cơ thể của ngựa sẽ sản sinh ra kháng thể để kháng lại với nọc rắn. Từ khoảng 5 – 6 lít máu ngựa có cả kháng thể với nọc rắn, tiếp tục được chiết lọc ra dưới dạng huyết tương. Sau nhiều lần tinh chế, chắt lọc kĩ lưỡng, họ chỉ lấy ra kháng thể từ huyết tương này và bảo quản để điều chế thành thuốc đặc trị tiêm vào cơ thể của người bệnh.

Anh Lương cho biết: "Việc tiêm kháng thể từ huyết tương của ngựa sẽ làm trung hòa nọc rắn trong cơ thể của người khi bị rắn cắn. Từ đó khiến cho nọc rắn hết tác dụng một cách nhanh chóng. Nhưng để có được những loại thuốc này là cả một quy trình nghiên cứu rất nghiêm ngặt, phải sạch sẽ và đủ tiêu chuẩn mới có thể tiêm vào cơ thể con người".

Nếu không, chúng sẽ phản lại tác dụng một cách đáng tiếc và khôn lường. Có lẽ đây chính là lí do vì sao trong khuôn viên diện tích hơn 12 ha của trung tâm, ngoài rất nhiều con rắn lớn nhỏ và các loại thú khác, chúng tôi còn thấy nhiều con ngựa cũng được nuôi và chăm sóc tận tình từ bàn tay của những người như anh Lương.

Bên cạnh việc chế biến ra thuốc chữa trị nọc rắn trong cơ thể của những người bị rắn cắn, trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Đồng Tâm còn chế biến ra nhiều loại thuốc chữa các loại bệnh như viêm khớp và có hàng trăm loài thuốc trị bệnh từ cảm cúm, nhức đầu, đến trị bệnh tim, gan, dạ dày. Để có được những sản phẩm này, trung tâm đã phải nhập nhiều công nghệ từ thấp đến cao.

Cho đến bây giờ, với công nghệ hiện đại, nọc rắn ở đây đã có thể được chế biến dưới dạng đông khô. Không chỉ chữa trị bằng thuốc, với những kinh nghiệm chữa bệnh của mình, các bác sĩ ở đây còn xử lí rất nhiều ca bị lở loét, hoại từ nghiêm trọng ở khu vực những vết thương khi bị nọc rắn chạy trên cơ thể của người bệnh. Để chữa trị cho các trường hợp này, các bác sĩ của trung tâm rắn Đồng Tâm đã thực hiện công tác tiểu phẫu cấy ghép cho những vùng da thịt bị hoại tử.

Nhiều loài rắn có nguy cơ bị tuyệt chủng

Anh Vũ Ngọc Lương chia sẻ: "Để phân biệt được rắn độc và rắn không độc cũng là cả một quá trình nghiên cứu. Vì mỗi loài rắn có những đặc điểm khác nhau nên để phát hiện được rắn độc phải dựa vào đặc điểm hình thái răng, màu sắc, vân hoa của từng con rắn".

Để tránh những hậu quả đáng tiếc, anh Lương cho biết sau khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần được buộc bằng dây ga-rô cách trên chỗ bị cắn 5cm. Sau đó, cần thiết phải rửa sạch và băng bó vết thương rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất một cách nhanh chóng để kịp thời chữa trị và để tránh việc phát tán của nọc rắn.

Nhưng quan trọng, để tránh được bị rắn độc cắn người dân khi làm việc ở những nơi rừng rú hoang vu, rậm rạp, độ ẩm cao cần phải trang bị cho mình những dụng cụ cần thiết có thể như giày, bao tay, vớ, và để phòng tránh tai nạn do rắn cắn có thể dùng cây hoặc gậy để xua đuổi rắn từ bụi rậm trước khi làm việc.

Là người trong nghề, anh Lương cho biết các y bác sĩ và đội Nuôi trồng, bảo tồn của trại rắn Đồng Tâm luôn có một tâm huyết: "Mặc dù biết rắn là một loài động vật nguy hiểm cho tính mạng của con người nhưng con người cần phải có một cái nhìn đầy đủ về rắn.

Ngoài những độc hại, rắn còn có tác dụng rất quan trọng trong việc chữa trị nhiều bệnh cho con người. Chính vì thế, không vì quá ác cảm mà mọi người đập chết để diệt tận gốc các loài rắn khiến nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nếu có thể, mọi người nên bắt sống đưa về những nơi bảo tồn cần thiết để phục vụ cho lợi ích trong cuộc sống của con người".

Nói đến các loài rắn có nguy cơ bị tuyệt chủng, anh Lương cho biết: "Hiện nay, rắn Hổ mang đang nằm trong danh sách thuộc nhóm 2B của Sách đỏ Việt Nam. Số lượng quần thể, cá thể của loài rắn này ngày càng giảm do môi trường sống ngày càng bị thu hẹp.

Kết hợp với việc sự săn bắn thường xuyên, ngày đêm của con người khiến cho nguy cơ tuyệt chủng của loài rắn hổ mang, cũng như nhiều loài rắn khác ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, chúng tôi đã có những dự án bảo tồn để giữ sự cân bằng sinh thái cho loài rắn này. Từ đó, khai thác, tinh chế ra những bài thuốc từ nọc của chúng để phục vụ lợi ích cho nhân dân".

Hàng ngàn người được chữa trị miễn phí

Anh Lương cho biết, hàng năm có tới trên dưới 1.000 người đến chữa trị tại trung tâm. Và điều đáng nói là tỉ lệ sống sót của những người bị rắn cắn đến chữa trị tại đây là 100%. Từ những kết quả này, các phương thuốc của trại rắn Đồng Tâm đã được người dân khắp cả nước tin dùng và chữa trị.   


Gửi thảo luận