Lang thang trên mạng, vào Google tìm từ “chạy chức, chạy quyền”, thấy một “tài liệu” kinh hoàng có tên: “9 mẹo chạy chức, chạy quyền”. Thực chất, đây là tài liệu dạy cách “giăng bẫy cho quan” hay “cẩm nang dạy… hối lộ”.
Người viết “tài liệu” nói rằng “sách lược” này không phải ông (bà) ta nghĩ ra mà được tổng hợp từ những nguồn thông tin khác nhau. Đọc xong, không thể không thừa nhận 9 “mẹo” này xứng đáng là cẩm nang đầy mưu mẹo với các tựa đề như… binh pháp Tôn tử. Đó là: “Lọt sàng xuống nia”, “Kính lão đắc… quyền chức”, “Mua quà cho em”, “Sữa để em thơ”, “Lương khô đường dài”…
Thậm chí, có những “mẹo” rất trắng trợn như “Làm hư sếp”. Có mẹo lợi dụng triệt để vào truyền thống văn hóa như “Phong tục nước Nam” hoặc tình cảm phụ nữ như “Lòng dạ đàn bà”.
Người viết còn khẳng định nếu áp dụng các biện pháp này thì việc cá nhân sẽ chắc chắn thành và việc công thì.. chắc chắn bại!
Đọc xong “cẩm nang”, mình không khỏi giật mình. Việc tham nhũng, hối lộ không lạ nhưng việc đúc kết để trở thành sách thì có lẽ chuyện chỉ có ở Việt Nam ta. Điều này càng chứng tỏ công cuộc phòng chống tham nhũng rất phức tạp, khó khăn. Nó không chỉ cần một bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn cần phải có nghị lực vượt qua cám dỗ đồng thời một tinh thần cảnh giác cao độ của quan chức đối với những mưu ma, chước quỉ của bọn “chuyên gia” hối lộ.
Xin hỏi những vụ thất thoát lớn hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn tỉ đồng như Vinashin, Vinalines hay những dự án thu hồi đất gây bức xúc trong nhân dân không có bàn tay nhớp nhúa của các “chuyên gia” hối lộ? Rồi các vụ chạy chức, chạy quyền như trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 của TBT Nguyễn Phú Trọng là “một khuyết điểm lớn” phải chăng không có sự “giúp sức” của những kẻ đưa hối lộ?
Công bằng mà nói có không ít kẻ làm quan tham lam, chỉ chăm chăm đòi và nhận hối lộ nhưng chắc cũng không ít người do thiếu cảnh giác mà rơi vào cạm bẫy của bọn “chuyên gia” này. Những kẻ tham nhũng có bao nhiêu mưu lược để bòn mót tiền của đất nước thì bọn đi hối lộ nhằm trục lợi cũng có bằng đó cách để làm hư hỏng những người có chức, có quyền để đạt mục đích.
Nói như thế không có nghĩa là “cảm thông” với những kẻ nhận hối lộ bởi vì phẩm chất đầu tiên của nhà quản lý là phải nhận được chân – giả, biết ai là người chân, đâu là kẻ gian đồng thời phải luôn luôn cảnh giác.
Tuy thế, về pháp lý thì rất cần sự phân biệt rõ ràng để xử “đúng người, đúng tội”. Ví dụ như cần phải phân biệt những người do hoàn cảnh nào đó mà bắt buộc phải đưa quà cáp không thể “đánh đồng” như những kẻ cố tình đưa hối lộ để chạy chức, chạy quyền, chạy dự án… để từ đó làm cơ sở tham ô, tham nhũng đục khoét của nước, của dân.
Có lẽ việc thiếu rạch ròi, “đánh đồng” hai đối tượng này là một trong những nguyên nhân khiến công cuộc chống tham những chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Gần đây, ông Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo vào dự luật sửa đổi lần này. Ông Lượng nói: “Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ. Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế “cùng thuyền”.
Theo tôi, đây là kiến nghị rất chính xác.