* Đặc Điểm
Mạch môn là một loại cỏ sống lâu năm , thân rễ ngắn , lá hình dải hẹp , mọc túm ở gốc , bẹ lá ôm thân dài 15-40 cm , rộng 0,3 – 0,5 cm – Rễ chùm , củ phát triển ở đoạn giữa rễ , củ già màu hồng , củ non màu trắng . Hoa có tràng màu xanh nhạt . Quả mọng màu tím đen , đường kính 0,5 – 0,6 cm có 1 đến 2 hạt
Mạch môn mọc hoang ở miền núi , được trồng làm cảnh , làm thuốc ở khắp nơi trong nước ta – Trung Quốc cũng trồng nhiều . Dược điển Việt Nam và Trung Quốc đều ghi là vị Mạch Môn
* Bộ Phận Dùng
Đoạn rễ phình lên gọi là củ Mạch môn ( Radix ophiopogoni ) Thu hoạch sau khi trồng 2-3 năm lấy củ già có màu hồng ( bỏ củ non và đoạn rẽ ) rửa sạch và phơi sấy khô . Khi dùng bỏ lõi .
Bảo quản: Chống mốc
* Kỹ Thuật trồng Mạch môn
Có thể trồng quanh năm . Để tiện nguồn giống , nên trồng vào lúc thu hoạch củ . Sau khi thu hoạch củ , tách từng gốc riêng rẽ, cắt bớt rễ, lá để làm giống . Cây nọ cách cây kia là 20 cm . Mạch môn là cây ưa ẩm, ưa ánh sáng nhưng cũng chịu hạn , chịu bóng, có thể phát triển trên mọi loại đất, trừ nơi úng ngập .
* Có những cách trồng như sau.
– Trồng làm cảnh : Bao quanh bồn hoa , tạo hình tròn , vuông sao 5 cánh …hay bao quanh hàng rào dọc lối đi … kết hợp thu dược liệu
– Trồng cây bảo vệ đất , chống sói mòn ; ở vùng trung du trồng theo đường đồng mức ( Kiểu luống khoai lang ) từ lưng chừng đồi xuống chân đồi , cách 3-4 mét lại trồng một vòng Mạch môn . Mạch môn phát triển rất nhanh , bảo vệ đất , chống sói mòn và giữ ẩm cho đất đồi rất tốt . Năng suất củ Mạch môn khá cao .
– Trồng sản xuất ; Trồng kiểu luống khoai lang thấp (Cao khoảng 20 cm) mỗi năm bón phân và vun gốc một lần (Vào tháng 9 dương lịch)
* Công năng – Tính vị
Mạch môn vị ngọt hơi đắng , tính hàn vào các kinh phế, tâm vị , – Có tác dụng ; dưỡng âm, nhuận phế, thanh tâm ích vị , sinh tân dịch , trừ đờm .
* Tác dụng dược lý : theo kết quả nghiên cứu của Đỗ Trung Đàm và cộng sự ( Viện Dược liệu ), Mạch môn có tác dụng như :
– Ức chế ho rõ rệt ; với súc vật thí nghiệm bằng cách gây ho (bằng axit axetic , xitric , amoniac)
– Lợi đờm rõ rệt : Trên mô hình nghiên cứu có sự tăng tiết dịch khí phế quản thỏ
– Chống viêm cấp tính và mãn tính , giảm triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau ở đường hô hấp trên .
– Kháng sinh ; Tác dụng khá với Diplococcus pneumonial , yếu với staphylococcus aureus
* Một số bài thuốc
SINH MẠCH TÁN ; Có tác dụng chữa choáng do các nguyên nhân khác nhau. Các bệnh về tim như: rối loạn nhịp tim, mạch vành, đau thắt ngực:
Mạch môn 9-15g .
Nhân sâm 6-9 g ,
Ngũ vị tử 6-9 g.
Thuốc uống: Dạng chè thuốc, thuốc sắc. Thuôc tiêm: tiêm bắp, truyền tĩnh mạch.
CHỮA MAI HẠCH KHÍ. (Loạn cảm họng, luôn phải khạc như có hạt mơ )
Mạch môn 12g .
Sa sâm 12g .
Sinh địa 12g .
Thạch hộc 12g .
Đan sâm 8g .
Ngưu tất 8g .
Hậu phác 8g .
Qua lâu nhân 8g .
Sắc nước 3 lần . Cô lại còn 300ml . Chia làm 4 lần uống .
Cách dùng , Ngậm thuốc rồi nuốt từ từ .
GIẢM HO MÁT PHỔI. Chữa các chứng ho khan, hỗ trợ điều trị lao phổi .
Mạch môn bỏ lõi sao khô 15g . thái mỏng .
Cam thảo đất 15g
Vỏ quýt 3 năm cạo hết lớp trắng thái nhỏ , sao khô 10g
Củ rẻ quạt chế ( ngâm nước Vo gạo ; 3 lần ) 5g .
Sắc 3 lần với 500ml . Cô nước sắc lấy 100ml . Thêm đường đủ ngọt . Chia làm 3 lần uống trong ngày .
CHỮA HO TRẺ EM
Mạch môn bỏ lõi sao khô 10g .
Cát cánh 10g ,
Sa sâm 10g ,
Sắc 3 lần với 500ml . Cô lại còn 100ml . Thêm đường đủ ngọt chia làm 4 lần uống trong 24 giờ . Trẻ dưới 6 tuổi uống 1/2 liều trên .
* Tránh nhầm lẫn : Dễ nhầm với Tóc tiên . Tóc tiên lá dải nhỏ và mềm hơn.