Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 23/11/2012

Điểm báo ngày 23/11/2012

Bệnh viện FV không đáp ứng yêu cầu đòi bồi thườngNgày 22.11, Bệnh viện (BV) FV (TP.HCM) họp báo công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế về trường hợp bệnh nhân Mai Trung Kiên, 57 tuổi, tử vong sau mổ ruột thừa ở BV này hồi tháng 8. Tổng giám đốc BV, bác sĩ Jean Marcel Guillon, nói rằng ngay từ khi xảy ra vụ việc đến giờ, BV thừa nhận việc chẩn đoán, xử trí chậm tình trạng bệnh nhân chảy máu bên trong.
Tuy nhiên, như kết luận Bộ Y tế, đây là ca bệnh phức tạp, có tiền sử hẹp động mạch vành nặng đã được làm 4 cầu nối mạch vành, và có tai biến mạch máu não; bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông để dự phòng tắc mạch (não, mạch vành), nên có tình trạng chảy máu rỉ rả…
Vì vậy, mặc dù BV cố gắng cứu chữa, nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Ông tổng giám đốc cũng cho biết, phía FV không có dự định bồi thường số tiền như người nhà bệnh nhân đưa ra, mà thực thi theo kết luận của tòa án.(Thanh niên (trang 2) 23/11)

Phát hiện chất gây ung thư trong áo ngực Trung Quốc
Chiều qua 22.11, Viện Hóa học (Viện Khoa học – Công nghệ) đã công bố kết quả phân tích định lượng PAH trong mẫu áo ngực. TS Vũ Đức Lợi, Phó viện trưởng Viện Hóa học, cho biết Viện đã phân tích các mẫu áo ngực có nhãn hiệu Mengneroi, Qiuaziwanli và Magneric (Trung Quốc) với loại màu đỏ, đen, hồng, trắng và tím.
Mỗi bên áo ngực đều có dung dịch màu trong suốt và ba viên chất rắn màu trắng (lượng dung dịch khoảng 7 ml). Thành phần của chất rắn màu trắng trong áo ngực được phân tích và xác định là một loại nhựa tổng hợp polystyren (trên thị trường thường gọi là nhựa PS được tạo thành từ phản ứng trùng hợp styerene). Còn thành phần dung dịch có màu trong suốt được xác định là dầu khoáng, một loại dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Đáng chú ý là các nhà khoa học đã phát hiện ra 2 chất trong nhóm Polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH) là Anthracene (C14H10) và Pyrence (C16H10). Trong đó, hàm lượng Pyrence trong dung dịch dầu khoáng từ 0,140 đến 0,192 mg/kg. Hàm lượng Anthrancene trong dung dịch dầu khoáng từ 0,068 đến 0,082 mg/kg. PAH có nguy cơ gây ung thư…(Thanh niên (trang 2) 23/11)

Vụ Giám đốc Bệnh viện lộng quyền, tư lợi: Kéo dài thời gian thanh tra
Chiều 22.11, Đoàn thanh tra Bộ Y tế làm việc với Ban Giám đốc và các cán bộ chủ chốt của Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt T.Ư TP. Hồ Chí Minh (nơi Báo Thanh Niên vừa có loạt bài phản ánh Giám đốc BV lộng quyền, tư lợi), công bố về việc đoàn tiếp tục công việc thanh tra thêm 30 ngày nữa (trước đó đã thanh tra 45 ngày).
Được biết, việc kéo dài thời gian thanh tra nhằm làm rõ thêm những vấn đề khác như đấu thầu mua sắm trang thiết bị tại BV, và vấn đề tài chính liên quan đến tổ chức nước ngoài (hai vấn đề Báo Thanh Niên đã phản ánh).
Được biết, tại buổi làm việc với đoàn thanh tra chiều qua, một số bác sĩ là cán bộ chủ chốt của BV đã gửi đơn cho đoàn kiến nghị tạm ngưng chức giám đốc BV đối với bác sĩ Phương trong lúc các cơ quan chức năng đang làm rõ các vấn đề liên quan, nhằm tránh trường hợp các chứng cứ bị tẩu tán. Đoàn thanh tra đã ghi nhận lại kiến nghị này.(Thanh niên (trang 2) 23/11)

