Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 22/11/2012

Điểm báo ngày 22/11/2012

Hà Nội: 3 bệnh nhân phải nhập viện do chuột cắn
Thông tin tại TP.HCM xuất hiện chuột cống nhiễm virus Hata gây suy thận cấp khi cắn người xuất hiện những ngày gần đây khiến nhiều người dân lo lắng. Tại Hà Nội, tuy chưa phát hiện loại chuột này song theo ghi nhận của PV, ít nhất có 3 bệnh nhân bị chuột cắn đang phải nằm điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Trong số này, 2 trường hợp có biểu hiện bệnh rất điển hình là anh Đinh Phúc Q., 45 tuổi, ở Dịch Vọng, quận Cầu Giấy và bệnh nhân Nguyễn Trung K., 34 tuổi, ở Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Bệnh nhân Q. bị chuột cắn vào ngón giữa bàn tay phải, gần khớp, 2 vết răng cắn rất sâu, máu chảy nhiều.
Sau 3 ngày, vết cắn lành lại nhưng quanh vết thương vẫn đau âm ỉ, một hai hôm sau bắt đầu sưng đỏ quanh ngón tay, gây sốt giống như sốt rét. Đến nay, sau 4 ngày điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân bắt đầu khỏi sốt, chỗ vết cắn bị sưng giảm dần. Tương tự, bệnh nhân K. cũng bị cắn vào ngón tay trong lúc bắt chuột, dù đã cẩn thận ra trạm y tế để tiêm phòng uốn ván nhưng hôm sau vết cắn vẫn sưng lên, người sốt cao và lạnh như sốt rét nên phải vào viện điều trị. 
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh sốt do chuột cắn là một bệnh khá hiếm gặp, phần lớn có thể được chữa trị hiệu quả bằng các thuốc kháng sinh thông thường. Tuy nhiên, nếu không điều trị nó cũng có thể dẫn đến những biến chứng nặng với tỷ lệ tử vong khá cao.(An ninh thủ đô (trang 7), Tiền phong (trang 6), Thanh niên (trang 2) 22/11)

Làm rõ việc hai trẻ tử vong sau tiêm vắc xin
Theo Cục Y tế dự phòng, trong các ngày gần đây xảy ra 2 ca tai biến nghiêm trọng sau tiêm vắc xin. Đó là trường hợp bé trai 3 tháng tuổi tại Lâm Đồng và bé trai 2 tháng tuổi ở Thanh Hóa, đã tử vong vào ngày 16 và 13.11.
Cả hai bé trước đó có tiêm vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” phòng 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm màng não mủ Hiv. Cục Y tế dự phòng cho biết theo điều tra ban đầu, cả hai bé tử vong không trực tiếp do vắc xin vì cả hai đều có bệnh bẩm sinh, một trường hợp bị down và một bị tim.
Hiện tại chưa khẳng định chất lượng vắc xin là nguyên nhân gây tai biến. Tuy nhiên, các hội đồng chuyên môn vẫn đang tiếp tục làm rõ để có kết luận về hai trường hợp tử vong nói trên. Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Phòng Vắc xin, Cục Y tế dự phòng, hai trường hợp trên đều được theo dõi tại chỗ sau khi tiêm và không có bất thường. (Thanh niên (trang 2) 22/11)

Tìm chuyên gia cho bé bị cắt nhầm bàng quang
Ngày 21-11, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện đầu ngành tìm nơi chữa trị tốt nhất cho bé 21 tháng tuổi ở Khánh Hòa đi phẫu thuật thoát vị bẹn nhưng bị cắt nhầm bàng quang.
Theo ông Khuê, Bộ Y tế sẽ tìm nguồn kinh phí để chi trả chi phí điều trị cho bé, kể cả trường hợp mời chuyên gia nước ngoài như trường hợp bị cắt nhầm cả hai quả thận trước đây. (Tuổi trẻ (trang 2) 22/11)

Bộ Y tế kết luận ca tử vong sau mổ ruột thừa tại Bệnh viện FV
Ngày 20/11, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế về quá trình chẩn đoán, theo dõi và điều trị, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Mai Trung Kiên tại Bệnh viện FV (TP. Hồ Chí Minh). (Xem chi tiết tại trang 4). (Sức khoẻ và đời sống (trang 4) 22/11)

Phẫu thuật thành công u hốc mũi hiếm gặp
Các bác sĩ tai mũi họng khoa liên chuyên khoa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM vừa phẫu thuật thành công u hốc mũi hiếm gặp cho bé trai M.P., 6 tuổi, ở Tiền Giang.
PGS.TS Lâm Huyền Trân – trưởng khoa liên chuyên khoa bệnh viện này cho biết ngày 21-11.
Trước đó, bé P. nhập viện vì nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài. Bệnh diễn tiến hai năm với triệu chứng nghẹt mũi ngày càng tăng, kèm theo mắt bên phải ngày càng lồi, đẩy lệch ra ngoài, chảy nước mắt sống, đêm ngủ ngáy to.
Sau khi làm các xét nghiệm và hình ảnh học, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị loạn sản sợi xương sọ mặt, biểu hiện u xâm lấn toàn bộ hốc mũi với kích thước khá lớn 5x6x7cm, chèn ép nhãn cầu, chèn ép thần kinh thị giác, chèn ép ống lệ mũi, làm biến dạng mặt mũi.
Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy được toàn bộ khối u trong hốc mũi. Sau phẫu thuật bệnh nhi hết nghẹt mũi, sổ mũi, không còn ngủ ngáy to và chảy nước mắt sống.
Theo PGS Huyền Trân, loạn sản sợi xương sọ mặt là bệnh lý hiếm gặp, nguyên nhân do đột biến gen, không phải bệnh ác tính. Khi bệnh ảnh hưởng trực tiếp đường thở hoặc chèn ép thần kinh thị giác thì cần phẫu thuật.

Trường hợp bé P., chỉ định phẫu thuật được các bác sĩ cân nhắc rất kỹ. Phẫu thuật có thể có nguy cơ tổn thương sàn sọ, chảy dịch não tủy, tổn thương thần kinh thị giác gây mù mắt, hoặc tổn thương động mạch cảnh gây tử vong. Bệnh có khả năng tái phát hoặc ngừng tiến triển sau một thời gian, hiếm khi thoái hóa ác tính (1-3%). (Tuổi trẻ (trang 12) 22/11)


Gửi thảo luận