Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Thông tin thuốc » Cây củ nần rất độc

Cây củ nần rất độc

Củ nần, còn được gọi là  củ nê, củ nằng, củ nâu trắng, có tên khoa học là Dioscorea hispida Dennst, thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae). Cây  mọc trên các nương rẫy hoang, là loại cây leo cao tới 30m, có lông mềm với các lông màu vàng nhạt hoặc nhẵn hình trụ, thường có gai nhiều. Lá có 3 lá chét có lông nhẵn trông giống như lá cây củ đậu, lá chét giữa hơi lớn hơn, dài 16cm, rộng 10cm.

 
Lá rụng vào mùa khô, mọc lại vào tháng 3 – 4. Cụm hoa to, dài tới 50cm; bông đực dày nhiều nhánh, bông cái thòng. Quả nang dày lông vàng, có cánh rộng ở phía giữa tới 16mm; quả dài, thót lại về phía trên thành một mũi nhọn tù hay tròn. Hạt to, dài 10mm, với một cánh lớn màu vàng nâu. Mùa ra hoa vào cuối tháng 3.
 
Trong củ và lá cây củ nần có các alcaloid độc là dioscorin và dioscorein. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, alcaloid trong củ nần có cấu trúc tương tự cocain và tác dụng cũng có những điểm giống nhau, đặc biệt là liều độc rất cao dioscorin là một loại chất độc mạnh, chỉ cần 10mg có thể giết chết một con ngựa. Còn dioscorein là một chất bay hơi ít độc hơn.
 
Cây củ nần rất độc 2
Củ nâu

Củ nần rất độc, một miếng to bằng quả táo tây đủ để làm tử vong một người lớn trong 6 giờ. Biểu hiện ngộ độc củ nần bắt đầu với cảm giác ngứa trong cổ họng kèm theo nóng rát, chảy nước rãi rồi xuất hiện choáng váng, buồn ngủ, nôn ra máu, khó thở…, trường hợp nặng có thể dẫn tới hôn mê và  tử vong. Vì vậy, tuyệt đối không được sử dụng cây củ nần để làm thức ăn cho người và gia súc.

Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong các sách thuốc cổ như Lục châu bản thảo, Sinh thảo dược tính bị yếu, Bản thảo cầu nguyên  dược học cổ truyền, củ nần được gọi là bạch thự lương, vị đắng, tính lạnh, có độc, có công dụng tán nhiệt, tiêu thũng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nhọt độc, hậu bối, giang mai, hạ cam, tổn thương do trật đả… nhưng chỉ dùng ngoài bằng cách giã nát đắp, sắc lấy nước rửa hoặc nấu thành cao để bôi lên tổn thương, tuyệt đối không được uống trong vì rất dễ ngộ độc. Theo kinh nghiệm dân gian, khi không may bị ngộ độc củ nần cần dùng gừng tươi 60g ép lấy nước, dấm ăn 60ml, cam thảo 10g, nước sạch nửa bát, tất cả đem sắc cô còn nửa bát, trước ngậm sau uống.

Cũng theo ThS. Hoàng Khánh Toàn, người ta rất dễ nhầm lẫn giữa củ nần với củ nâu (Dioscorea cirrhosa Lour), hai loại đều cùng một họ nhưng củ nâu ngoài công dụng để nhuộm vải và làm thuốc còn có thể dùng để ăn với điều kiện là phải gọt bỏ vỏ ngoài, ngâm nhiều nước và thay nước nhiều lần cho hết hoặc giảm chất chát rồi luộc ăn.
 
Cây củ nần rất độc 3

 Cây củ nâu.

Chuyện xưa kể lại rằng, trong khi đi trị thủy bị thiếu lương thực, vua Vũ Vương nhà Hạ (Trung Quốc) đã dùng củ nâu để ăn và vì vậy mà lương thực lại thừa ra, do đó loại củ này được đặt tên là Vũ dư lương (họ Vũ thừa lương thực). Để phân biệt hai loại củ nần và củ nâu, các sách thuốc cổ đều ghi rằng: củ nâu vị ngọt, chát hơi chua, tính bình, không có độc, có công dụng hoạt huyết cầm máu, lý khí giảm đau, thường được dùng để chữa đau bụng do sản hậu, kinh nguyệt không đều, rong kinh, thổ huyết, viêm khớp dạng thấp, cầm máu vết thương…

 
Để phân biệt với củ nần cần căn cứ vào hình dáng cây và củ, khác với củ nần, thân cây củ nâu tròn, nhẵn, có nhiều gai, lá đơn mọc so le ở phía dưới, mọc đối ở gần ngọn, phiến lá hình trứng hoặc bầu dục nhẵn bóng, cụm hoa đực không có lá, gồm nhiều bông, trục bông nhẵn, có cạnh. Củ nâu vỏ xám vàng nhạt, không sần sùi, nhựa màu đỏ nhạt, mặt cắt hơi hồng còn củ nần vỏ cỏ có rãnh, màu nâu đỏ nhạt, nhựa màu vàng nhạt hơi hồng, mặt cắt có màu trắng nhạt.
Vì vậy, tuyệt đối không được dùng củ nần làm thức ăn và nếu có dùng củ nâu thì cũng phải rất thận trọng phân biệt với củ nần. Tốt nhất, trong điều kiện lương thực không thiếu như hiện nay thì cũng không nên dùng củ nâu làm lương thực.  
 
 

Gửi thảo luận