Vụ bệnh nhân Mai Trung Kiên tử vong tại Bệnh viện FV TP. Hồ Chí Minh: Nếu không đồng ý kết luận có thể kiện ra toà
Sau khi Bộ Y tế có kết luận về vụ bệnh nhân Mai Trung Kiên tử vong tại BV FV sau khi mổ ruột thừa do nhồi máu cơ tim, sáng ngày 22.11, BV FV đã tổ chức họp báo về ca tử vong và vụ việc đã kéo dài hơn 3 tháng.
Bác sĩ Jean Marcel Guillon – Tổng Giám đốc BV FV –  cho rằng, hội đồng chuyên môn đã kết luận bệnh nhân tử vong do nhồi máu cơ tim (thiếu máu cơ tim cấp) và chảy máu, tình trạng chảy máu này không phải do phẫu thuật mà do bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị bệnh tim.
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao hội đồng chuyên môn lại đề nghị: “BV FV tổ chức nghiên cứu, tiến hành kiểm điểm sâu sắc, chấn chỉnh các cá nhân, tập thể có những sai sót về chuyên môn, kỹ thuật trong khám, chữa bệnh như nội dung kết luận của hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã nêu và các ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM. Sau kết thúc việc kiểm điểm, chấn chỉnh tại BV, đề nghị BV FV báo cáo kết quả về Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế trước ngày 26.11.2012…”.
Bác sĩ Jean Marcel Guillon cho rằng: “BV thừa nhận đã chẩn đoán chậm tình trạng chảy máu nhưng hội đồng chuyên môn xác nhận bệnh lý mạch vành cấp tính đã làm lệch hướng chẩn đoán và BV FV đã chẩn đoán đúng nguy cơ về tim, đã đưa ra chỉ định điều trị đúng. Dù thế nào đi nữa, BV cũng xem lại các phác đồ điều trị theo phân cấp mức độ ưu tiên để xử lý các nguy cơ, cố gắng đảm bảo rằng, đối với các bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ, nguy cơ này không che lấp nguy cơ kia và rằng, các triệu chứng được xử lý cân bằng theo mức độ ưu tiên. Việc thiếu sót của BV FV không trực tiếp gây ra tử vong cho bệnh nhân Mai Trung Kiên”.
Vậy, vụ việc xảy ra đối với gia đình ông Mai Trung Kiên BV sẽ giải quyết như thế nào? Chúng tôi sẽ dựa trên kết luận của toà án và căn cứ vào kết luận của hội đồng chuyên môn Bộ Y tế – bác sĩ Jean Marcel Guillon trả lời.
Được biết, trước kết luận của Bộ Y tế về trường hợp tử vong trên, gia đình nạn nhân đã gửi đơn đến cơ quan báo chí và cho rằng: “Ngay từ đầu khi nhập viện gia đình bệnh nhân đã miêu tả về tiền sử bệnh tim thì đúng ra FV nên mổ phanh (hay còn gọi là mổ mở), chứ không nên mổ nội soi. Liệu có phải việc chẩn đoán và điều trị sai ngay từ đầu đã dẫn đến phác đồ điều trị sai toàn bộ về sau không???”. Gia đình nạn nhân sẽ đưa vụ việc ra tòa để giải quyết trong thời gian tới. Theo luật sư Võ Vương Quân – đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh – nếu sau kết luận này hai bên vẫn chưa thống nhất, vụ việc có thể sẽ được đưa ra xem xét ở tòa án.(Lao động (trang 1) 23/11)

50% bệnh nhân nội trú bị suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng ở bệnh nhân nội trú là một trong những nguy cơ gây ra biến chứng nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn, dẫn đến kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí y tế. Dự án Dinh dưỡng lâm sàng với tổng kinh phí 3,8 triệu USD do Quỹ Abbott tài trợ đang được thực hiện có hiệu quả tại 3 bệnh viện hàng đầu ở Việt Nam.(Gia đình và xã hội (trang 11) 23/11)

Nuốt kim khâu dài 6cm
Ông Võ Văn Thanh, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum, cho biết em Nguyễn Phan Duy Phước (13 tuổi, trú xã Đăk La, huyện Đăk Hà, Kon Tum) hiện trong tình trạng nguy kịch và đang được cấp cứu tại bệnh viện này.
Qua chụp X-quang cho thấy chiếc kim khâu dài 6cm nằm trong dạ dày của em Phước. Được biết, trong khi khâu kết vòng hoa Phước vừa ngậm chiếc kim khâu trên môi vừa làm vừa nói chuyện, không may đã nuốt chiếc kim khâu vào bụng.(Tuổi trẻ (trang 12), Nông thôn ngày nay (trang 14) 23/11)

