Nguồn tủy từ anh trai
Theo ThS Võ Thị Thanh Bình, trưởng khoa Ghép tế bào gốc tạo máu (BV Huyết học – Truyền máu T.Ư), ca ghép tủy cho bệnh nhân Diệu Thuần được tiến hành đúng lịch trình – ngày 15/9. Điều may mắn là Diệu Thuần phù hợp với tủy của người anh trai.
15 ngày sau ca ghép, ThS Thanh Bình cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy có xuất hiện mọc các mảnh ghép mới. Theo dõi tiếp 30 ngày ghép, các xét nghiệm tủy đều cho kết quả khả quan như: Các chỉ số tế bào máu đã trở lại gần bình thường, đặc biệt xét nghiệm về tổn thương di truyền như cấy nhiễm sắc thể tủy PH1 có kết quả âm tính (tổn thương nhiễm sắc thể PH1 là nguyên nhân gây ra bệnh máu trắng hay còn gọi là ung thư máu).
ThS Thanh Bình cũng cho biết, cũng trong ngày 9/11 bệnh nhân Diệu Thuần, sau 40 ngày ghép tủy, được xuất viện. Diệu Thuần sẽ được khám định kỳ 2 tuần/lần trong tháng đầu tiên. Diệu Thuần cũng phải sử dụng thuốc chống thải ghép cả đời.
Tháng 9/2005, bắt đầu vào đại học cũng là thời điểm Diệu Thuần phát hiện bị bệnh ung thư máu. Trải qua 7 năm điều trị không có nhiều tiến triển, đặc biệt trong 2 năm điều trị bằng thuốc nhắm đích (Gleevec) vẫn chỉ cho kết quả dương tính với tế bào ung thư. Đến năm 2012, thấy điều trị bằng các phương pháp trên mà không hiệu quả, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư đã quyết định thực hiện ghép tế bào gốc cho Diệu Thuần.
Cùng thời gian này, qua các phương tiện thông tin đại chúng, cảm phục chí vượt qua bệnh tật của Diệu Thuần, một nhà văn tại Israel nhận giúp đỡ Diệu Thuần sang điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Anh trai Diệu Thuần đã sẵn sàng hiến tế bào gốc cho ca ghép. Tuy nhiên, chỉ số giữa người cho và người nhận đạt 5/6 allen, chưa phải là chỉ số lý tưởng cho yêu cầu ghép (phải là 6/6). Cùng với sự tiến triển bệnh không mấy khả quan của Diệu Thuần nên ca ghép đã không được thực hiện.
Như hoa hướng dương
Hoàng Thị Diệu Thuần, 26 tuổi, sinh ra ở mảnh đất Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An). Niềm vui được là sinh viên chưa bao lâu thì một ngày giữa tháng 9/2005, Thuần nhập viện. Từ một cô gái năng động, yêu thơ văn, yêu cây đàn guitar, 4 năm đại học của Thuần gắn liền với giường bệnh, với những lần chọc tủy buốt nhói.
Đồng cảm và sẻ chia với Thuần, có những người đã tình nguyện giúp đỡ và vận động quyên góp tiền để Thuần vượt qua những lần điều trị hoá chất. Cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương” của Thuần được xuất bản 4 ngày trước khi Diệu Thuần nhập viện và bước vào giai đoạn chữa trị.
Cuốn tự truyện của Thuần chỉ vẻn vẹn 85 trang với những dòng tự sự, những vần thơ và cả những dòng nhật kí. Trong những cơn đau và biết bao lần đứng giữa lằn ranh của sự sống – cái chết, của khát khao cháy bỏng và thất vọng tột cùng…, cuốn tự truyện còn thể hiện một tâm hồn nửa yếu đuối, nửa mạnh mẽ đến lạ thường. Với giọng văn bình tĩnh, chân thành, cuốn tự truyện không chỉ là lời tri ân với bạn bè mà còn như một lời “xin lỗi” của Thuần với bố mẹ: "Nhiều lúc mình đau, mình cáu gắt, mình thấy bứt rứt và khó chịu trong người. Mình nói không suy nghĩ được và mình không chịu ăn…Viết ra cũng là cách để mình nói lời xin lỗi với bố mẹ".
Tận cùng nỗi đau, tận cùng của sự sống thì trái tim bé nhỏ Hoàng Thị Diệu Thuần vẫn “giữ vững niềm tin đến khi nào vẫn còn có thể hát, vẫn còn có thể nắn phím guitar, rong ruổi theo từng nốt nhạc, vẫn có thể viết nên những vần thơ không bao giờ lỗi nhịp”.
Chưa bao giờ Diệu Thuần nghĩ, những dòng tâm sự của mình sẽ được nhiều người đọc và chia sẻ. Bởi chỉ đơn giản là Thuần viết trong cơn đau, viết để giãi bày suy nghĩ khi sợ rằng những nỗi đau ấy nếu nói ra lại làm cho người thân đau hơn. Ca ghép tủy thành công như mở tiếp những trang ước mơ và cuộc sống nhiều hoài bão của Diệu Thuần.