Bé trai mắc bệnh hiếm được tài trợ phẫu thuật
Hôm qua 22-11, bé trai Trần Danh Tùng, con thứ hai của anh chị Trần Danh Hậu – Nguyễn Thị Lương ở Hà Nội, sẽ lên đường đi phẫu thuật đợt đầu tại Hàn Quốc. Bé Tùng 14 tháng tuổi, mắc căn bệnh rất hiếm gặp Apert (hội chứng xương cứng sớm cục bộ, Tuổi Trẻ ngày 26-7 đưa tin).
Theo thông báo của Bệnh viện Yonsei Severance, nơi bé Tùng được điều trị, bé phải trải qua ba đợt phẫu thuật lớn để mở và nâng hộp sọ, mở đường thở và tách các ngón tay ngón chân đang bị dính. Đợt phẫu thuật đầu tiên, bác sĩ dự kiến sẽ mở và nâng hộp sọ cho bé, với chi phí 64.000 USD (hơn 1,3 tỉ đồng).
Ngoài hỗ trợ từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ và các báo khác, một ngân hàng đã tài trợ cho ca phẫu thuật 40.000 USD, một lãnh đạo của ngân hàng này tài trợ 10.000 USD và cán bộ nhân viên ngân hàng hỗ trợ 1.500 USD. Theo chị Lương, cần khoảng 70.000 USD để bé Tùng được điều trị hai đợt tiếp theo.
* Chương trình phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may (Hành trình Thiện Nhân) tại VN sẽ bắt đầu đợt phẫu thuật thứ 4 với sự tham gia của hai bác sĩ người Ý và các bác sĩ VN. Riêng các bé vừa được khám tại TP.HCM và Đà Nẵng sẽ được phẫu thuật trong năm 2013.(Tuổi trẻ (trang 12) 23/11)

Nhiều tai biến sản khoa do trình độ chuyên môn thấp
Ngày 22-11, tại Hội nghị giao ban tuyến chuyên ngành sản phụ khoa với 31 tỉnh, thành phố, TS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương cho biết trình độ và trang thiết bị chăm sóc sản khoa tuyến dưới vừa thiếu, vừa yếu.
Theo điều tra năm 2012 của BV Phụ sản Trung ương đa số khoa sản của BV đa khoa huyện thiếu bác sĩ, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng nên không thu hút được bệnh nhân. Thậm chí có BV huyện chưa thực hiện được mổ lấy thai do chưa có bác sĩ phẫu thuật hoặc chưa có dụng cụ phẫu thuật.
PGS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định tai biến sản khoa ở tuyến dưới là do sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa nữ hộ sinh và bác sĩ dẫn tới cắt nhầm cổ tử cung sang cắt niệu quản hay bàng quang.(Tiền phong (trang 2) 23/11)

Nội soi nuôi ăn cho bệnh nhân đã cắt 2/3 dạ dày
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa mở dạ dày nuôi ăn bằng nội soi cho ông Võ Phát Đ.,73 tuổi, ở Q.6, TP.HCM, đã bị cắt 2/3 dạ dày trước đó.
Nhiều năm nay ông Đ. được chẩn đoán rối loạn nuốt do bệnh teo đa hệ thống thần kinh. Ông Đ. không thể ăn uống, được cho nuôi ăn qua ống thông dạ dày và từng nhập viện nhiều lần vì bị viêm phổi hít sặc (biến chứng của nuôi ăn qua ống thông dạ dày).
Đầu tháng 11-2012, cũng vì biến chứng này mà ông Đ. nhập viện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Sau khi điều trị ổn định tình trạng viêm phổi, ngày 19-11 các bác sĩ dùng thủ thuật nội soi dạ dày qua đường miệng, tạo đường ăn trên bụng bệnh nhân để đưa thức ăn trực tiếp vào dạ dày, tránh biến chứng của nuôi ăn bằng ống thông dạ dày.

Theo bác sĩ Lưu Phương, kỹ thuật "mở dạ dày nuôi ăn bằng nội soi trên bệnh nhân cắt 2/3 dạ dày" là kỹ thuật khó, trên thế giới không có nhiều ca như vậy.(Tuổi trẻ (trang 12) 23/11)

Gửi thảo luận